Nhớ trò đánh khăng

Những năm sau ngày Thủ đô giải phóng, trẻ con Hà Nội có nhiều trò chơi tập thể.

Con trai có đánh khăng, đánh đáo, đánh xèng, đánh quay, chơi bi, trốn tìm, sô vê, xút xanh, bắt gián điệp... Con gái có trồng nụ trồng hoa, đánh chuyền... Trò chơi ô ăn quan thì cả gái lẫn trai đều chơi được.

Trò đánh khăng từng gắn bó với trẻ em Việt Nam. Ảnh: Internet

Trò đánh khăng từng gắn bó với trẻ em Việt Nam. Ảnh: Internet

Nguy hiểm nhất có lẽ là trò chơi đánh khăng. Dưới bóng cây đa sum suê nhà ông Thắng đầu ngõ khu lao động Thúy Ái (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), bọn trẻ chúng tôi thường hay tụ tập chơi khăng.

Bộ khăng gồm hai thanh gỗ hoặc tre, thanh dài khoảng 40 phân, thanh ngắn khoảng 15 phân, được trau chuốt cẩn thận. Có đứa cầu kỳ đến nỗi phải xuống tận làng Thanh Nhàn, hay lên đê Quảng Bá là nơi có rất nhiều cây ổi, tìm chọn những cành gỗ ổi thẳng, đẵn về làm khăng, tiện thể tìm cái chạc súng cao su. Gỗ ổi dai, nặng đầm tay, vụt rất sướng.

Chơi khăng phải có ít nhất hai người, nhưng chỉ được dùng một bộ khăng. Trước tiên phải đào một cái hố nhỏ hình thoi, gọi là cái “lồ”, phía trước “lồ”, cách khoảng 2m kẻ một vạch thẳng làm ranh giới. Đứa nào “cày”, “mắm”, “gà” không qua vạch là thua, phải ra đổi chỗ cho đứa khác vào chơi.

Màn đầu tiên là thi “khấc”, dùng thanh dài tâng thanh ngắn sao cho không rơi, đứa nào “khấc” được nhiều nhất sẽ được chơi trước. Có đứa cặp một đầu thanh dài vào nách, so vai rụt cổ chăm chú tâng, thanh ngắn cứ tung lên rơi xuống hàng trăm lần trong tiếng đếm đồng thanh của bọn đứng chầu rìa.

Một ván khăng có ba vòng. Vòng 1: “Cày”, đặt thanh ngắn ngang “lồ”, hô khẩu lệnh: “Cày suông” dùng thanh dài hất đi, càng xa càng tốt, sau đó đặt thanh khăng dài ngang “lồ”. Đối phương ước lượng khoảng cách, đón bắt khúc khăng, rồi ném trả sao cho trúng thanh dài thì được đến lượt chơi, còn tên kia ra làm “quân xanh”.

Nếu trượt thì vào vòng 2: “Mắm”. Người chơi cầm hai thanh khăng bằng một tay, hô: “Mắm suông”, rồi tung thanh ngắn lên, vụt mạnh vào khúc ngắn cho bay đi đúng hướng. Nếu quân xanh bắt được sẽ ném trả, phải khôn khéo lừa không cho “quân đỏ” vụt phản đòn trúng khúc khăng. Sau đó dùng khúc dài đo khoảng cách từ khúc ngắn đến “lồ”, nếu hơn 1 đơn vị thì chơi tiếp.

Vòng 3: “Gà”. Đặt khúc ngắn vào một đầu “lồ” cho chếch lên. Hô: “Gà 12" (số điểm vòng Mắm), dùng khúc dài gõ nhẹ cho khúc ngắn nảy lên, vụt mạnh cho khúc ngắn bay đi. Bay đến đâu đo đến đấy. Hết ba vòng, đứa nào thua phải cúi khom người cho kẻ thắng cuộc nhảy qua đầu trong tiếng hò reo của bọn chầu rìa.

Chơi khăng đòi hỏi sức mạnh, sự khéo léo và đặc biệt là lòng trung thực. Khi đo có sự giám sát chặt chẽ của người chơi và bọn chầu rìa, không được ăn gian, đo kiểu “chân chó” để tăng số điểm. Có đứa cố tình ăn gian, cãi nhau ỏm tỏi, bảo không nghe đã bị đuổi, không cho chơi nữa.

Nhưng khăng cũng là trò chơi tiềm ẩn nguy hiểm. Khúc khăng con khá nặng, bị vụt đi với tốc độ nhanh, mạnh, có thể bắn trúng mặt hoặc đầu người chơi và người xung quanh gây tổn thương, thậm chí “tóe me” (chảy máu) nom rất hãi. Vì thế mà đứa nào hiền lành nhút nhát không dám chơi môn này. Nhiều ông bố bà mẹ cấm con chơi khăng, nhưng môn thể thao mạo hiểm này vẫn hấp dẫn những đứa trẻ ưa cảm giác mạnh.

Có người bảo trò đánh khăng là tiền thân của môn bóng chày (baseball), hoặc khăng là “mini baseball”, nhưng có lẽ hai môn này chỉ hơi giống nhau, chứ bóng chày đã phổ biến ở Anh từ năm 1790. Cứ suy diễn kiểu ấy thì môn thể thao quý tộc golf phải có nguồn gốc Giao Châu, từ thời Hai Bà Trưng luyện quân bằng trò đánh phết.

Từ những trò chơi vận động tuổi thơ ấy, cả một thế hệ trai tráng đã lớn lên, khỏe mạnh. Dù đói ăn, thấp bé nhẹ cân nhưng sức chịu đựng dẻo dai và sự tinh nhanh đủ sức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bây giờ thì trẻ con không chơi khăng nữa. Đánh đáo, bắn bi, chơi chuyền, trồng nụ trồng hoa... cũng không còn. Đâu đâu cũng bê tông, nhựa đường, lấy đâu ra chỗ khoét một cái “lồ”, lấy đâu ra chỗ chạy nhảy cho an toàn. Trẻ bây giờ suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, máy tính bảng, laptop với những trò game nhiều màu sắc đầy kịch tính.

Nhớ lắm những trận đánh khăng tuổi thơ.

Nguyễn Năng Lực

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nho-tro-danh-khang-697977.html