Nhọc nhằn nhân tượng giữa phố đông
Mỗi ngày thù lao chỉ hơn 100 ngàn đồng, những nhân tượng đứng giữa cầu gỗ lim phải trải qua đủ những cung bậc cảm xúc 'hỉ nộ ái ố'. Sự nhọc nhằn và cả những niềm vui ấy không chỉ có từ công việc đặc biệt này, mà còn đến từ nhiều người khách bên đường.
Bên trong những pho tượng cốt người
“Nhân tượng” là tên gọi của một môn nghệ thuật khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu. Những năm gần đây, bộ môn nghệ thuật mới mẻ này đã xuất hiện khá nhiều tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam có phát triển du lịch và cố đô Huế cũng không ngoại lệ... Mang đến sự mới mẻ, lạ lùng và khiến không ít người phải giật mình lần đầu. Họ là người mẫu nhưng không hẳn là người mẫu. Họ là tượng nhưng cũng không hẳn là tượng. Nhân tượng là sự kết hợp kỳ lạ và thú vị của người và tượng, mang đến sự khác lạ cho khán giả.
Cùng với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đường phố, trên các tuyến phố đi bộ ở thành phố Huế, vào ban đêm người dân và du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các “nhân tượng” bất động hàng giờ. Trong những năm gần đây, bộ môn nghệ thuật khá mới mẻ này đã tạo được nhiều dấu ấn, ấn tượng đẹp, cũng là điểm thu hút người dân, du khách checkin, chụp hình lưu niệm tại thành phố Huế. Trào lưu hóa thân thành “tượng sống” rồi đứng nhiều giờ liền trong các sự kiện, chương trình nghệ thuật hay ở các khu vui chơi, trung tâm thương mại đang gây sự chú ý của nhiều người. Riêng đối với TP Huế mặc dù tuyến phố Tây (phố đêm du lịch Huế) hay tại khu vực cầu gỗ lim chỉ mới đi vào hoạt động, nhưng du khách rất ấn tượng với người làm tượng sống các chính tuyến phố này.
Trên những tuyến phố đi bộ tại Huế, hiện có 5-6 “nhân tượng” đang biểu diễn vào khoảng 19h đến 23h hằng đêm. Chị Hồ Thị Rêm - một người diễn “nhân tượng” chia sẻ: “Những người tham gia hoạt động này đều là tự phát và để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống là chính. Mỗi người đều tự chọn một điểm để biểu diễn, tự chọn phong cách hóa trang, tự tạo hình, tự tạo dáng riêng biệt để tạo ấn tượng độc đáo riêng, bắt mắt với mọi người và du khách. Trong suốt quá trình biểu diễn (khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục), họ phải hóa thân, giữ thân bất động càng giống tượng thật thì càng thu hút được nhiều người đến chiêm ngưỡng. Nhân tượng càng đẹp thì càng nhiều người xem và chụp hình lưu niệm, ủng hộ...”.
Sau suốt 3 giờ đứng yên bất động, chị Hồ Thị Rêm chia sẻ: “Tôi là người ở huyện A Lưới. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi về Huế để kiếm việc làm thêm. Trong một lần dạo chơi ở cầu gỗ lim, tôi nhận thấy loại hình này rất thú vị, ấn tượng, đặc biệt có thể kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, tôi đã tự tìm hiểu, mua bột nhũ và trình diễn được khoảng một tháng nay tại đây. Trung bình, tôi nhận được số tiền ủng hộ khoảng 120 ngàn đến 150 ngàn đồng mỗi ngày. Số tiền này rất có ý nghĩa với tôi, nó giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cá nhân và đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình. Công việc này cũng không dễ dàng vì phải đứng yên một chỗ, không nhúc nhích trong vòng 3 giờ đồng hồ”.
