Nhớ về trận chiến oanh liệt Giang Mỗ

Sau trận đánh mở màn tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ (10/12/1951), quân ta tiếp tục đánh mạnh địch ở các hướng, các điểm cao và trên đường 6. Những trận đánh trên đường 6, tiến công cứ điểm Đồi Mồi, Hàm Voi, quân và dân ta đã lập nên những chiến công lẫy lừng. Trong đó, tiêu biểu là các trận đánh ở dốc Giang Mỗ (QL6 cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Những trận đánh này đã ghi dấu chiến công Anh hùng Cù Chính Lan.

Học sinh trường TH&THCS Bình Thanh (Cao Phong) lao động dọn vệ sinh khu vực Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan.

Học sinh trường TH&THCS Bình Thanh (Cao Phong) lao động dọn vệ sinh khu vực Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan.

Tiếp đà chiến thắng ở Tu Vũ, với quyết tâm đánh và thắng địch ở mọi nơi, mọi hướng nhằm tiêu diệt một phần sinh lực và đập tan phòng tuyến hành lang Đông - Tây của Pháp ở Hòa Bình, ngày 13/12/1951, Đại đội 12, Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 đã phối hợp bộ đội địa phương và du kích xã Bình Thanh tổ chức bố trí trận địa phục kích đánh địch trên QL6 thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, nhằm chặn đánh địch khi chúng hành quân lên Mai Đà. Không khí căng thẳng bao trùm cả trận địa trong buổi sáng mùa đông giá rét tan biến khi lệnh nổ súng tấn công bắt đầu. Cả vùng rừng núi rung chuyển bởi tiếng súng, tiếng lựu đạn và cả tiếng hô xung phong chiếm lĩnh điểm cao khi quân Pháp lọt vào trận địa của ta. Sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã tiêu diệt gọn 1 đại đội lính Âu - Phi của địch và phá hủy nhiều xe cơ giới.

Khi trận đánh vào hồi kết thúc, quân ta chuẩn bị rút lui thì xe tăng quân Pháp chi viện tới được Giang Mỗ. Với lợi thế về hỏa lực mạnh, quân tiếp viện của Pháp bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút, làm nhiều chiến sỹ thương vong. Trước tình hình đó, không để cho địch chặn đường rút của ta và không để hỏa lực địch tiếp tục gây thương vong cho anh em. Không chút do dự, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan với khẩu tiểu liên đã tách đội hình chạy bám theo và trèo lên được chiếc xe tăng đi đầu. Khi tiếp cận được tháp pháo, Cù Chính Lan kề khẩu súng tiểu liên vào khe hở trên xe, bóp cò nhưng khẩu súng bị kẹt, đạn không nổ. Chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn xối xả vào đội hình của ta. Khi nhận thấy mối nguy hiểm, chiếc xe tăng bỗng chồm lên, xoay tháp pháo gạt người chiến sỹ quả cảm xuống đất. Quyết tiêu diệt chiếc xe tăng, Cù Chính Lan đã hô anh em tập trung thủ pháo (lựu đạn) đến cho mình, nhanh nhẹn bám xe tìm cách trèo lên tháp pháo rồi giật chốt, ném thủ pháo vào bên trong theo lỗ thông hơi. Nhưng khi thủ pháo chưa kịp nổ, những tên lính Pháp trong xe đã kịp nhặt ném ra bên ngoài, thêm một lần nữa tháp pháo trên xe xoay vòng chuyển động gạt người tiểu đội trưởng anh dũng xuống dưới đất. Dù vậy, Cù Chính Lan vẫn tiếp tục bám đuổi và tìm cách trèo lên xe. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước đó, Cù Chính Lan đã dũng cảm, táo bạo mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ, chiếc xe đang hùng hổ lao về phía quân ta ngay lập tức khựng lại, toàn bộ binh lính Pháp trong chiếc xe tăng bị tiêu diệt, từ trong buồng lái những luồng khói đen kịt bốc lên. Hốt hoảng khi thấy chiếc xe tăng dẫn đầu truy kích quân ta bị tiêu diệt, những tên lính Pháp còn lại đã tháo chạy khỏi trận địa.

Trận đánh kết thúc thắng lợi, chiếc xe tăng mang nhãn hiệu B2885498USA do Mỹ trang bị cho quân đội Pháp trong chiến tranh ở Đông Dương đã phải đền tội. Đến nay, xác chiếc xe tăng này vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Hòa Bình như một hiện vật quý cùng với nhiều xác tàu chiến của Pháp bị quân và dân Hòa Bình đánh chìm trên sông Đà, là chứng tích cho những chiến công của quân và dân địa phương trong chiến dịch Hòa Bình cách đây 70 năm.

Trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình, chúng tôi tìm về nơi chiến trường xưa. Từ ngã ba dốc Cun (TP Hòa Bình) rẽ vào đường Tây Tiến - QL6 cũ đi chừng 6 km theo con đường uốn lượn sẽ gặp Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng ngay cạnh đường, trong tư thế hiên ngang, bất khuất trên nền trời cao xanh vời vợi. Công trình được xây dựng để ghi nhớ công ơn của người anh hùng trẻ tuổi, ghi dấu chiến công diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1993.

Đồng chí Đinh Thị Ngọc Bé, Bí thư Đoàn xã Bình Thanh chia sẻ: Từ khi công trình được khánh thành đã trở thành không gian giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, chiến tranh cách mạng, mỗi người dân trong xã đều có ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo vệ di tích. Từ đó, lớp lớp ĐV-TN, học sinh trong xã noi gương anh ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến để góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/231/160179/nho-ve-tran-chien-oanh-liet-giang-mo.htm