Nhớ Tết xưa
Mấy chục năm xa quê và sống ở thành phố, tâm hồn, tính cách của người Nam Bộ đã là một phần máu thịt trong tôi. Thế nhưng, vào những ngày cuối năm khi không khí tết tràn về trên các nẻo đường, tôi lại nhớ da diết Tết xưa ở xứ Bắc.
Tết ở quê tôi thật sự bắt đầu kể từ ngày cúng ông Công, ông Táo. Đi đâu cũng nghe mọi người hỏi nhau về "đánh đụng lợn" ở đâu. Mẹ tôi có lẽ là người lo lắng nhất, bởi Tết đến, bà bao giờ cũng phải sắm 5 bộ đồ mới cho 5 anh em chúng tôi.
Những ai đã trải qua những năm tháng khó khăn sẽ nhớ vô cùng những cái tết, bởi đó là những ngày hiếm hoi trong năm được ăn thịt lợn do hợp tác xã bán phân phối (theo đầu người) và mọi nhà có thể "đụng lợn" để ăn Tết.
Thông thường, vào tháng 3, 4 trong năm là mọi người đã bàn nhau để "đụng lợn". Ngày ấy, lợn được nuôi bằng cám, cây chuối xắt nhỏ hay rau bèo rồi nấu lên, vì thế các gia đình phải bàn trước vì lợn nuôi cả năm may ra được 40 - 50 chục ký, lại còn phải bán "nghĩa vụ"... Nhà nào đông người thì 2 nhà nuôi chung một con, ít người thì 4 nhà chung một con. Cũng có gia đình chỉ dám chung nửa cái đùi lợn. "Đụng lợn" không trả bằng tiền mà bằng thóc, thông thường cứ 1 ký lợn hơi sẽ đổi bằng 6 hoặc 6,5kg thóc. Cứ khoảng 27, 28 Tết là không khí nhộn nhịp hẳn bởi các nhóm bắt đầu mổ lợn.
Trời rét, anh em chúng tôi nằm trong chăn lắng tai nghe tiếng lợn kêu ở góc nào để đoán xem nhà ai, nhóm nào đang mổ lợn. Lợn sau khi bị giết và xẻ thì phần thịt ra thịt, xương ra xương, còn nội tạng để riêng. Mỗi phần tư con lợn được tính là một đùi. Tất cả mọi người đều được chia phần đầy đủ không thiếu một phần nào. Riêng nồi cháo thì các gia đình chia nhau mang về ăn. Gia chủ có lợn thì thường đem biếu các gia đình không có điều kiện để "đánh đụng" một tô cháo và mấy miếng lòng, bởi họ tuy được mua được thịt do hợp tác xã bán nhưng chỉ có thịt mà không có các phần khác.
Đêm 29 Tết có lẽ là đêm háo hức nhất của tất cả chúng tôi, bởi sáng 30 chúng tôi sẽ đi chợ huyện. Đi chợ huyện chủ yếu là đi chơi Tết, nhưng cũng có người được cha mẹ giao mua tranh và gậy cho ông bà ông vải (là 2 cây mía). Chợ sáng 30 Tết rất đông vui nhưng chỉ tầm 11 giờ trưa là hầu như không còn bóng dáng ai, bởi mọi người đều tất bật ra về để chuẩn bị đón Tết. Lúc này, trên khắp các con đường, cánh đồng, từng nhóm người chào nhau ríu rít. Tất cả họ đều đang đi làm một nhiệm vụ thiêng liêng là rước ông bà về ăn Tết. Những việc này thường do con trai trưởng và cháu đích tôn dẫn đầu, nhưng phải có đông con cháu đi theo. Việc đầu tiên là dùng cuốc làm sạch khu mộ, sau đó thắp nhang và khấn mời ông bà về ăn Tết. Nhang đốt ở mộ sẽ được nhổ một cây đem về, trên đường đi nếu tắt hoặc cháy hết phải đốt cây khác cho tới lúc về đến nhà cắm lên bàn thờ. Kể từ đó, mọi người tin rằng tổ tiên đã về sum vầy, đón Tết cùng con cháu. Và cũng từ lúc đó cho đến ngày đưa ông bà chiều mùng 3 Tết, nhang trên bàn thờ phải được đốt liên tục.
