Nhớ thầy

Tháng Mười một chợt về lặng lẽ. Hàng phượng, hàng bàng góc sân trường năm nao lá đã vàng úa, rụng rơi đầy gốc dầy đặc, lao xao trong những ngọn gió đông lạnh buốt. Những người con đi xa như tôi, hôm nay lòng đau đáu nhớ về mái trường năm xưa, nhớ bóng dáng người cha già - thầy giáo âm thầm, lặng lẽ chở những chuyến đò tri thức.

Mái trường quê của tôi ngày xưa ọp ẹp, đơn sơ. Cả trường vẻn vẹn mười phòng học nhà cấp bốn cũ kĩ và dột nát. Đám học trò quê ngồi trong lớp mưa gió lùa vào lạnh lẽo, người run cầm cập, nhưng vẫn ngay ngắn nghe thầy, cô giảng bài. Tôi vào lớp 1. Thầy tôi phụ trách chủ nhiệm và dạy tôi từ hồi đó. Giọng thầy ấm lắm! Những lời thầy giảng như ngọn lửa ấm áp xua tan đi không khí lạnh lẽo của mùa Đông. Thầy uốn nắn cho chúng tôi từng nét chữ thật tròn trịa và thẳng thớm. “Này các con nhớ nhé, “O” tròn như quả trứng gà, “Ô” thì đội nón, “Ơ” thời mang râu”. Chúng tôi miệng ê a nhẩm theo, tay thì cầm phấn viết vào chiếc bảng gỗ bé xíu xiu. Đứa nào đứa nấy hào hứng học một cách say mê, lạ kỳ. Ôi chao, sao mà nhớ năm tháng xưa ấy đến thế! Những năm tháng hồn nhiên, trong trẻo, tinh khôi đến ngọt ngào.

Học trò quê nghèo lắm! Thầy giáo quê cũng nghèo lắm! Lại nhớ những mùa Đông năm xưa, đám học trò quê chúng tôi mặc độc một manh áo cộc mỏng manh trên người, ngồi trong lớp mà gió lùa đến buốt da, buốt thịt. Thầy tôi đứng trên bục giảng cũng đâu có gì hơn. Quanh năm suốt tháng vẫn là mấy bộ đồ cũ thầy mặc đến bạc sờn cả vai áo. Mang tiếng thầy có lương, nhưng chỉ là chút lương còm. Một phần thầy dành chi trả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, một phần thầy nuôi “đàn con” - những đứa học trò nghèo. Mấy đứa trong làng, trong đó có tôi thuộc diện nhà nghèo nhất xóm, nhiều lần suýt nghỉ học vì quá nghèo. Thầy thương học trò nghèo, đứng ra hỗ trợ một phần cho chúng tôi ăn học. Có chút đồ ăn ngon, thầy cũng dành cho chúng tôi. Thầy hết lòng vì học trò, nên người thầy vốn dĩ mảnh khảnh, gầy gò lại càng gầy gò, xanh xao hơn. Mỗi lần gió đông lùa vào, đứng trên bục giảng, người thầy lại run run, đôi môi tím tái, nhưng khuôn mặt của thầy vẫn luôn tươi cười, ánh mắt vẫn ngời sáng, ngập tràn yêu thương.

Tôi nhớ ánh đèn dầu leo lét trong ngôi nhà nhỏ của thầy khi nào cũng có tiếng nói cười rộn rã. Tối tối, chúng tôi lại rủ nhau tới nhà thầy học bài. Cho tới tận đêm khuya, học trò về, thầy mới ngồi vào bàn bên trang giáo án dở dang.

Mỗi lần nhớ thầy, tôi lại nhớ câu thơ đó đây từng đọc: “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm”. Hình ảnh thầy tôi ở trong đó, người thầy tận tâm với nghề, hết lòng vì đàn con - học trò thân yêu, không màng danh vọng, tư lợi để truyền đạt kiến thức, dạy cho lớp lớp học trò thành người. Thầy như người lái đò qua sông, đón đưa bao chuyến học trò. Con đò chở đầy kiến thức qua biết bao nhiêu mùa mưa gió.

Thầy tôi năm nay đã già lắm rồi. Thầy không còn đứng trên bục giảng hàng ngày để dạy dỗ học trò nữa, nhưng ngôi nhà nhỏ của thầy vẫn ríu rít tiếng người qua lại. Những thế hệ học trò cũ luôn nhớ và trở về bên thầy. Thầy tôi vẫn giản dị như năm xưa, vẫn nhớ hết tên từng đứa một, nhớ tính cách và từng kỉ niệm tháng năm. Dù tôi đã là ông bố của những đứa con, nhưng bên thầy, tôi vẫn là đứa học trò bé bỏng thuở nào. Tôi biết ơn thầy nhiều lắm! Nhờ ơn thầy dạy dỗ mà tôi có thêm sức mạnh để đi xa hơn, vượt qua lũy tre làng mà thoát khổ, thoát nghèo...

Tăng Hoàng Phi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-thay-post435105.html