Nhớ về nguồn cội
Thái Nguyên - vùng đất thiêng nơi 'rừng che bộ đội, rừng vây quân thù' với nhiều di tích lịch sử cách mạng, trong đó có địa điểm ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam). Di tích này thuộc xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nằm trong khu ATK (An toàn khu) của Trung ương trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ
Sự ra đời của Hội Những người viết báo Việt Nam là một minh chứng về tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi giành được độc lập, cuối năm 1945, mặc dù việc nước đang bộn bề, thù trong, giặc ngoài… Bác Hồ vẫn luôn quan tâm tới việc tập hợp nên một tổ chức của những người làm báo Việt Nam. Bác giao cho nhà báo Xuân Thủy với danh nghĩa Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc đứng ra tập hợp các ký giả không phân biệt tầng lớp, khuynh hướng để lập nên một tổ chức chung thống nhất và đoàn kết với tên gọi: Đoàn Báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, do diễn biến khó lường của tình hình đất nước, Đoàn báo chí chưa kịp triển khai hoạt động thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nổ ra, các nhà báo tản về các địa phương tham gia kháng chiến.
Trong bối cảnh đó, để hoạt động báo chí không bị gián đoạn, phân tán trong tình hình mới, năm 1948 tại Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy được Đảng giao trọng trách Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến Việt Nam, người đứng ra tập hợp và điều hành các hoạt động chung của tổ chức.
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có những bước ngoặt mới, với chiến thắng biên giới giòn giã, ta đã phá được thế bị bao vây, mở ra thế và lực mới. Nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thiết lập quan hệ ngoại giao với ta. Báo chí Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đã khẳng định được vai trò của mình trước vận mệnh của dân tộc. Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), tổ chức có uy tín bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, thông qua thành viên là Hội Nhà báo Pháp, OIJ cử đoàn đại biểu đến Việt Nam thiết lập mối liên hệ với báo giới Việt Nam.

Nghị định số 232/NV ngày 2-6-1950 cho phép Hội Những người viết báo Việt Nam thành lập và hoạt động - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
Trong hoàn cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cho thành lập một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo. Về phía Chính phủ, Tổng Giám đốc Nha Thông tin Trần Văn Giàu trên tinh thần đó đã cho mời các đại diện báo chí ở Bắc Bộ đến họp, trong đó có các báo Sự Thật, Cứu Quốc, Ðộc Lập, Phụ Nữ, Lao Ðộng, Sức Trẻ, Hành Ðộng, Văn Nghệ, Quân Du kích, Vệ Quốc Quân... Tại cuộc họp này, ông Giàu đề nghị thành lập Hội Ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo, đồng thời làm cầu nối giữa báo chí Việt Nam với quốc tế.
Ngày 21-4-1950, tại ngôi nhà sàn hai tầng, tám mái Hội trường Tổng bộ Việt Minh đóng ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên tiến hành Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam với sự tham gia của đông đảo người làm báo đang hành nghề với mục đích, tôn chỉ thiêng liêng của sứ mệnh báo chí cách mạng Việt Nam. Đây được coi là dấu mốc lịch sử vẻ vang của những người làm báo, cùng chung nhau dưới mái nhà đoàn kết, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân.
BÊN DÒNG SUỐI KHOA
Trong ký ức của nhà báo đã từng đi qua giai đoạn khó khăn trường kỳ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Chiến khu Việt Bắc, mỗi địa danh, tên gọi đã trở nên thân thương với biết bao kỷ niệm. Huyện Định Hóa núi non hiểm trở, là địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là nơi đóng các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước ta. Còn xã Điềm Mặc của huyện Định Hóa là nơi ở và làm việc của Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp: Bác Hồ ở trên đồi Khau Tý; đồng chí Tôn Đức Thắng ở xóm Đồng Mục; đồng chí Trường Chinh ở trên đồi Khuổi Khê; đồng chí Hoàng Quốc Việt ở trên đồi Khẩu Ngoại; đồng chí Võ Nguyên Giáp ở trên đồi Bản Giáo; đồng chí Lê Văn Lương ở trên đồi Bản Bắc; nhà báo Xuân Thủy ở xóm Roòng Khoa…

