Nhóm cổ phiếu dầu khí kỳ vọng vào kịch bản giá dầu Brent vượt 80 USD
Giá dầu tăng mạnh sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu nhóm dầu khí đi lên trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Ngành dầu khí trong nước có sự tương quan cao với thị trường quốc tế. Trên cơ sở đó, báo các phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng giá dầu Brent tiếp tục tăng sẽ là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới, bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành do ảnh hưởng của COVID-19.
Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hải, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định việc giá dầu tăng mạnh sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Giá dầu thô trên đà tăng
Trên thị trường quốc tế, giá dầu Brent đã đạt mức 79 USD/thùng trong tháng 9/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Như vậy, giá dầu đã tăng 52,5% kể từ đầu năm và tăng xấp xỉ 88% so với mức giá trung bình năm 2020 (42 USD/thùng).
Theo ông Hải, đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch, trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm tại tháng Chín. Dự báo, giá dầu Brent có khả năng vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay.
Ông Hải chỉ ra một số yếu tố tác động đến xu hướng giá dầu về cuối năm. Cụ thể, các chiến dịch tiêm chủng đã giúp nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại. Kết hợp với chính sách nới lòng tiền tệ mở rộng tài khóa, một số nền kinh tế lớn đã phục hồi mạnh mẽ trong trong nửa đầu của năm. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Trung Quốc có thể tăng lên mức 8,5% trong năm 2021 thay vì mục tiêu 6% mà Chính phủ đề ra.
“Đà trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế thế giới sau dịch COVID-19, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu,” ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết trong tháng Chín, kho dự trữ của Hoa Kỳ đã giảm 3,5 triệu thùng (chỉ còn 414 triệu thùng), gần chạm mức thấp nhất trong ba năm qua. Cơ quan này cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng thêm 5 triệu thùng/ngày (lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày), trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày (vào năm 2022) và gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch (năm 2019).
Ngoài ra, nguồn cung khí tự nhiên cũng đang thiếu hụt dẫn đến giá khí tăng cao, theo đó dầu thô sẽ được lựa chọn như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất.
“VNDIRECT kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá đối với thị trường dầu thô trong mùa Đông này. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng nếu thời tiết ở Bắc bán cầu trở nên lạnh hơn bình thường trong mùa đông, cao hơn 10 USD/thùng so với dự báo hiện tại,” ông Hải cho hay.
Động lực cho cổ phiếu
Trên thị trường chứng khoán, giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các công ty niêm yết trong ngành thực hiện tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam.
Theo ông Hải, Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã GAS) sẽ có triển vọng trong những năm tới nhờ vào việc giá dầu được kỳ vọng sẽ dao động trên mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021-1023. Bên cạnh đó, thị trường trong nước đang có nhu cầu cấp thiết về khí tự nhiên trong bối cảnh tiêu dùng điện ngày càng tăng ở Việt Nam. Mặt khác, mã GAS hiện đang trong giai đoạn đầu tư lớn, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của công ty trong dài hạn. Nhóm phân tích của VNDIRECT đưa ra dự báo GAS tăng trưởng kép lợi nhuận ròng đạt 18,3% trong giai đoạn 2021-2023.
Ở một góc độ khác, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) được kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng ngắn hạn. Cụ thể, việc giá dầu tiếp tục xu hướng đi lên có thể kéo theo việc điều chỉnh tăng giá thuê ngày của kho chứa nổi mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt (FSO Golden Star) của công ty. Ngoài ra, giá dầu cao sẽ tạo động lực khởi động các dự án mỏ khí trọng điểm của công ty (như Lô B-Ô Môn, Cá Voi Xanh), điều này sẽ đem đến lợi ích lâu dài cho PVS. Đối với giai đoạn 2021-2023, VNDIRECT dự báo tăng trưởng kép lợi nhận ròng của PVS là 19,7% nhờ đà tăng vững mạnh của giá dầu.
Diễn biến theo chiều ngược lại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam - cổ phiếu PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí) đã lệch nhịp so với diễn biến giá dầu. Tuy nhiên, VNDIRECT kỳ vọng thị trường khoán trong khu vực sẽ ấm dần lên nhờ giá dầu tăng mạnh cùng với các chiến dịch tiêm chủng tại các nước.
“Kết quả trên sẽ giúp hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng của PVD phục hồi từ quý 3 trở đi và đặc biệt là từ 2022 khi các giàn khoan của PVD có thể trở lại hoạt động ở nước ngoài như năm 2019. Hơn nữa, giàn khoan TAD của công ty dự kiến hoạt động trở lại từ quý 4 sau hơn bốn năm tạm dừng hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới cho PVD trong những năm tới,” ông Hải chia sẻ.
Một cổ phiếu khác thuộc nhóm dầu khí là PVT (Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí), ông Hải cho rằng cũng có thể hưởng lợi từ nhu cầu vận tải xăng, dầu phục hồi sau đại dịch. Mặt khác, tổng công ty đã và đang khởi động lại kế hoạch đầu tư đầy tham vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới.
“Nhìn chung tăng trưởng lợi nhuận ròng của PVT dự báo khoảng 10,2% trong giai đoạn 2021-2923 nhờ vào kế hoạch mở rộng đội tàu của công ty và sự phục hồi của giá cước thuê tàu,” ông Hải chia sẻ./.
Độ nhạy giá mục tiêu của các cổ phiếu so với giá dầu Brent: