Nhớ thơ Thầy đêm 30 Tết
Tôi thuộc lòng những bài thơ của thầy mà tôi ít khi đọc tới trong gần 50 năm qua. Gần 50 năm trôi qua, những người gắn liền với cái Tết năm ấy không còn, chỉ còn tôi và những bài thơ thầy để lại...
Ở chùa, chúng tôi thường không có những ngày Tết rộn rã vui vầy bên người thân như ngoài đời; đó chỉ là những ngày bình thường như mọi ngày, và nếu không nhập thất, chúng tôi cũng đóng cửa xin tạ khách; chúng tôi không “ăn” Tết, mà gặm nhắm Tết với thời gian lặng lẽ đi qua.
Nhà đạo, nguyên không khách
Quanh năm bạn ánh đèn
Thẹn tình Trăng liếc trộm
Bẽn lẽn núp sau rèm.
Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà đạo, nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa (*)
Nhưng ai cũng có thể có một cái Tết mà ấn tượng của nó đi theo mình nhiều năm tháng trong đời, và tôi cũng vậy.
Cuối năm 1975, gần Tết, mẹ tôi giục tôi ra Nha Trang tìm thăm thầy đã bị mất liên lạc từ hơn nửa năm qua. Ngày 29 Tết tôi đến Nha Trang, hăm hở đi thẳng về cái thất quen thuộc của thầy Tuệ Sỹ trên đồi Trại Thủy. Cảnh đìu hiu quạnh vắng; tìm quanh, tôi gặp được thầy Phước An là người duy nhất còn ở lại đó. Thầy bất ngờ: “P đó hả?! May quá còn ra được đây. Ở nhà mọi người đều bình yên ha?” Thầy cho biết, sau những ngày biến động tháng 4, Phật học viện đóng cửa, thầy tôi về Soi Đê, Vạn Giã ẩn cư nơi một miếng rẫy ven rừng. Thầy Phước An bảo: “Thôi ăn cơm rồi nghỉ ngơi, sáng mai tui đưa em ra bến xe đi “Giã”.
Sáng hôm sau ở bến xe thầy chỉ đường: “Em nhớ nói tài xế cho xuống xe ở cây số…, hỏi đến chùa… vô tìm thầy Đồng Tu là trụ trì, nói ra thăm thầy Tuệ Sỹ, ổng sẽ dẫn em đi”. Thầy Phước An mua cho tôi cái vé xe, cứ dặn đi dặn lại “nhớ xuống ở cây số…, quên là nó ra tuốt Phú Yên, mấy ngày Tết không có xe vào”. Xe chạy khoảng 3 tiếng, ngang thị trấn Vạn Giã thì dừng thả tôi xuống chơ vơ giữa quốc lộ 1.
Tôi, cậu bé Sài Gòn 18 tuổi, trưa 30 Tết còn lang thang đi tìm nhà quen. Sau này mỗi khi nhớ lại, tôi thấy tuổi trẻ sao đẹp quá, không lo không sợ thứ gì; nhỡ không tìm được người, tối đó tôi đón giao thừa, “ăn” Tết ở đâu? Trong túi lúc đó có không quá số tiền xe về lại Sài Gòn. Trời không phụ lòng người (liều), tôi hỏi đường tìm đến chùa dễ dàng, vào gặp thầy trụ trì. Thầy trố mắt nhìn người khách nhỏ không mời mà đến giữa lúc năm cùng tháng tận này. Thầy hối tôi ăn cơm, rồi không nghỉ trưa, thầy lấy xe đạp đèo tôi vào rẫy.
Chạy quanh co qua xóm làng một đỗi, thầy ghé vào một nhà dân gởi chiếc xe, cúi xuống xắn hai ống quần lên, bảo tôi: “từ đây vô đường ruộng không chạy xe được, mình đi bộ nhe, còn khoảng 2 cây số thôi, em cẩn thận đường trơn”. Tôi cứ dạ dạ gật đầu, cắm cúi đi theo thầy.