Hội trường 2 tầng, 8 mái của Tổng bộ Việt Minh, nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (Nguồn: Ban Quản lý di tích ATK Định Hóa)
Nhà báo Hồng Hà, phóng viên Báo Cứu Quốc (sau là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) trong ký ức của mình, mảnh đất Roòng Khoa gắn với nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam hiện lên như sau: “Roòng theo tiếng Tày nghĩa là suối. Đây là một xóm nhỏ bên dòng suối Khoa với vài nóc nhà, nhà nọ cách nhà kia một cánh đồng. Đồng bào ở đây thuộc dân tộc Tày, cuộc sống còn nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Trụ sở Báo Cứu Quốc cũng đóng tại đây. Từ đây, nhìn về phía Đông là quả đồi có trụ sở Tổng bộ Việt Minh, Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam. Về phía Tây là ngọn đồi có trụ sở Hội Nông dân cứu quốc”. Và tại nơi đây năm 1950, đã diễn ra sự kiện quan trọng của giới báo chí Việt Nam: “Giữa xóm Roòng Khoa có một hội trường lớn 8 gian bằng tre nứa lá. Tại đây đã diễn ra hội nghị thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam”.
KỶ NIỆM VỀ BÁC HỒ VỚI HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam là người có nhiều “duyên nợ” với hội. Ông đã dày công tìm tòi, lưu giữ nhiều tài liệu lịch sử gắn với Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, không những thế, ông còn gặp gỡ, trao đổi với những đàn anh thuộc thế hệ đầu tiên của hội để làm rõ hơn nhiều thông tin, giúp cho thế hệ sau có cái nhìn khách quan và tổng thể hơn về vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trên những chặng đường lịch sử. Trong cuốn “Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí”, nhà báo Phan Quang chia sẻ một câu chuyện rất thú vị về Bác Hồ với việc đặt tên Hội Những người viết báo Việt Nam như sau: “Nhà báo Nguyễn Thành Lê là một trong nhóm người cùng nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc, được Bác Hồ mời tới gặp Người tại Chiến khu Việt Bắc năm 1950, nghe Bác góp ý chỉ đạo việc thành lập tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, ông kể lại: Sau khi nghe đồng chí Xuân Thủy thay mặt Ban Trù bị trình bày đề án mở Đại hội thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Bác hỏi: “Hội chưa lập, đâu ra lắm nhà thế?”. Tiếp thu ý kiến của Bác, Đại hội thành lập tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của giới báo chí ta năm 1950, trong kháng chiến chống Pháp đã dùng tên gọi: “Hội Những người viết báo Việt Nam”. 10 năm sau, Đại hội lần thứ II của hội họp tại Hà Nội, hội đã lớn mạnh lên nhiều, báo chí ta bao gồm đủ các loại hình và có bước phát triển mạnh, số người làm báo khá đông, mặt khác, nhằm đồng nhất hệ thống tên gọi các tổ chức chính trị nghề nghiệp khác như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu… Bác Hồ và Ban Bí thư Trung ương mới đồng ý cho hội đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam như cách gọi hiện nay”.

Bia di tích Địa điểm thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Nguyễn Ba
75 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành mái nhà chung của lực lượng báo chí Việt Nam. Hội luôn kiên trì mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ hơn vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp. Đồng thời chủ động hơn trong việc tham gia, góp ý xây dựng cơ chế, chính sách đối với báo chí, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành các khâu tổ chức, nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, chất lượng các ấn phẩm báo chí, hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, xây dựng và thành lập Bảo tàng báo chí Việt Nam, nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng như nhiều hoạt động xã hội, từ thiện khác… Những hoạt động hội đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với mọi lĩnh vực của đời sống đất nước và báo chí hôm nay, đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Xóm Roòng Khoa bình dị, nơi che chở những người con của dân tộc giữa vùng đất thiêng Thái Nguyên, ngày nay đã trở thành quần thể với nhiều di tích lịch sử cách mạng, là điểm về nguồn của biết bao thế hệ, trong đó có giới báo chí Việt Nam. Nơi đây sẽ là địa điểm thiêng liêng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần nhiệt huyết với nghề, với sứ mệnh cao cả của người cầm bút đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/171804/nho-ve-nguon-coi