Phục dựng giếng làng
Cùng với hình ảnh mái đình, cây đa, giếng nước (giếng làng) là một biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh bình dị, thân thương của giếng làng đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần ở nhiều làng xã. Để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó, những năm qua, nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nguồn lực, góp ngày công, hiến đất, hiến cây, chung tay phục dựng, tôn tạo các giếng làng, tạo nên một nét riêng trong bức tranh nông thôn mới hiện nay.
Giếng Truông (xã Bình An, huyện Lộc Hà) được tôn tạo với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, trở thành một điểm nhấn trong không gian văn hóa vùng quê nơi đây. Tham quan khuôn viên giếng Truông, chúng tôi cảm nhận được một không gian chan hòa, gần gũi, bình dị và thân thương của làng quê nơi đây. Theo các cụ cao niên, rất khó để xác định "tuổi" của giếng Truông, chỉ biết rằng tuổi thơ của những người cao niên nhất cũng đã gắn liền với dòng nước mát lành của giếng. Tuy nhiên, trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, sự thay đổi của nếp sống, giếng Truông dần chìm vào quên lãng, trở thành hoang sơ. Việc phục dựng giếng Truông trở thành niềm trăn trở của những người con sinh ra trên mảnh đất này. "Quá trình phục dựng chúng tôi cố gắng gìn giữ những nét nguyên sơ của công trình, đồng thời xây dựng thêm các hạng mục khác trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương", ông Nguyễn Đình- một người dân địa phương chia sẻ.
Cũng tại xã Bình An, giếng Trần nép mình bên cổng Làng Văn hóa Chân Thành được phục dụng vào mùa đông năm 2022 khá bắt mắt. Theo các cụ cao niên, giếng Trần được đào năm 1533 tại xóm Trần, làng Lộc Nguyên, xã Phúc Tuyến, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Giếng được tôn tạo lần 1, ghép đá vào đầu thế kỷ XX. Để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của giếng làng, người dân nơi đây đã kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân, người góp công, người góp của, giếng Trần đã được tôn tạo và xây dựng khuôn viên vào mùa đông năm 2022.
Tại xã Hộ Độ, có 2 giếng cổ cũng đã được tôn tạo và đã trở thành điểm giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho bà con. Đứng bên giếng cổ Chăm Pa (thôn Đồng Xuân), cụ bà Trương Thị Chắt (89 tuổi) cho biết: "Từ đầu những năm 90, khi đời sống phát triển, người dân trong thôn đều đào, khoan giếng để thuận tiện hơn trong sinh hoạt cũng như có nhiều nguồn nước sạch khác nên giếng làng ngày một xuống cấp, bỏ hoang. Sau thời gian tích cực vận động, thôn đã huy động được 200 triệu đồng để phục dựng giếng làng trong niềm mong mỏi của bà con nhân dân". Cũng theo bà Chắt, giếng cổ Chăm Pa chưa bao giờ cạn nước. Ngày xưa, khi còn nhỏ bà đã thấy giếng cổ Chăm Pa cung cấp nguồn nước phục vụ cho cả làng sinh hoạt.
Với những người sinh ra từ làng quê, giếng làng đã trở thành một hình ảnh rất đỗi thân quen, gắn bó trong cuộc sống. Vì vậy, khi nhìn khung cảnh người dân quây quần trong khuôn viên giếng cổ Chăm Pa, mỗi người đều cảm thấy vui và ấm áp, bởi những giá trị văn hóa làng vẫn được gìn giữ và phát huy bởi các thế hệ mai sau. Ngoài phục dựng tôn tạo giếng, khuôn viên giếng cũng được tạo dựng với phong cảnh làng quê do các họa sĩ vẽ trên các bức tường bao quanh. Bộ bàn ghế đá cũng được kẻ bàn cờ tướng phục vụ người dân giải trí sau khi làm đồng về.
Dẫu giếng làng không còn phát huy công năng, mục đích như vốn có, song phong trào phục dựng giếng làng đã trở thành nhu cầu của người dân Lộc Hà. Đó là mong muốn khôi phục giá trị tinh thần, gìn giữ truyền thống, phát huy nét đẹp xưa. Quá trình tôn tạo đã xây dựng được nét đẹp văn hóa làng quê, tạo điểm sinh hoạt, giao lưu kết nối, tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của làng Việt.
Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Trương Há Khanh cho biết: "Gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu, việc tôn tạo giếng làng đã hình thành nên không gian giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ sau về những nét đẹp văn hóa của quê hương".
Không những tại huyện Lộc Hà, nhiều làng quê khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã, đang nỗ lực kêu gọi xã hội hóa để tôn tạo giếng làng, xây dựng nét đẹp làng quê, duy trì và phát huy giá trị văn hóa, đưa đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao hơn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/phuc-dung-gieng-lang-post307186.html