Sau mấy lần “lên bờ xuống ruộng” mà thầy Đồng Tu phải đứng lại chờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Thầy tôi đứng trước cái chòi tranh gương mặt nửa vui nửa kinh ngạc: sau những loạn lạc không biết ai còn ai mất vừa qua, lại gặp nhau giữa khung cảnh và thời khắc bất ngờ này. Thầy Đồng Tu “bàn giao” tôi lại rồi vội vã ra về, thầy bảo: “Về cho kịp, còn chuẩn bị tối cúng giao thừa”.
Thầy tôi ở trong căn chòi vách đất mỗi bề tầm 3m, có em Phật tử ở chùa tình nguyện đi theo lo cơm nước và phụ việc rẫy. Sát sau chòi là con suối nhỏ, bên kia suối là mảnh vườn tươm tất trồng các luống cải, cà tím, cà dĩa, cà pháo… lác đác xen giữa các luống rau là những gốc cây rừng khai hoang chưa kịp mục, chơ vơ trong bóng chiều như dáng người ngồi lom khom; xa cuối vườn tiếp giáp dãy lùm bụi lờ mờ của rừng. Xa hơn nữa, dãy Trường Sơn trải bóng im lìm nơi biên địa.
Dẫn tôi đi xem rẫy, vui miệng, thầy tôi kể: “Hèn chi hồi sáng thấy con chim khách đậu sau vườn kêu, đuổi thử nó không bay, thấy lạ mình bẻ nắm lá gieo quẻ rồi nhẩm tính: có khách đường xa. Nghĩ chắc quẻ sai rồi, 30 Tết ai mà khách đường xa đến đây”.
Chiều xuống ba thầy trò quây quần ngồi uống trà ngoài sân, hỏi nhau đủ thứ chuyện. Tôi đem ra cái máy cassette nhỏ chạy pin mà tôi cất công mang theo, mở những bài hát thịnh hành lúc đó của Simon & Garfunkel, để “chiêu đãi thầy”. Ông nói, đúng là “cậu Năm Sàigòn!” (tôi thứ năm trong gia đình). Tiếng nhạc mỏng manh của băng cassette lan nhẹ trong chiều, tiếng hát buồn của hai chàng ca sĩ trời Tây trong El Condor Pasa nghe thiết tha, không chỏi nhịp giữa khung cảnh núi rừng này: Away, I'd rather sail away. Like a swan, that's here and gone. A man gets tied up to the ground. He gives the world Its saddest sound, Its saddest sound. I'd rather be a forest than a street. Yes I would. If I could, I surely would…
Thầy khen hay, nói tụi Mỹ cũng lãng mạn dữ!
Trời dần tối, se lạnh, thầy bảo vô nhà. Núi rừng Soi Đê không ai dám ở ngoài trời ban đêm. Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận. Chẳng những vô nhà mà còn phải tấn cửa cài then cẩn thận. Em thanh niên dặn: “tối anh có đi tiểu đừng ra ngoài nhe, cứ ở trong nhà, cọp thỉnh thoảng về bắt trộm trâu bò của dân tộc bên kia rừng”. Tôi nhìn căn chòi nhỏ bé, một góc chòi là cái bếp dưới đất luôn đỏ lửa, vừa sưởi ấm ban đêm vừa để thú hoang sợ không dám đến. Nhìn cái bếp, tôi biết ngay đây là chỗ thầy ngồi những đêm khuya lạnh gió.
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh.
Biết tôi vừa đi cả ngày đường, thầy kêu tôi ngủ sớm. Nằm trên phản tôi nghe thầy giải nghĩa mấy câu Phật pháp cho em thanh niên, sau đó hai thầy trò đánh cờ tướng. Tôi thiếp dần với tiếng pháo nổ lốp đốp từ xa, nghe rời rạc. Đêm đó tôi ngủ thật ngon, mơ màng với hình ảnh cái bếp lửa trong nhà, những hàng cà phơi nắng lụa…
Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dãy bí
Ta vì đời thiệt hơn
Khổ nhọc mòn tâm trí
Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân cà non
Ta vì đời đổ lệ
Nên phong kín nỗi hờn
Ta biết mi là giun
Chui dưới tầng đất thắm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng.
