Nhọc nhằn mưu sinh mùa biển động

Mùa biển động thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau. Thời điểm này biển thường xuất hiện sóng to, gió lớn, bất lợi cho việc đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, mùa biển động cũng là thời điểm tôm, cá xuất hiện nhiều; giá các loại hải sản cũng tăng cao nên nhiều ngư dân vẫn kiên trì bám biển đánh bắt.

Hải sản của ngư dân đánh bắt được thương lái thu mua ngay tại bờ với giá khá cao - Ảnh: L.A

Hải sản của ngư dân đánh bắt được thương lái thu mua ngay tại bờ với giá khá cao - Ảnh: L.A

Những ngày này, bất chấp biển động mạnh, sóng lớn cao từ 1 - 2 m, ngư dân vùng ven biển bãi ngang vẫn dong thuyền vượt sóng ra khơi. Đa số thuyền của ngư dân có công suất dưới 20 CV thường đánh bắt cách bờ từ 2 - 7 hải lý. Mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 8 - 10 giờ.

Thuyền nhỏ đi từ 1 - 2 người, thuyền lớn từ 3 - 4 người, chủ yếu là anh em, người thân trong gia đình. Với kinh nghiệm nhiều năm đánh bắt trên biển, ngư dân Dương Minh Thịnh ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết, vào mùa này biển thường động mạnh do ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc nên các loại hải sản dạt vào gần bờ trú ngụ.

Nắm rõ quy luật này, ngư dân tranh thủ ra khơi để săn “lộc biển”. Chỉ với chiếc thuyền nhỏ công suất khoảng 10 CV cùng một số loại ngư lưới cụ đơn giản và ra cách bờ khoảng 5 - 7 hải lý là có thể đánh được cá cháo, cá trích, mực nang... Nếu trúng luồng cá, mực có thể thu được vài triệu đồng mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, ra khơi mùa này ngư dân phải gan dạ vì không chỉ phải vượt qua những cơn sóng cao từ 1 - 2 m mỗi lần ra khơi và trở về mà trong quá trình đánh bắt trên biển ngư dân còn phải đối mặt với giông lốc bất ngờ xảy ra. Chỉ cần phán đoán và quyết định sai thì hậu quả và thiệt hại sẽ khó lường.

“Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì miếng cơm manh áo nên ngư dân chúng tôi phải chấp nhận vậy thôi. Nhiều hôm “trúng lộc” thì thu tiền triệu nhưng cũng có hôm về tay không, xem như lỗ tiền dầu”, ông Thịnh chia sẻ.

Cách đó không xa, vừa trở về sau chuyến biển gần 8 giờ với hơn 50 kg cá trích tươi rói, ngư dân Hồ Sỹ Phụng ở Thôn 10, xã Trung Giang cho biết, ông theo nghề biển đã được gần 30 năm. Theo kinh nghiệm của ông, những ngày trời động biển mới có cá. Bên cạnh đó, do thời gian đánh bắt ngắn nên hải sản vẫn còn tươi sống, bán được giá cao hơn những ngày bình thường. Như với hơn 50 kg cá trích vừa đánh bắt được hôm nay, bán ngay tại bờ cho thương lái với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí ông và bạn thuyền mỗi người “bỏ túi” được hơn 500.000 đồng.

Cũng theo ông Phụng, ngày nay làm biển đủ ăn là mừng rồi. Mấy năm trước biển nhiều cá, chỉ cần ra khơi bủa lưới là có cá, ít khi kéo lưới không. Bây giờ muốn đánh được nhiều cá phải đi xa hơn, chứ biển gần bờ đã cạn kiệt. Đó là chưa kể đến chuyện, ra khơi lúc trời động nguy hiểm luôn rình rập.

Ở đây phần lớn ngư dân chỉ ra khơi một chuyến trong ngày, từ sáng sớm đến khoảng 2 - 3 giờ chiều là về. Chỉ trừ những ngư dân gan dạ mới đi chuyến thứ 2 vào khoảng 5 giờ chiều đến 5 - 6 giờ sáng hôm sau hoặc khi nào dự đoán biển có nhiều cá.

“Vào mùa biển động ngư dân phải biết xem thời tiết, dự đoán con nước để đánh bắt. Tầm tháng 10, tháng 11 âm lịch thì khai thác cá trích, qua tháng 12 âm lịch trở đi thì đánh bắt cá cháo, tôm bạc... Đây là nghề đánh bắt gần bờ, cách bờ chỉ khoảng 5 - 7 hải lý. Nhưng nếu biết làm ăn thì bình quân mỗi thuyền cũng thu được 50 - 70 triệu đồng/mùa”, ông Phụng cho hay.

Khác với những ngư dân trên, thay vì ra khơi bằng chiếc thuyền gắn máy D6, đến mùa biển động, 2 ông Nguyễn Văn Bằng và Nguyễn Văn Thi ở tại xã Trung Giang lại rong ruổi trên bờ biển để thả lưới rùng đánh bắt cá đối.

Ông Bằng cho biết, hằng năm vào khoảng cuối tháng 8 âm lịch trở đi, khi biển động, các loại cá đối, cá cồi, cá chang, cá chim, cá cu... vào gần bờ tìm mồi để ăn, nhất là những lúc sóng biển ngả màu vàng đục, đó là thời điểm thích hợp để những người làm nghề lưới rùng hành nghề. Tuy nhiên, theo ông Bằng, nghề này thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế rất nguy hiểm.

Để làm nghề này thường phải có ít nhất từ 2 người trở lên, trong đó một người đứng trên bờ giữ một đầu lưới, còn người kia phải bơi ra xa để bủa lưới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong mùa biển động.

“Bình quân mỗi ngày 2 anh em tôi đánh bắt được khoảng 3 - 5 kg cá đối, bán được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Chia cho 2 người thì mỗi người không được bao nhiêu nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải cố gắng thôi”, ông Bằng nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 1.840 tàu cá có chiều dài dưới 6 m, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển bãi ngang. Hầu hết tàu cá đã cũ, độ an toàn thấp, chỉ chịu được sức gió từ cấp 5, cấp 6 trở xuống.

Vì vậy, các vụ tai nạn, rủi ro xảy ra trên biển chủ yếu do bị sóng đánh, giông lốc gây hư hỏng tàu thuyền hoặc thiết bị, máy móc đã cũ, không thể vận hành an toàn trong mỗi chuyến vươn khơi. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng cho biết, khối tàu cá này hầu hết không có số hiệu nên rất khó kiểm soát. Việc quản lý khối tàu này thuộc trách nhiệm của địa phương.

Tuy nhiên do nhân lực hạn chế nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để đảm bảo an toàn trong khai thác thủy sản, nhất là vùng ven biển bãi ngang, đơn vị thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh để đề phòng sự cố xảy ra trên biển.

“Để đảm bảo an toàn trong mùa biển động, trước khi ra khơi ngư dân nên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để chủ động trong đánh bắt. Tuyệt đối không được ra khơi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, khi biển động mạnh từ cấp 5, cấp 6 trở lên. Trong quá trình hoạt động trên biển phải mặc áo phao”, ông Thặng lưu ý thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nhoc-nhan-muu-sinh-mua-bien-dong/181990.htm