Nhọc nhằn nghề lao công
Chọn nghề lao công đồng nghĩa với chọn lấy phần vất vả, nhọc nhằn nhưng nhiều người, đa phần là phụ nữ vẫn lặng thầm, gắn bó từng ngày với công việc không chỉ bởi mưu sinh cuộc sống mà còn là 'cái duyên' với nghề.
Gần 9 năm nay, cứ 5 giờ, chị Phạm Thu Hồng, xã Gia Phú, Bảo Thắng lại thức dậy, lục đục chuẩn bị bữa ăn sáng và bữa trưa để mang theo đi làm. Sau 30 phút chuẩn bị tư trang cá nhân, chị Hồng rời khởi nhà trên chiếc xe máy đã cũ, thẳng hướng di chuyển tới thành phố Lào Cai. Chị Hồng hiện là lao công của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, chị được phân công làm việc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng của tỉnh. Đúng 6 giờ, chị và 3 đồng nghiệp trong tổ bắt đầu dọn vệ sinh khu hành chính, khu khám, điều trị cho bệnh nhân và khu ngoại cảnh xung quanh bệnh viện.
Thông thường, giờ làm việc của lao công tại các cơ quan, đơn vị sẽ sớm hơn giờ làm việc chính thức của cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1 tiếng. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, mỗi ngày 2 lần, 4 lao công dọn vệ sinh 40 phòng chức năng ở 4 tầng, chưa tính đến khu vực nhà vệ sinh, cầu thang, hành lang, sảnh đón tiếp bệnh nhân…
Theo quan sát của phóng viên, suốt nhiều tiếng đồng hồ, những lao công như chị Hồng luôn mắt quan sát, luôn tay lau chùi, quét dọn, thu gom rác thải. Hết quét dọn phòng làm việc của các nhân viên y tế, phòng chăm sóc, điều trị bệnh nhân, lại đến lau chùi trang - thiết bị trong phòng như: giường, tủ, quạt, rồi thu gom, phân loại rác thải y tế để chuyển đến vị trí xử lý theo quy định. Khi việc dọn vệ sinh tại hành lang, phòng đã cơ bản hoàn tất, các chị lại phân công người trực ở một số vị trí đông người qua lại hoặc nơi dễ phát sinh rác thải, bụi bẩn kịp thời dọn dẹp để hành lang, các phòng luôn sạch sẽ.
Số lao công không trực sẽ di chuyển ra khu vực phía ngoài để quét dọn sân, nhổ cỏ hay tưới, cắt tỉa cây trong khuôn viên. Đặc biệt, tại bệnh viện có khu chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ, những lao công phải túc trực thường xuyên để dọn vệ sinh cho các bé bởi nhiều em chưa chủ động được trong vệ sinh cá nhân…Vất vả là vậy nhưng đôi khi cũng có bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, khi được nhắc nhở còn chưa hợp tác khiến những lao công như chị Hồng đôi chút chạnh lòng. Với tiêu chí “Khách hàng luôn đúng”, chị Hồng và đồng nghiệp luôn giữ thái độ cư xử đúng mực, hòa nhã với các cán bộ, nhân viên y tế hoặc bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Gắn bó với nghề nhiều năm, các chị luôn tự nhủ: Dù chỉ là công việc lao động chân tay thuần túy nhưng đã chọn nghề là phải tận tâm, nơi làm việc cũng như nhà ở, nơi sinh hoạt của gia đình và người thân nên phải làm sao cho thật chu đáo, sạch đẹp.
17 giờ, một ngày cuối tuần, kết thúc công việc dọn vệ sinh tại trụ sở khối 10, theo phân công của công ty quản lý, chị Trần Thị Thúy Quỳnh, nhân viên lao công lại tất bật di chuyển ngược lên phường Kim Tân, thành phố Lào Cai để cùng đồng nghiệp dọn vệ sinh một căn nhà cho gia chủ kịp tân gia trong tuần tới. Theo cách thức: dọn trong trước, ngoài sau; dọn từ trên xuống, nhóm 4 lao công đều là nữ, thoăn thoắt vào việc. Người thu dọn rác thải, vật dụng còn sót lại trong quá trình thi công, người quét dọn sàn nhà, khu vệ sinh, người lau chùi cửa sổ, cầu thang.
Chẳng ngại độ cao, các chị cẩn thận từng bước leo lên thang, chọn vị trí đứng thật chắc để lau quạt, điều hòa gắn trên tường, các chùm đèn phía trên trần nhà. Gần 23 giờ, công việc phía trong nhà đã cơ bản hoàn tất. Tấm áo công nhân các chị mặc ướt đẫm mồ hôi, chiếc khẩu trang, đôi gang tay vốn màu trắng đã ngả sang màu xám xịt do bụi bẩn bám dày. Cởi bỏ lớp khẩu trang, rửa qua đôi tay, các chị tranh thủ uống nước rồi nhanh chóng ra về nghỉ ngơi, ăn bữa cơm tối cùng gia đình khi đã quá nửa đêm. Phần công việc còn lại, buổi sáng mai các chị sẽ tranh thủ hoàn thiện để bàn giao cho chủ nhà.
Là mẹ đơn thân, nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học nên ngoài công việc chính là dọn vệ sinh tại khối, chị Quỳnh đăng ký làm ngoài giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Chị bảo: Nghề nào cũng có vất vả, nhọc nhằn riêng, nghề lao công đòi hỏi người lao động thật chăm chỉ, cẩn thận và kiên trì. Đối với việc dọn vệ sinh cho các gia đình, người lao công còn phải trung thực bởi nhiều chủ nhân bận đi làm, giao lại nhà cho lao công dọn dẹp.
Suốt 4 năm làm nghề, chị Quỳnh không nhớ rõ bao nhiêu lần trong quá trình dọn vệ sinh cho các gia đình, chị và các đồng nghiệp nhặt được tiền hoặc đồ trang sức đắt tiền đã trả lại cho gia chủ. Lần gần nhất cách đây 2 tháng, chị và 1 đồng nghiệp nhận dọn nhà cho một gia đình tại phường Bắc Cường. Khi gia chủ nhờ lao công dọn, bỏ đi một số chăn, quần áo cũ. Vốn tính cẩn thận, trước khi bỏ vào bao rác, các chị đã kiểm tra lại số đồ dùng trên và phát hiện có một số tiền không nhỏ. Chị đã báo cho chủ nhà, qua xác minh thì biết đó là số tiền của gia chủ bỏ quên từ nhiều tháng trước. Nhận lại tiền từ lao công, chủ nhà đã cảm ơn và tỏ ý gửi tặng quà nhưng các chị từ chối. Với người lao công như chị Quỳnh, có một công việc chính đáng, được khách hàng quý mến, tin tưởng thì đó là món quà ý nghĩa nhất.
Thường thì các lao công tại thành phố Lào Cai làm việc 26 công/tháng, với mức lương trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian làm việc chính thức 8 - 9 tiếng/ngày. Khối lượng công việc nhiều, môi trường làm việc tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại rác thải, bụi, bẩn, trong khi mức lương không cao nhưng những người lao công vẫn luôn tận tụy, trách nhiệm hết mình với công việc. Bỏ lại sau lưng những vất vả, nhọc nhằn, những lao công như chị Hồng, chị Quỳnh vẫn lặng lẽ góp sức làm đẹp cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, làm việc.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360610-nhoc-nhan-nghe-lao-cong