Nhọc nhằn kiếm kế sinh nhai sau tái định cư thủy điện Sơn La

Hơn 10 năm trên quê mới, người dân Lai Châu phải vật lộn với việc thiếu đất sản xuất và việc làm, đồng nghĩa với thu nhập thất thường

Vì dòng điện của Tổ quốc, hàng trăm hộ dân tái định cư nông nghiệp và phi nông nghiệp đang sinh sống ở thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã phải dời bỏ nơi chôn rau cắt rốn Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ về đây để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Họ là những hộ dân đầu tiên của công trình thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu xung phong chuyển về đây từ năm 2005 - 2006.

Chợ thị trấn huyện Phong Thổ được xây dựng và mua sắm ít nên đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống.

Chợ thị trấn huyện Phong Thổ được xây dựng và mua sắm ít nên đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống.

Hơn 10 năm bám trụ ở nơi ở mới, khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai đã khiến hàng chục hộ dân phải bán nhà chuyển đi nơi khác, trong đó hầu hết là chuyển về quê cũ. Những hộ ở lại để chung tay cùng với chính quyền xây dựng thị trấn cũng đang vật lộn với việc thiếu đất sản xuất và việc làm.

Dáng người nhỏ thó, bà Phạm Thị Lan, 65 tuổi – một trong ít chủ hộ tái định cư thủy điện Sơn La tại thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ còn bám trụ trên quê hương mới, chia sẻ: Gần hết đời người và hơn 23 năm định cư ở bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ), năm 2005 gia đình bà là hộ đầu tiên xung phong vượt hơn 60km lên tái định cư tại thị trấn Phong Thổ.

Dãy nhà tái định cư đầu tiên thủy điện Sơn La, nhiều hộ phải bán nhà, đóng cửa để đó về nơi ở cũ.

Dãy nhà tái định cư đầu tiên thủy điện Sơn La, nhiều hộ phải bán nhà, đóng cửa để đó về nơi ở cũ.

Về vùng đất mới, cả gia đình phải vật lộn với cuộc mưu sinh từ đó đến nay. Hiện nay, cuộc sống của 5 khẩu trong gia đình phụ thuộc vào tổng thu nhập hơn 4 triệu lương hưu hàng tháng của bà và lương làm tạp vụ của cô con dâu.

“Lên trên này được có 74 triệu đồng đền bù tiền nhà và 32 triệu đồng tiền đất. Ở Chăn Nưa đất rộng, 2.800 m2 đất nhà với đất vườn, nhưng khi chuyển lên đây có mỗi 5 m rộng. Com cóp tiền để xây dựng được cái nhà, nhưng 4 – 5 năm nay chưa quét được vôi ve”.

Thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ là nơi ở mới của 45 hộ dân tái định cư phi nông nghiệp nằm quay mặt ra quốc lộ 70, với những ngôi nhà được thiết kế xây dựng giống nhau. Mặc dù phía trước là quốc lộ, luôn tấp nập các phương tiện qua lại, nhưng từ khi chuyển về đây sinh sống, 10 năm qua bộ mặt khu dân cư này vẫn không có gì thay đổi và người dân vẫn vật lộn mưu sinh theo tháng ngày. Không buôn bán được gì, gặp khó khăn trong tìm kiếm kế sinh nhai, đã khiến 27/45 hộ phải bán nhà chuyển đi nơi khác, trong đó chủ yếu chuyển về quê cũ mua nhà để làm ăn.

Để đảm bảo cuộc sống, ngoài việc đi làm thuê, người dân ra sông Nậm Na để đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập.

Để đảm bảo cuộc sống, ngoài việc đi làm thuê, người dân ra sông Nậm Na để đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập.

Ông Mai Ngọc Thắng, ở thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ lo lắng cho biết: “Như nhà tôi 3 cặp vợ chồng đang sống trong 200 m2 đất, không có ruộng, không có nương, không có gì cả. Về làm ăn chúng tôi mà biết được làm gì thì cũng cố gắng để kiếm sống. Chợ ở đây cũng đã nhiều nhà mở rồi, nhưng dân ít quá, mở ra không bán được. Muốn đề nghị chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm công ăn việc làm để cho bà con định cư ổn định”.

Nằm bên kia bờ suối, trên trục đường vào khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, cuộc sống của 44 hộ dân tái định cư thôn Hữu Nghị cũng không khá hơn người dân thôn Pa So.

