Nhớ về Trung đoàn Tu Vũ anh hùng
Gặp nhau giữa trời Đông Hà Nội, những cựu chiến binh Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ), Sư đoàn 308, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm chuyện xưa chuyện nay, kề cà chuyện thời chiến rồi đến những đổi thay của đất nước sau khi thống nhất. Dù nói về quá khứ hay hiện tại, đôi mắt của những người lính già vẫn lấp lánh niềm tự hào, những buồn vui trong khói lửa chiến tranh cứ vậy mà ùa về ngập tràn tâm trí.
Một thời xếp bút nghiên
Gặp mặt đồng đội, Đại tá Phạm Quang Tiềm, Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 88 tay bắt mặt mừng. Ông nói: Mấy anh em trong Ban liên lạc hiện giờ còn khỏe mạnh hầu hết thuộc lứa nhập ngũ trong giai đoạn 1970-1973, đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng lên đường trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ký ức về những năm tháng chiến đấu của chúng tôi là bức tranh đẫm máu và hoa, với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích. Vì vậy, ai nấy đều rất đỗi tự hào.
Với cựu chiến binh Phạm Huy Giáp, ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), những năm tháng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị là kỷ niệm khiến ông luôn nhớ mãi. Ông Giáp kể lại: Năm 1971, tôi đang là sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thì lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Sau đó, tôi được biên chế vào Đại đội 20, Trung đoàn 88, làm nhiệm vụ trinh sát. Ác liệt nhất vào thời điểm này là Thành cổ bị bom đạn dội liên tục, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh.
Cựu chiến binh Trịnh Bá Sướng, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) bồi hồi nhớ lại:Sau chiến tranh, có dịp về thăm lại Thành cổ, đứng trên cầu Thạch Hãn nhìn về phía bờ Bắc, nơi biết bao anh em đã nằm lại trong lúc bơi qua sông để vào chiến đấu, tôi không khỏi bồi hồi. Rồi khi nhìn áng thơ ghi trên đá “Thành Cổ rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật...”, tôi không cầm được nước mắt.
Đưa tên đồng đội về Thái Nguyên
Nhiều người biết đến Trung đoàn Tu Vũ với những chiến công lẫy lừng, nhưng không mấy ai biết rằng, Trung đoàn anh hùng này được thành lập ngay trên quê hương cách mạng Thái Nguyên.
Sau gần 3 năm kể từ Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trước cục diện mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, trọng tâm là bộ đội chủ lực để chuẩn bị tiến sang giai đoạn phản công. Ngày 1/7/1949, Trung đoàn 88 làm lễ ra mắt tại xã Tân Cương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Trung đoàn thành lập trên cơ sở các đơn vị thiện chiến của Liên khu I, Liên khu II và đất mỏ Quảng Ninh. Trung đoàn Tu Vũ là một trong những trung đoàn chủ lực và là một trong 3 trung đoàn hợp thành Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong - đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung đoàn đã cùng Sư đoàn 308 tham gia hầu hết các chiến dịch lớn. Bước chân của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 đã in dấu trên khắp các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Trị - Thiên… Họ cũng đã làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào và Campuchia, phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước bạn trong những thời điểm lịch sử quan trọng. Ghi nhận thành tích trong các giai đoạn cách mạng, Trung đoàn 88 đã 3 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2009, nơi phát tích của Trung đoàn đã được Tổng cục Chính trị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý cho dựng Đài kỷ niệm - Nhà bia ghi tên tất cả các thế hệ liệt sĩ đã biết tên của Trung đoàn 88. Địa điểm này cũng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2014, Nhà bia khắc tên liệt sĩ tại Khu lưu niệm truyền thống tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 - Tu Vũ chính thức được hoàn thành.
Tròn 10 năm kể từ khi Đài kỷ niệm Trung đoàn 88 được xây dựng, các cựu chiến binh của đơn vị lại tiếp tục họp bàn về việc tu bổ, tôn tạo công trình. Cựu chiến binh Vũ Văn Phong, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Tại Nhà bia của di tích đã có hơn 6.000 liệt sĩ được ghi tên. Tuy nhiên, những năm qua đã có thêm khoảng 4.000 người khác đã được xác định danh tính. Chúng tôi mong muốn tiếp tục mang tên đồng đội về khắc tại nơi chính nơi Trung đoàn ra đời.
Đồng chí Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc Trung đoàn 88 để hoàn thiện hồ sơ tu bổ di tích, đồng thời tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ về những chiến công anh hùng của Trung đoàn Tu Vũ cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam.