Độc đáo nghệ thuật Lân sư rồng Bình Dương - Bài 2
Bài 2: Những tuyệt kỹ vang danh
Với những tuyệt kỹ, các đoàn lân sư rồng Bình Dương đã ghi dấu ấn trên các đấu trường lớn, từ trong nước đến quốc tế. Mỗi cú nhảy, mỗi động tác đều chứa đựng một câu chuyện về sự sáng tạo không ngừng, sự đoàn kết và lòng quyết tâm vượt qua mọi thử thách để tỏa sáng.
Các thành viên đoàn lân sư rồng Quang Nghệ tập luyện trên giàn Mai Hoa Thung
Hấp dẫn người xem
Biểu diễn lân sư rồng không chỉ là một môn nghệ thuật dân gian, mà là sự kết tinh giữa sự đam mê, khổ luyện và tinh thần đoàn kết. Tại Bình Dương, nghệ thuật múa lân đã trở thành tự hào của cả cộng đồng. Trong đó, tiết mục lân lên Mai Hoa Thung, với những màn múa lân mạo hiểm và đầy kịch tính, đã trở thành dấu ấn đặc biệt, làm say đắm lòng người.
Màn biểu diễn lân lên Mai Hoa Thung của đoàn lân sư rồng Phước Anh Đường (TP.Thuận An) tại Giải lân lên Mai Hoa Thung TP.Thuận An mở rộng tranh Cúp Aeon Mall Bình Dương Canary năm 2024
Những màn biểu diễn trên giàn cọc cao vút không chỉ là thử thách khắc nghiệt với các vận động viên, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật sống động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Giàn Mai Hoa Thung với những cột sắt cao từ 1,2m đến 2,4m, không phải dễ dàng để chinh phục. Để có thể nhảy múa một cách điêu luyện trên những cột sắt này, mỗi thành viên trong đoàn lân phải trải qua thời gian dài khổ luyện. Các vận động viên không chỉ rèn luyện thể lực dẻo dai, mà còn phải biết võ thuật để có thể vượt qua các thử thách. Những cú nhảy, những động tác tung hứng với độ chính xác cao đến mức “thót tim” người xem không phải là kết quả của sự may mắn, mà là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật điêu luyện và tinh thần không khuất phục.
Những màn múa như lân hái lộc trên ngọn tre cao hơn 6m hay những động tác biểu diễn trên giàn Mai Hoa Thung cao vút luôn khiến khán giả phải nín thở. Những bước nhảy dũng mãnh, những pha xoay tròn trên không trung không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng trong đó là cả một câu chuyện về sự gan dạ, lòng kiên cường và khát vọng chiến thắng.
Các thành viên đoàn lân sư rồng Quang Nghệ tập luyện màn lân leo cây hái lộc
Ông Võ Hoàng Tánh, Trưởng đoàn lân sư rồng Quang Nghệ (TP.Thuận An), chia sẻ, người múa phải mất từ 2 đến 6 năm tập luyện công phu, nhưng chỉ có 10 phút tỏa sáng trên sân khấu với giàn thung cao từ 1,2m đến 2,4m. Kỹ thuật và thể trạng kết hợp với phong độ, bản lĩnh của vận động viên sẽ tạo nên những màn biểu diễn đầy nghệ thuật, mang đến khán giả những phút giây thưởng thức kịch tính.
Rèn luyện nhân cách, tránh xa tệ nạn xã hội
Tập luyện lân sư rồng không chỉ đơn thuần là để biểu diễn một bộ môn nghệ thuật, mà còn là một phương thức rèn luyện nhân cách, giúp thanh thiếu niên tránh xa những cám dỗ tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tại đoàn lân sư rồng Quang Nghệ, những câu chuyện như vậy rất phổ biến. Các bạn trẻ, có người là lao động đến Bình Dương gia đình không có điều kiện chăm sóc, đã tìm thấy niềm đam mê và sự định hướng trong việc luyện tập lân sư rồng. Nhờ vào sự quan tâm và dìu dắt của trưởng đoàn, những thanh niên này không chỉ học được những kỹ năng biểu diễn điêu luyện, mà còn học được cách làm việc chăm chỉ, sống có trách nhiệm và xây dựng cuộc sống ổn định. Một số bạn đã trở thành công nhân tại các khu công nghiệp, nhân viên giao hàng, hay thậm chí mở ra những cơ hội kinh doanh riêng.