Việc làm của những người dân nơi đây hàng ngày chỉ là những công việc lao động phổ thông như bốc vác, chạy xe ôm ở chợ quanh khu vực thị trấn và cửa khẩu.

Thu nhập không đảm bảo, cuộc sống bấp bênh, nên đến nay đã có 22 hộ dân chuyển khỏi địa bàn, tìm nơi khác lập nghiệp. Các gia đình còn ở lại chỉ là những hộ cán bộ hưu trí, vì hàng tháng có được nguồn thu nhập ít ỏi từ lương hưu.

Ông Cao Xuân Thưởng, Trưởng thôn Hữu Nghị, thị trấn huyện Phong Thổ cho biết: Khó khăn nhất của các hộ dân phi nông nghiệp khi chuyển về sinh sống tại những khu vực thị trấn là không có đất ở để tách hộ. Nếu nhà nước có chủ trương quy hoạch mở rộng và bán cho thì bà con cũng không có tiền để mua. Gia đình nào có nhu cầu làm kinh tế, muốn vay ngân hàng chính sách thì ngân hàng lại đòi chứng chỉ nghề, nên không thể tiếp cận được. Con cháu có học đại học, cao đẳng về cũng không xin được việc làm. Đất sản xuất không có, buôn bán lại khó khăn, nên đây là nguyên nhân chính khiến các hộ dân rời bỏ địa bàn đi tìm nơi khác để lập nghiệp.

Ông Cao Xuân Thưởng nói: “Trước đây, ở dưới kia chúng tôi đã có đất vườn, đất nương, không làm được nhiều cũng làm được ít, còn có thêm thu nhập phần nào. Vì lương không có, ở trên này không có thu nhập biết lấy gì để ăn, nên phải quay về nơi cũ. Huyện cũng có trường dạy nghề để đào tạo cho những đối tượng còn sức lao động, nhưng học về cũng chẳng biết làm ở đâu, làm việc gì”.

Bên kia sông Nậm Na là 3 thôn Thèn Chồ, Thèn Nưa và Chiềng Na với hơn 130 hộ dân tộc Thái và đến nay đã phát triển thành hơn 180 hộ. Đây là những hộ dân tái định cư nông nghiệp thủy điện Sơn La chuyển về từ năm 2006.

Hơn 10 năm trên quê mới, người dân nơi đây phải vật lộn với việc thiếu đất sản xuất và việc làm, đồng nghĩa với thu nhập thất thường. Từ khi hết chế độ hỗ trợ đời sống, bà con phải đi làm thuê cho các tàu hút cát, phụ xây, bốc vác thuê để về mua gạo chạy ăn từng bữa.

Khó khăn về đất sản xuất, dẫn tới tỷ lệ tái nghèo trong thôn cao và đã có người bỏ mạng khi phải đi làm thuê trong điều kiện an toàn lao động không đảm bảo. Trưởng thôn Chiềng Na, thị trấn Phong Thổ Lâm Văn Minh nói: “Đất đai canh tác thì không có, mãi đến năm 2015 vừa rồi mới cấp được đất nương, mà đất nương không đủ. Nước mương sản xuất thì thiếu, ruộng họ chia cho toàn ruộng hai vụ, không canh tác được bà con mới thiếu ăn như thế. Đất ruộng bỏ hoang là vì lý do không có nước, thôn của tôi được cấp 6,4ha vụ chiêm mới canh tác được 3,8ha, vụ mùa có mưa mới canh tác được 4,2ha, còn lại phải bỏ hoang”.

Dù đã được giao đất lúa hai vụ, nhưng do thiếu nước nên nhiều diện tích đất bà con phải bỏ hoang hàng năm.

Dù đã được giao đất lúa hai vụ, nhưng do thiếu nước nên nhiều diện tích đất bà con phải bỏ hoang hàng năm.

Thiếu đất sản xuất và công ăn việc làm, các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai.

Việc làm và đất sản xuất không chỉ là thực trạng của riêng khu tái định cư thị trấn huyện Phong Thổ, hay của riêng dự án tái định cử thủy điện Sơn La, mà còn là thực trạng của nhiều khu, điểm tái định cư của các công trình thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Vậy đâu là giải pháp giúp hàng nghìn hộ dân tái định ở địa phương phát triển ổn định bền vững.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nội dung của bài 2 với nhan đề “Cần lắm chính sách hậu tái định cư”./.

Nhóm PV/VOV - Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nhoc-nhan-kiem-ke-sinh-nhai-sau-tai-dinh-cu-thuy-dien-lai-chau-538195.vov