Chiều 30 Tết, 5 anh em chúng tôi được mẹ nấu một nồi nước rau mùi để tắm rửa sạch sẽ, tẩy sạch mọi dơ bẩn của năm cũ, đón chào năm mới với niềm hy vọng mới. Sau khi rước ông bà xong cũng là lúc mọi người đi chặt đào để trang trí Tết. Trước đó, nhiều người đã đến những nhà trong làng có cây đào to để “xí” trước phần của mình. Quê tôi khi ấy chẳng ai bán hoa đào mà chỉ để cho. Nhà tôi có cây đào cổ thụ và mỗi năm có khoảng 15 người “xí” phần. Mọi người chỉ cần đánh dấu vào cành đào mà mình muốn chặt là chủ nhà sẽ để dành riêng và thông báo với người đến sau là cành đó đã có người chọn. Các cành đào chặt về sẽ được đem đốt chỗ chặt cho cháy đen để giữ nước cho cành, sau đó ngâm vào bình hoa đã châm nước. Với cách này, đến hết tháng giêng, hoa đào vẫn nở thắm trên bàn thờ.
Khoảng 7 giờ sáng mùng 1 Tết, trên đường bắt đầu có tiếng chúc nhau râm ran, đó là lúc mọi người đi đơm Tết. Tục lệ này hầu như đã mất hẳn gần 40 năm nay. Đơm Tết không phải là đưa đồ cúng đến nhà ai đó vào trước ngày tết như một vài thông tin trên mạng xã hội. Đơm Tết là bê mâm cúng đến nhà trưởng họ hoặc nhà anh cả vào sáng mùng 1 Tết. Trong làng sẽ có nhiều người họ hàng với nhau, vì vậy thường ông trưởng họ chịu trách nhiệm giỗ tổ. Ngoài ra, những anh em ruột thịt, chú bác ở gần nhau cũng có một ông trưởng chịu trách nhiệm cúng giỗ. Cứ sáng mùng 1 Tết là các gia đình thuộc chi dưới làm một mâm có đầy đủ tất cả những món ngon, món đặc biệt nhất của gia đình và người con trưởng trong gia đình ấy sẽ bê sang nhà thờ họ hoặc nhà bác cả để cúng tổ tiên.
Tôi vẫn còn nhớ và ấn tượng cái bàn thờ tại nhà bác trưởng họ của chúng tôi: sáng mùng 1 Tết có gần 50 mâm đơm xếp ra đến hết sân do con cháu nhiều và nhiều chi, nhánh. Thông thường, mấy ngày Tết bác trưởng họ không đi đâu xa mà chỉ ở nhà đón con cháu đến thắp hương cúng bái tổ tiên.
Từ 8 giờ trở đi, các gia đình lần lượt đến nhà bác trưởng họ hoặc bác cả. Các mâm đơm trên bàn thờ cũng lần lượt được xem xét và chọn lấy một hai món để mọi người cùng nhau ăn uống. Việc ăn uống này "hay thì thật là hay" nhưng cũng có điều bất tiện. Năm nào trời nắng thì ôi thôi, bằng ấy cái mâm trên bàn thờ làm mồi cho lũ ruồi nhặng, còn năm nào trời lạnh thì các mâm đơm để một chút là đã lạnh ngắt. Vậy mà có mâm để đến tận chiều tối còn được đưa xuống để mọi người ăn.
Khoảng 6, 7 giờ tối, các gia đình mới đến bê mâm cỗ về, trên mâm còn gì thì bê về cái đó. Có mâm vì nhiều đồ ngon nên đã được dùng hết, cũng có mâm vẫn còn nguyên vẹn đến khi được mang về…
Cuộc sống hôm nay đã phát triển nhiều so với trước và có những phong tục đã mai một theo thời gian. Tất nhiên, chẳng ai hoài cổ tới mức mong muốn những cái tết nghèo khó như xưa. Thế nhưng mỗi độ xuân về, trong lòng người xa xứ lại da diết nhớ về những kỷ niệm thuở ấu thơ quây quần bên cha mẹ mỗi khi Tết đến xuân về. Đối với những người “cố lý tha hương”, nhất là những người vì hoàn cảnh phải xa xứ, mỗi khi xuân về lại nhớ cố hương, nhớ tổ tiên, nhớ cội nguồn da diết…
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nho-tet-xua-213854.html