Việc hóa trang cũng rất khó khăn, ti mỉ nhưng lại chỉ có một dụng cụ duy nhất, đó chính là phấn hóa trang cùng với trang phục sẵn có. Việc biến người thật thành các bức tượng thì quan trọng là trang phục và hóa trang. Trong đó, phấn hóa trang sẽ biến toàn bộ cơ thể người thành cơ thể tương tự như mannequin, có màu sắc như màu chất liệu tổng hợp. Theo đó, tùy theo nhân tượng mà sẽ sử dụng loại màu phấn thích hợp. Kế đến, người mẫu được bôi phấn hóa trang khắp cơ thể. Từ chân, tay cho tới khuôn mặt. Thậm chí, cả những vùng nhạy cảm như mắt, môi, tóc, tai... cũng được bôi phấn một cách khéo léo và cẩn thận để biến toàn bộ cơ thể một con người bình thường thành một bức tượng. Theo tìm hiểu, hầu hết phấn hóa trang hiện nay đều được nhập về từ Thái Lan. Phấn phải dễ bám vào da thịt, không bị bong tróc hay bay hơi, bốc mùi, có màu sắc như các vật liệu tổng hợp nhân tạo, nhìn càng giả càng tốt nhưng không gây ra tác dụng phụ; khi tẩy rửa cũng cần nhanh chóng, không bám vào người khi hết giờ biểu diễn.
“Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng với loại hình này, thỉnh thoảng tôi có chụp hình lưu niệm và ủng hộ các nhân tượng, tôi cũng đã chia sẻ loại hình nghệ thuật này với bạn bè... Tôi nghĩ rằng những loại hình nghệ thuật đường phố cần được quan tâm nhiều hơn, phát triển hơn nữa và chuyên nghiệp hóa để đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của mọi người và du khách...”, một du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
Khi “tượng” cũng biết đau
Những ẩn chứa đằng sau nghề làm người mẫu nhân tượng đầy thú vị này cũng là điều ít mà ai có thể tường tận. Nói về chuyện này, Sơn (22 tuổi) chia sẻ: “Nghề nhân tượng hiện nay dù không còn xa lạ với giới trẻ nhưng rất ít người dám dấn thân. Nguyên nhân đầu tiên là khó khăn, thậm chí là rất khắt khe vì những yêu cầu nghề nghiệp tưởng như giản đơn nhưng lại không dễ thực hiện. Rồi nữa là phải biểu diễn trước công chúng nhưng lại không để công chúng biết mình là... người!”. Người làm nghề này đòi hỏi phải có sự kiên trì, sức khỏe tốt và sự chịu đựng giỏi với thời tiết khắc nghiệt. Quan trọng nhất đó là sự kiềm chế cảm xúc để đứng hàng giờ.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với người mẫu làm nhân tượng chính là giữ thăng bằng và yên tĩnh tuyệt đối. Ở mỗi tư thế, tạo dáng các nhân tượng phải không có cử động gì. Tóm lại, những người này phải làm sao để người khác nhìn vào và nghĩ mình là tượng mới được. Nếu không có gì quá bất ngờ, việc các người tượng đứng im bất động khoảng 2-3 giờ đồng hồ là rất bình thường. Thế nên, để làm được người mẫu nhân tượng cũng cần luyện tập và rèn luyện rất nhiều. Thậm chí, cực kỳ gian khổ, công phu mà lại không có trường lớp nào. Tất cả đều đến từ sự tìm tòi, tự trau dồi và luyện tập. Nhân tượng khác với người mẫu ở điều này, Sơn cho biết thêm.
Công việc của nhân tượng thường bắt đầu từ 7 giờ tối đến gần khuya. Trong khi đứng 3-4 giờ đồng hồ mỗi tối thì người làm nhân tượng phải đòi hỏi sức khỏe tốt. Sơn kể, do đứng lâu, trọng lực dồn vào hai gót chân, mỏi cổ, đau nhức các khớp. “Thu nhập mỗi đêm không đều (đêm cao nhất là 150 nghìn, thấp là vài chục nghìn) nhưng cái chính là mình kiếm được tiền từ mồ hôi, công sức của mình”, Sơn bộc bạch.
Để hóa trang cho đẹp và giống như bức tượng thật thì các anh mất đến gần nửa tiếng để bôi khắp người, chưa kể bộ đồ vừa dày vừa nặng do phủ nhiều lớp sơn. Nhưng, tất cả phải quan trọng một điều duy nhất làm sao cho mình giống tượng thật thì mới thu hút mọi người. Có những người không hiểu nghề, hám lợi, không biết trân trọng người mẫu, họ quét lên thân mình loại màu dỏm, thậm chí có khi xịt cả sơn khiến da bị dị ứng, ngứa. Đó là những cái sợ của người mẫu tượng.