Ba mươi tuổi, cái tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, tự thấy mình có đủ tài năng cho những hoài bão lớn lao, đã phải gác lại hết, xa chùa lên rừng cuốc đất mưu sinh, hàng ngày cuốc đất trồng rau mà nghe như cuốc đất chôn vùi những ước mơ phụng sự của mình. Nên nói chuyện với giun dế mà lời u uẩn mấy tầng tâm sự.
Yêu em dâng cả ráng chiều thu
Em đốt tình yêu bằng hận thù
Cháy đỏ mùa đông ta vẫn lạnh
Giấc mơ không kín dãy song tù.
Nhà văn Viên Linh còn giữ được mấy bài thơ lưu lạc mà khi đọc, ông lo ngại nói với tác giả: “coi chừng thầy chết yểu, thơ này như điềm triệu chứng lao phổi bên trong”.
Hai mươi năm u hoài
Trong tiếng gà lạc loài
Từng cơn ho rũ rượi
Những đoạn đường lưu đày.
*
Cơn ho lại kéo dài
Cỗ xe đang rệu rã
Còn một chút gì đây
Sâu con ôm cuống lá
*
Nửa đêm chợt giấc, rũ cơn ho
Mây trắng bồng bềnh trôi đáy hồ
Xa lắm, sông dài từ thuở ấy
Bóng người lữ khách tựa cây khô.
…
Đó là cái Tết mà, không hiểu sao, đến tận giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết. Tôi nhớ cái chòi tranh xiêu vẹo, nhớ cây mai rừng bên suối, chỉ điểm chấm vài bông hoa mà kiêu kỳ sang trọng, chơ vơ giữa núi rừng như thách thức cả đại ngàn; đó là cây mai đẹp nhứt tôi từng thấy, nhìn nó tôi chợt hiểu vì sao Nguyễn Du nói Mai cốt cách, tuyết tinh thần…
Tôi thuộc lòng những bài thơ của thầy mà tôi ít khi đọc tới trong gần 50 năm qua. Gần 50 năm trôi qua, những người gắn liền với cái Tết năm ấy không còn, chỉ còn tôi và những bài thơ thầy để lại. Năm mươi năm nữa biết chúng có còn không? Một trăm năm mưa nắng ra gì! Cánh phượng đỏ đầu hè, ai nhặt? Những bài thơ này tôi sẽ không đọc không ngâm, mà ngày Tết tôi sẽ lật lại từng trang để nhìn chúng, như nhìn những người bạn, và chúng sẽ kể tôi nghe nhiều câu chuyện về thầy…
Xa rồi sóng bạc vỗ ghềnh cao
Suối nhỏ còn không? Đêm nhuộm màu
Một cõi Vĩnh hằng thu giọt nắng,
Nghe tình du tử chợt xôn xao.
Hạnh Viên
__________
(*) Thơ trong bài trích từ: Thơ Tuệ Sỹ: Giấc mơ Trường Sơn - Hương Tích và NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 1.2023, bản Anh ngữ Dreaming the mountain bởi Nguyễn Bá Chung & Martha Collins ấn hành tại Hoa Kỳ tháng 6.2023. Một số thi tập khác của Tuệ Sỹ: Những điệp khúc cho dương cầm, song ngữ Việt Pháp bởi Dominique De Miscault; Thiên lý độc hành, năm ngôn ngữ Việt, Nôm, Nhật, Anh, Pháp; Ngục trung mỵ ngữ, thơ chữ Hán dịch Việt, Anh, Nhật; và các bài thất lạc rải rác…
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nho-tho-thay-dem-30-tet-42504.html