Nhớ Tết xưa

Tết Nguyên đán xưa nay là ngày lễ có ý nghĩa thiêng liêng mà người dân nước Việt đều hướng về. Không chỉ mong chờ thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, Tết còn là dịp gửi gắm ước vọng, cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn đến với bản thân, gia đình và quê hương. Vậy nên từ trẻ đến già ai ai cũng mong đến Tết.

Trước đây, điều kiện kinh tế hạn hẹp nhưng mọi người vẫn cố gắng lo toan cho 3 ngày Tết được đủ đầy. Văn hóa của người Việt ta là thế, “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Dù giàu hay nghèo thì “ngày 30 Tết vẫn phải có thịt treo trong nhà”. Người người, nhà nhà tất bật lo chuẩn bị cho ngày Tết được đầy đủ để con cháu vui vẻ, bình an, may mắn.

 Quây quần gói bánh chưng ngày Tết.

Quây quần gói bánh chưng ngày Tết.

Tết là dịp để hướng về nguồn cội. Vì thế, những người xa quê hoặc đã ly hương dù ở chân trời góc bể nào cũng muốn trở về sum họp cùng gia đình, người thân, làng xóm, bạn bè. Như bao vùng quê nghèo khác, quê tôi ở ven đô, Tết rục rịch ngay từ đầu tháng Chạp. Các công trình xây cất cũng khẩn trương hoàn thiện trước Tết. Nhà nhà quét lại vôi ve, dọn dẹp, sửa sang, không khí thật rộn ràng. Ngoài đồng, mọi người khẩn trương thu hoạch hoa màu vụ đông chuẩn bị điều kiện cho vụ chiêm xuân.

Qua Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), chợ họp thường nhật, nhộn nhịp từ sáng sớm. Ngoài các loại rau củ quả địa phương, bà con bày la liệt hàng Tết: Lá dong, lá ỏng, bóng bì, nấm, hương, măng miến, chiếu hoa, quần áo trẻ em… Góc kia bày câu đối, cuốn thư, tranh tứ quý, tranh Đông Hồ, giấy điều, chỗ bán cá cảnh, cây lộc, hoa tươi. Nơi gốc đa to bao giờ cũng thấy ông đồ ngồi điền chữ lên các bức tranh bày bán.

Ông thợ truyền thần tỉ mỉ dùng bút chì tỉa tót những bức chân dung được vẽ ra từ những tấm ảnh nhỏ đã ố vàng. Khách cắt tóc kiên nhẫn ngồi xem những tờ báo nhàu nát chờ đến lượt, tiếng kéo, tông đơ tạo nên một loại âm thanh lách tách nghe thật vui tai. Hàng thợ may lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Ở lò rèn, lửa luôn hồng rực sửa chữa những nông cụ như liềm, cuốc thuổng, lưỡi cày, dao…

Mặc dù không khí sắm sửa, dọn dẹp những ngày trước đó đã rộn ràng lắm rồi nhưng có lẽ Tết thực sự đến vào ngày 29 tháng Chạp. Từ sáng sớm đã nghe tiếng lợn kêu eng éc. Các gia đình bắt đầu thịt lợn, giã giò, gói bánh chưng. Nhà đông người nuôi được thì mỗi gia đình một con, còn thường thì đụng một chân. Lợn thời ấy có lẽ cũng kham khổ nên còi cọc, nuôi cả năm có khi chỉ được vài chục cân hơi nên 4 nhà chia nhau chả được mấy. Vậy mà cũng đủ thịt làm các món giò nạc, nhân bánh, nem, giò xào… Cũng như gói bánh chưng, đám trẻ con loanh quanh chỗ mấy ông đang giã giò thế nào cũng kiếm được phần rơi vãi, vét cối, vét chày để gói một cái giò bé xíu. Hạnh phúc thật ngọt ngào, không khí vui vẻ khi mọi người cùng tập trung ăn bữa cơm tất niên.

Ngày 30 Tết, trong làng ngoài phố rộn ràng, người xe tấp nập ngược xuôi, nếu lỡ có va chạm trên đường thì có câu "Tết nhất rồi bỏ qua đi"! Quả thật, khi lòng người hoan hỷ suy nghĩ cũng thông thoáng, vị tha hơn ngày thường. Các gia đình tập trung anh em con cháu đi tảo mộ, mời ông bà, tổ tiên về cùng ăn Tết. Ở nhà, bố tôi cẩn thận buộc hai cây mía to, thẳng vào hai bên chân bàn thờ rồi thắp một nén nhang, sau đó ông khẽ khàng lau chùi, dọn dẹp ban thờ.

