Nhóm chuyên gia cảnh báo rủi ro nếu tiêm vắc-xin liều tăng cường quá sớm
Vắc-xin COVID-19 có tác dụng đến mức hầu hết mọi người đều chưa cần tiêm liều tăng cường, một nhóm các nhà khoa học trên thế giới cho biết trong một bài đánh giá có khả năng thúc đẩy cuộc tranh luận về việc có nên vội vàng tiêm nhắc lại hay không.
Ảnh: Reuters
Bài đánh giá được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet. Trong đó, nhóm chuyên gia cho biết các chính phủ tốt hơn hết nên tập trung vào việc phủ vắc-xin cho những người chưa được tiêm chủng, và chờ đợi thêm dữ liệu về các loại vắc-xin có thể tiêm tăng cường cũng như liều lượng tiêm để đạt hiệu quả cao nhất.
Nhóm chuyên gia thừa nhận “mặc dù hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng của hầu hết các loại vắc-xin hơi kém hơn đối với biến thể Delta”, nhưng “không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng của vắc-xin”. “Thậm chí, còn có thể có thêm rủi ro tác dụng phụ nếu mũi tăng cường được tiêm quá sớm và quá rộng rãi.”
“Ngay cả khi các nước có thể thu được một số lợi ích từ việc tiêm tăng cường, thì những lợi ích này cũng không lớn hơn lợi ích từ việc phủ vắc-xin cho những người chưa được tiêm chủng. Nếu vắc-xin được triển khai ở nơi chúng đạt hiệu quả cao nhất, thì chúng có thể đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch bằng cách ức chế sự tiến hóa của các biến thể."
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia có nguồn cung cấp vắc-xin dồi dào đang tranh luận về việc có nên tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch hay không.
Mỹ có kế hoạch triển khai tiêm tăng cường từ ngày 20/9, dù kế hoạch vẫn cần được Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho phép.
Trong số các nhà khoa học góp tên trong báo cáo này, có bác sĩ Marion Gruber - người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá Vắc xin của FDA cùng cấp phó của bà là bác sĩ Philip Krause. Cả hai đều cho biết họ sẽ từ chức vào cuối năm nay. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, FDA cho biết “quan điểm của các tác giả bài báo cáo không phản ánh quan điểm của FDA”.
Theo một nguồn thạo tin, bác sĩ Gruber và bác sĩ Krause là hai trong số những nhân viên FDA vào năm ngoái đã phản đối việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump gây áp lực nhằm đẩy nhanh việc cấp phép vắc-xin COVID-19.
Ngoài Gruber và Krause, báo cáo mới nhất còn có sự góp mặt của Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO từng nhiều lần phản đối việc áp dụng mũi tăng cường rộng rãi, vì việc tập trung phủ vắc-xin cho nhóm những người chưa được tiêm chủng sẽ có tác dụng tích cực hơn đối với sức khỏe cộng đồng.
Qua các khảo sát được thực hiện đến thời điểm hiện tại, vắc-xin có hiệu quả trung bình 95% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và hơn 80% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh. Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, thì những người không được tiêm chủng mới đang là nguồn cơn thúc đẩy sự lây truyền virus, đồng thời là những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất, nghiên cứu cho thấy.