Còn một nỗi sợ hãi khác mà những nhân tượng phải hứng chịu, đó là có những trường hợp bị trêu ghẹo, đụng chạm cơ thể, nhất là với những nhân tượng nữ. Chia sẻ về những khó khăn trong nghề, người mẫu nhân tượng Hồ Thị Boong (30 tuổi, cũng là người dân tộc thiểu số, quê ở huyện Đakrông, Quảng Trị) cho biết: “Những ngày đầu mới đứng thì ngại lắm, nhiều người bàn tán nhưng cũng có nhiều người thích, khen. Đó là động lực để mình gắn bó với công việc này. Lúc đầu bị tô màu lên người, mình ngại lắm, nhưng hóa trang xong, nhìn mình trong gương thấy thích vô cùng. Đó là một tác phẩm nghệ thuật mà mình vinh dự làm mẫu. Nhiều khi bị kiến cắn, bị muỗi đốt cũng không dám cử động. Đặc biệt, có nhiều người không chắc là tượng hay người nên còn thử bấu, nhéo vào người mình để kiểm chứng hư thực khiến người mẫu cảm thấy rất phiền phức. Đôi khi, trong quá trình biểu diễn, nhiều lúc nhân tượng gặp phải người xem khó tính, phá phách, quấy rối, đụng chạm cơ thể, thậm chí có những hành động khiếm nhã, bất lịch sự, gây bức xúc”.
Hồ Thị Boong kể, nhiều khi đang biểu diễn tại cầu đi bộ gỗ lim, chị đã bị một số người đàn ông lạ mặt lợi dụng sự bất động khi đang diễn để đụng chạm cơ thể chị. Đơn cử như vào khoảng 20h ngày 1/7/2023, trong lúc đang biểu diễn thì chị bị một người đàn ông lạ mặt bất ngờ nhéo mạnh vào tay rất đau. Vì đang diễn nên chị bình tĩnh, tự trấn an để tiếp tục biểu diễn. Ít phút sau, người đàn ông này quay lại, tiếp tục nhéo mạnh hơn vào tay chị lần nữa. Lần thứ ba, khi chị Boong đang nói chuyện với du khách, người đàn ông này giả vờ xin bắt tay chị, rồi có hành động quấy rối, đụng chạm vào cơ thể chị. Sự việc diễn ra khá nhanh, nhưng hành vi của người đàn ông lạ mặt này đã để lại cho chị nỗi e ngại, sợ hãi đến tận bây giờ.
Còn đối với Sơn, sau một thời gian làm nhân tượng đã quen nên dù có ai vô tình xô đẩy, tượng vẫn đứng im bất động. Thậm chí, nhiều lúc “nhập vai” quá, Sơn quên mất mình là người, cứ đứng bất động mãi cho tới khi có người gọi tên mới sực tỉnh. Cũng theo Sơn, nghề làm mẫu nhân tượng điều quan trọng nhất là niềm đam mê, yêu thích công việc. Do mẫu nhân tượng có tính đặc thù cao, lại nhiều yêu cầu khó khăn nên nếu không thực sự đam mê thì khó lòng đeo đuổi công việc. Ngoài ra, cũng cần phải biết hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Thực tế, nhân tượng không có nghĩa là người mẫu đứng bất động như tượng mà có nhiều sự kiện, phải di chuyển, cử động. Lúc này nhân tượng phải tạo ra các thế đi, đứng hoặc cử động như những robot... để biểu diễn cho người xem. Ngoài ra, do nghề nhân tượng mới xuất hiện nên chưa có những chuẩn mực hay khuôn mẫu gì mà chính các bạn trẻ đang biến mình thành tượng phải tự nghĩ ra. Từ đó, các bạn sẽ tư vấn, tạo ra sự sáng tạo, sống động, hấp dẫn của mình để phục vụ khách hàng. “Đã hóa trang mà chỉ đứng yên thì phí lắm, mình phải chuyển động phù hợp với nhân vật để thu hút thêm sự chú ý của mọi người và có sự giao lưu, gắn kết với khách xem, như thế sẽ tăng lên giá trị”, Sơn kể.
Hiện nay nhu cầu sử dụng nhân tượng ở các thành phố lớn đang khá nhiều. Các sự kiện như khai trương, triển lãm, hội nghị hay thậm chí tiệc cưới, trung tâm mua sắm, siêu thị... cũng có nhu cầu thuê nhân tượng đứng để phục vụ khách hàng. Vì thế, mặc dù khá cực nhọc nhưng công việc của những nhân tượng cũng khá trôi chảy, nhất là những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết.