Nhớ về Kbang

Tháng 5-1992, tôi rời giảng đường trường đại học sư phạm với tương lai mờ mịt, bởi đó là năm ngành Giáo dục tinh giản biên chế rất nhiều.

Nhiều tập hồ sơ xin việc của tôi nộp tại quê hương Bình Định đều không có nơi tiếp nhận. Tháng 10, tôi theo chân một người bạn lên Gia Lai nộp hồ sơ xin việc ở Sở Giáo dục và Đào tạo. Mùa này, trời Pleiku mịt mờ những cơn mưa dai dẳng gieo vào lòng người cảm giác mênh mông buồn. Rồi tôi cũng trúng tuyển và được điều động về công tác ở Kbang-nơi những chiếc xe ôm với tiếng pô kêu bạch bạch vẫn là phương tiện chính chở khách. Và đó cũng là nơi tôi đã dành những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp giảng dạy của mình.

 Thị trấn Kbang ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đ.T

Thị trấn Kbang ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đ.T

Kbang vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là vùng đất còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù huyện đã có những bước phát triển nhất định nhưng cuộc sống ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đường nhựa đã quá cũ, bong lên từng mảng, gồ ghề, lồi lõm. Những cơn mưa kéo dài gây lũ làm nhiều đoạn bị trôi, việc đi lại vô cùng gian nan, di chuyển từ Kbang đến Pleiku phải đi qua 2 chặng: Kbang-An Khê, An Khê-Pleiku.

Ngày ấy, không có tuyến xe khách nào đi Pleiku, chỉ có một chuyến xe duy nhất đi Quy Nhơn mỗi ngày. Còn lại, người dân ở đây di chuyển bằng xe ôm ra An Khê rồi đón xe khách tuyến Quy Nhơn-Pleiku để đi tiếp. Tôi vẫn nhớ những đoạn đường dài mệt mỏi phải vượt qua trong những lần về quê hay đi công tác. Những chuyến đi ấy không chỉ là hành trình về một nơi khác mà còn là những bài học về sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm vượt qua khó khăn.

Khu tập thể của Trường Phổ thông trung học cấp II, III Kbang nằm phía sau trường với 2 dãy nhà, trong đó có 1 dãy nhà xây cấp 4 gồm 4 phòng ở và 1 dãy nhà mái tôn vách đất với 3 phòng ở. Chúng tôi cùng sinh hoạt ở đó với vài em học sinh ở xa trọ học. Điện lưới quốc gia chưa có, Nhà máy Thủy điện Ka Nak chỉ đủ cung cấp cho người dân thị trấn thắp sáng từ 18 giờ đến khoảng 21 giờ 30 phút hàng ngày. Nước giếng bị nhiễm vôi không thể sử dụng để nấu ăn, phải xin nước từ nhà người dân cách đó gần nửa cây số. Điều kiện sống thiếu thốn nhưng tình cảm đong đầy, nghèo khó làm gắn bó con người lại với nhau. Tôi cũng yêu Kbang từ đó.

Những năm đầu, công việc giảng dạy của tôi và các đồng nghiệp cũng tương đối nhẹ nhàng. Học sinh hầu hết ngoan và biết vâng lời thầy cô. Khối cấp III rất ít, mỗi khối 1 lớp, bắt đầu năm thứ 5 mới tăng dần. Hồi đó, lớp 12 khóa I có sự chênh lệch về tuổi tác của học sinh trong lớp, có em lệch đến 5-6 tuổi. Theo thời gian, chất lượng học sinh tăng dần, nhiều em đã cố gắng học tập và rất thành công sau này.

Một ấn tượng khó phai khi giảng dạy tại Kbang là việc tôi và những đồng nghiệp được cha mẹ học sinh mời đến nhà tổ chức sinh nhật cho các em. Đây là điều mà ở nơi khác rất bình thường nhưng ở Kbang lúc đó còn mới mẻ. Chúng tôi đến trang trí, hái hoa trong vườn cắm bình, làm MC, tổ chức các trò chơi... giao lưu cùng cha mẹ học sinh.

Những buổi sinh nhật đơn giản, nhỏ gọn nhưng đầy ắp tình thương và sự quan tâm dành cho các em. Mỗi buổi sinh nhật là một dịp để các em cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô, của bạn bè, cha mẹ và cả sự gắn bó với mái trường. Những buổi sinh nhật ấy không chỉ là một món quà tinh thần mà còn là cơ hội để chúng tôi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của các em học sinh, gắn bó chúng tôi với cộng đồng, là món quà vô giá mà nghề giáo mang lại.

Những năm tháng giảng dạy tại Kbang là quãng thời gian tôi không thể nào quên. Mỗi ngày trôi qua là một ngày đầy ắp kỷ niệm, từ những bài học đầu tiên cho đến những giờ phút các em ra trường quay trở lại, gặp thầy cô ôn lại chuyện cũ. Dù rời xa Kbang, tôi luôn giữ trong lòng một tình yêu sâu đậm với mảnh đất này, với những con người nơi đây và với những học trò mà tôi từng dạy dỗ.

Tôi nhớ những con đường đất đỏ; những cơn mưa rào mùa hè; những giờ học trên bục giảng nhìn ánh mắt sáng ngời, tự tin của học sinh; những buổi thầy trò cùng lội sông Ba sang khu vực Lâm trường 8 vận động học sinh bỏ học trở lại trường; cả những buổi tối quây quần bên đồng nghiệp, cùng nhau chia sẻ chuyện về cuộc sống, nghề nghiệp, về ước mơ và hy vọng.

Kbang sắp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện (30/5/1985-30/5/2025). Tôi đang chuẩn bị trở về nơi đây để tìm lại những kỷ niệm xưa. Đây là dịp đặc biệt để tôi có thể nhìn lại hành trình đã qua và cũng là cơ hội để tôi gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là những học trò ngày nào.

Tôi muốn được chứng kiến những bước tiến mới của Kbang, được gặp gỡ thế hệ học sinh mới, những người kế thừa giá trị mà chúng tôi đã gieo mầm. Kbang sau 40 năm đã có những thay đổi lớn lao nhưng chắc chắn tình cảm mà tôi dành cho mảnh đất này không bao giờ phai nhạt.

LÊ THÀNH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nho-ve-kbang-post323856.html