Vươn tầm
Với sự khổ luyện cùng những chiêu thức đặc trưng của lân sư rồng Bình Dương, môn nghệ thuật này ngày càng được nhiều người yêu thích. Không chỉ vậy, một số đoàn lân sư rồng ở Bình Dương cũng được đánh giá cao ở các giải đấu quốc tế. Có thể kể đến một số tên như: Đoàn lân sư rồng Quang Nghệ, Phước Anh Đường, Long Kun, Gia Thắng…
Ông Võ Hoàng Tánh, Trưởng đoàn lân sư rồng Quang Nghệ, chia sẻ để có được thành công, không chỉ là tập luyện về thể lực, mà còn là sự đồng lòng và tinh thần đoàn kết. “Mỗi lần biểu diễn là một lần chúng tôi gửi gắm tất cả tâm huyết và tình yêu với môn nghệ thuật này”, ông Tánh chia sẻ.
Trong số những đoàn lân sư rồng ở Bình Dương được đánh giá cao, đoàn lân sư rồng Quang Nghệ đã đạt nhiều thành tích đáng nể tại các đấu trường trong và ngoài nước. Liên tiếp 2 năm liền (2023 và2024) đạt 2 giải nhất, 2 giải nhì tại Liên hoan lân sư rồng đất võ Quy Nhơn - Bình Định; giải nhất Giải lân lên Mai Hoa Thung Cúp Aeon Mall 2023; 1 giải nhất và1 giải nhì tại Lễ hội lân sư rồng Hải Châu Đà Nẵng năm 2024; giải nhì Giải lân lên Mai Hoa Thung tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2025; giải khuyến khích tại Giải múa lân sư rồng quốc tế tại Kuala Lumpur (Malaysia)... Chừng đó để thấy rằng nghệ thuật lân sư rồng ở Bình Dương đã vươn xa và ghi dấu ấn ở các sân chơi quốc tế (còn tiếp).
Độc đáo múa hẩu
Nếu có dịp ghé qua Lái Thiêu, Chánh Nghĩa hay Búng vào dịp Tết Nguyên đán hay Rằm tháng giêng, sẽ không khó để bắt gặp những đoàn hẩu rộn ràng diễu hành, mang đến một không khí trang trọng nhưng cũng đầy sống động và phấn khởi. Đó là những điệu múa độc đáo vừa phục vụ nghi lễ thiêng liêng, vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người Hoa Phước Kiến tại đất Thủ- Bình Dương.
Múa hẩu, một nét đặc sắc của người Hoa Phước Kiến, khác biệt hoàn toàn với múa lân, múa sư tử hay múa rồng. Hẩu, linh vật đặc trưng của người Phước Kiến, có hình dáng độc đáo: Đầu hổ, mình rắn, chân nai, đuôi bò. Đó là tứ bất tướng, được cho là những con vật đáng sợ trong tưởng tượng của người xưa, mang đến một vẻ uy nghi, mạnh mẽ, đầy quyền lực. Đặc biệt, đầu hẩu được làm bằng gốm - một kỹ thuật chế tác truyền thống của người Hoa Phước Kiến, thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân.
Theo ông Vương Quang Tính, cố vấn nghệ thuật đoàn hẩu Phước Võ Điện, múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm. Hẩu không dùng để múa biểu diễn phục vụ vui chơi, giải trí như múa lân, múa sư, múa rồng mà chỉ xuất hiện trong các lễ cúng. Thường là trong lễ cúng rước ông Bổn đi tuần du ở các vùng làm lò chén ở Búng, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh, Bình Dương.