Nhớ về các tàu không số làm nhiệm vụ đặc biệt

Sáng 1-3, tại Bến tàu Không số K15 Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của Đoàn tàu Không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch này.

Cách đây 56 năm, đúng vào phút giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, Đoàn 125 Hải quân đã nhận được lệnh điều 4 tàu C43, C56, C165, C235 đi làm nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển vũ khí chi viện khẩn cấp cho các mặt trận từ miền Trung đến miền Tây Nam bộ; và trong cuộc chiến bi hùng đêm mùng 1-3-1968 trên vùng biển phía Nam, chỉ còn tàu C65 quay trở về được miền Bắc; còn 3 tàu C43, C156, C235 mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh.

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta đã không kể ngày đêm, khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị, bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, cùng 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau và các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.

 Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của Đoàn tàu Không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt

Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của Đoàn tàu Không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt

Từ đó, bằng những thắng lợi nối tiếp của các chiến dịch tại các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tại thủ đô Hà Nội, buộc địch phải ký kết Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta đã hoàn thành mục tiêu "Đánh cho Mỹ cút", chuyển sang mục tiêu “Đánh cho Ngụy nhào" và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975 lịch sử.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi minh chứng cho hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập, thống nhất nước nhà, khát vọng hòa bình " Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn" như mong ước của Bác Hồ.

Sức mạnh vô địch ấy là tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược, tài ba của các lực lượng vũ trang, sự tham gia đông đảo của các giới đồng bào, của các lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng yêu nước... trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Quân chủng Hải quân, của Đoàn tàu Không số.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đoàn 125 có biệt hiệu là Đoàn tàu Không số đã bí mật cho hàng trăm lượt tàu chở vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường, trong đó có 4 tàu đi làm nhiệm vụ trong chiến dịch lịch sử này.

4 tàu C43, C56, C165 và C235 đi làm nhiệm vụ trong chiến dịch này đều gặp địch và các anh đều đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi cùng điểm hỏa khối thuốc nổ giấu sẵn ở trong tàu để hủy tàu, bảo đảm bí mật con tàu, vũ khí và con đường vận chuyển trên biển.

Với thành tích chiến công đạt được trước đó và thành tích đạt được trong lần đi làm nhiệm vụ đặc biệt ở chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, cả 4 tàu C165, C235, C43 và C56 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng, Thuyền trưởng tàu C43; đồng chí Nguyễn Chánh Tâm, Thuyền trưởng tàu C165 và đồng chí Nguyễn Phan Vinh, Thuyền trưởng tàu C235 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 Các cựu binh chụp ảnh lưu niệm tại Bến K15

Các cựu binh chụp ảnh lưu niệm tại Bến K15

Phát biểu tại buổi kỷ niệm, ông Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển nhấn mạnh: Chúng ta tổ chức kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 tàu của Đoàn tàu Không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Bến K15 này vừa là để tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ và nhân dân cả nước về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; về huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển..., vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc của quân và dân ta đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí cán bộ chiến sĩ 4 tàu của Đoàn tàu Không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Tại buổi kỷ niệm, đại diện lãnh đạo Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã trao tặng quà tri ân cho các đồng chí anh hùng, các nhân chứng lịch sử, các gia đình liệt sĩ, thương binh của 4 tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.

Bến K15 dưới chân đồi Vạn Hoa, bán đảo Đồ Sơn (TP Hải Phòng) hiện nay được sửa chữa gấp làm dấu mốc lịch sử đánh dấu điểm xuất phát của những con tàu không số huyền thoại và chứng kiến khúc bi tráng oai hùng trong trang sử dân tộc.

Mỗi chuyến tàu xuất bến là một lần truy điệu sống đồng đội. Đối mặt với cái chết cận kề nhưng các anh không nao núng, sẵn sàng xung phong để được xuống tàu xuất bến, mang tình cảm, trách nhiệm để chi viện cho miền Nam.

Đêm 11-10-1962, con tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí lần đầu tiên xuất phát tại Bến K15, bí mật lên đường, sau 6 ngày đêm vượt gian khó hiểm nguy, đã cập vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Từ đó, tại Bến K15, những con tàu không số của Đoàn 759 (nay là Đoàn 125) như những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ rời bến rồi lại cập bến.

Năm 2008, Bộ VH-TT-DL đã xếp hạng di tích Bến K15 là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tàu HQ671 góp phần làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nho-ve-cac-tau-khong-so-lam-nhiem-vu-dac-biet-post728780.html