Dưới bếp, mẹ nhẹ nhàng lau từng chiếc lá dong, chuẩn bị gạo đỗ, thịt cho việc gói bánh. Tiếng pháo đã đì đụp vọng lại, nhưng chỉ đến khi tiếng pháo cối đầu tiên nổ ra vào đúng thời khắc Giao thừa, kéo theo hàng tràng, hàng loạt tiếng pháo cối, pháo tép đùng đoàng lạch tạch thi nhau nổ, vang vọng vào không gian “tối như mực” của đêm 30 Tết, lúc đó, lũ trẻ chúng tôi mới thực sự cảm thấy sung sướng. Đúng là vui như Tết!

Rồi mùng Một sớm mai cũng đến, mẹ đã chuẩn bị một nồi nước mùi già thơm phức cho cả nhà rửa mặt để thanh lọc, giúp loại bỏ những điều không may và mong ước sức khỏe, an lành cho cả nhà trong năm mới. Mùng Một Tết, người ta kiêng dọn dẹp, quét nhà, cũng chẳng được ra đường nếu chưa có ai đến xông nhà. Mấy chị em tôi mặc sẵn bộ quần áo mới, ngồi chờ hạ mâm cơm cúng xuống.

Quá trưa, mọi người bắt đầu túa ra đường, hóng xem nhà nào đã có ai xông đất rồi mới vào chúc Tết, cứ nhà nọ sang chúc nhà kia. Họ mời nhau nếm thử chè lam nhà làm, cánh đàn ông uống với nhau chén rượu, các bà, các mẹ bóc cho nhau vài miếng bánh, trẻ con khoe quần áo mới và những đồng tiền mừng tuổi. Những dư âm, hương vị của Tết xưa chẳng bao giờ tôi quên được.

Thời gian có thể thay đổi nhiều thứ, kể cả những phong tục đón Tết cổ truyền. Chúng ta đang sống giữa thời đại đổi mới, bước vào kỷ nguyên số - nơi người ta dần gột bỏ những thứ cũ kỹ và thay vào đó những xu hướng mới. Chuyện sắm Tết đã khác, có khi ngồi tại nhà, lên các sàn thương mại điện tử, cửa hàng online đặt mua đồ là người ta chuyển đến tận nhà. Dẫu vậy, trong mỗi gia đình vẫn không thể thiếu cành đào, cây mai hay chậu quất. Có chăng, người ta thích chơi thêm những chậu bonsai, những loài đắt đỏ như lan, quýt cảnh, bưởi cảnh, mơ trắng hoặc đào rừng. Có thể nói cây hay hoa là những gạch nối không thể thiếu giữa Tết xưa và Tết nay.

Tết thời nay do điều kiện kinh tế đầy đủ, chất lượng cuộc sống của các gia đình nâng cao nên sinh hoạt quanh năm như là Tết. Ở siêu thị, cửa hàng chả thiếu thứ gì. Một trong những thay đổi rõ nét nhất là cách người ta “ăn” Tết. Nhiều gia đình cứ dịp nghỉ Tết là xách vali lên đường đi du lịch. Ở làng ít thấy hàng xóm, láng giềng tới chúc Tết nhau. Những hoạt động thể thao, trò chơi dân gian dịp Tết cũng thưa dần. Ở nhiều gia đình mấy thế hệ “tam, tứ đại đồng đường”, một bữa cơm sum họp đầy đủ cũng vẫn là điều mơ ước.

Tết xưa, Tết cũ đã trôi theo dòng đời. Chúng tôi cũng đã lên ông, lên cụ. Ấy vậy nhưng mỗi lần đến Tết, tôi nhớ miên man nào mùi áo mới, mùi hương trầm trên bàn thờ, nhớ da diết nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ từng chum tương, vại dưa hành, đĩa chè lam ngũ vị do chính tay mẹ làm!

Trải qua bao biến động thời gian, vị Tết xưa tuy đã ít nhiều thay đổi nhưng với mỗi người, Tết vẫn là dịp sum họp, đoàn viên, cầu chúc những điều tốt đẹp và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, nguồn cội. Tết luôn chứa đựng những điều thiêng liêng, gắn bó đối với những thế hệ người Việt.

Bài, ảnh: Việt Hưng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nho-tet-xua-postid411381.bbg