Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục 'dẫn sóng'?
Theo các chuyên gia, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền, nhất là khi định giá hấp dẫn, cho thấy dư địa phục hồi vẫn còn. Điều này mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn khi nhiều nhà băng duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, khả năng sinh lời cao và chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt.
Giai đoạn cuối tháng 4, cổ phiếu ngân hàng đã chững lại, nhưng gần đây đã lấy lại đà tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu ngân hàng có thể là nhóm kéo chỉ số VN-Index vượt qua vùng 1.280 điểm và lấp lại khoảng trống trong "sóng" giảm ngày 2 – 3/4 do ảnh hưởng “bão thuế quan”.
Đưa VN-Index vượt ngưỡng cản
Thực tế, trong phiên 12/5, lực cầu tiếp tục nhập cuộc sôi động, với tâm điểm là dòng “bank” đã giúp thị trường tăng vọt. Chỉ số VN-Index khép lại phiên giao dịch với mức tăng hơn 16 điểm, lên mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng và chính thức vượt qua mốc 1.280 điểm với thanh khoản sôi động. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 903 triệu đơn vị, giá trị hơn 21.642,8 tỷ đồng, tăng 19,5% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên trước đó.
Trong đó, cổ phiếu TCB vẫn giữ được sức nóng khi tiếp tục nới rộng biên độ tăng. Đóng cửa, TCB tăng 6,5% lên gần mức giá trần 29.400 đồng/cp, đóng góp tới 3,2 điểm cho chỉ số chung. Cùng với đó, thanh khoản bùng nổ với hơn 46,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài TCB, các cổ phiếu ngân hàng khác cũng đua nhau nới rộng đà tăng. Ngoại trừ "anh cả" VCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc với thanh khoản sôi động: SHB đóng cửa tăng 1,9% và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 84,7 triệu đơn vị; VPB tăng 2,1% và khớp hơn 36,5 triệu đơn vị, MBB tăng 1,3% và khớp 34,7 triệu đơn vị, TPB tăng 5% và khớp 34,3 triệu đơn vị…

Giai đoạn cuối tháng 4, cổ phiếu ngân hàng đã chững lại, nhưng gần đây đã lấy lại đà tăng.
Hay như trong phiên 14/5, chỉ số VN-Index bay cao trên ngưỡng 1.300 điểm, nhờ hai động lực lớn là sự tỏa sáng của cổ phiếu ngân hàng và đà mua ròng mạnh của khối ngoại.
Ấn tượng nhất là cổ phiếu VPB. Cổ phiếu này được mua mạnh, đẩy thị giá lên mức trần 18.900 đồng/cp. Thanh khoản đạt tới 95,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị 1.756 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác khoe sắc xanh trong phiên 14/5, như VCB tăng 3,3%, BID tăng 4,6%. Đây là hai cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi mang về lần lượt 3,698 điểm và 2,699 điểm.
Theo giới phân tích, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực nhờ động lực từ kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan và việc hệ thống KRX chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025.
Mặt khác, “cú nhấn ga” mạnh mẽ của nhóm này diễn ra trong bối cảnh Nghị định 69/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ 19/05/2025, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Cụ thể, tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể vượt 30% nhưng không quá 49% vốn điều lệ của các ngân hàng này, ngoại trừ những ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định Nghị định 69/2025/NĐ-CP tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài, trong trường hợp các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn để bơm thêm vốn cho các ngân hàng yếu kém, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Ngoài ra, việc tăng vốn giúp củng cố hệ số an toàn vốn (CAR), trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao 20-30%/năm.
“Ngoài tác động tích cực đến nguồn vốn, Nghị định 69/2025/NĐ-CP còn tác động lên giá cổ phiếu của các ngân hàng”, báo cáo nêu.
Định giá hấp dẫn
Về kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới, giới phân tích cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành và mức độ biến động có thể tăng dần. VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.250 điểm và dao động tích lũy trong khi chờ đợi thông tin rõ ràng từ đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Thỏa thuận thương mại mới đây giữa Mỹ và Anh cho thấy, Washington nhiều khả năng sẽ không áp dụng phương pháp đàm phán thuế quan trên diện rộng, mà chọn cách tiếp cận theo từng nhóm ngành cụ thể, với các tiêu chuẩn riêng biệt. Đây là gợi ý quan trọng cho Việt Nam trong quá trình đàm phán với Mỹ.
Đối với nhà đầu tư, đây là thời điểm nên theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại và nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, thay vì giao dịch theo cảm xúc ngắn hạn.
Theo đánh giá tổng hợp từ nhiều công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được nhận định tích cực.
Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, ngành ngân hàng nổi lên như một kênh đầu tư phòng thủ hợp lý. Khả năng tự cân đối nguồn vốn tốt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì ở mức cao và sự chủ động trong trích lập dự phòng giúp các ngân hàng giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài. Ngoài ra, việc Chính phủ duy trì định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động tín dụng và hỗ trợ kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2025.
Về mặt định giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở mức P/B gần như thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Mặt bằng định giá hấp dẫn này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố rủi ro vĩ mô, song cũng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn khi nhiều ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, khả năng sinh lời cao và chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt.
“Hệ số P/B ngành ngân hàng hiện khoảng 1,3 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm cho thấy dư địa phục hồi vẫn còn. Các ngân hàng có nền tảng vốn mạnh, chất lượng tài sản tốt và khả năng duy trì tăng trưởng tín dụng sẽ là điểm sáng”, VinaCapital cho biết.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS), cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn. Trong năm nay, nếu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao. Các ngân hàng, nhất là nhóm dẫn đầu sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng tín dụng, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng. Khi kinh tế phục hồi, thường cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
"Tôi vẫn duy trì kỳ vọng rằng trong năm nay, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền ", chuyên gia VPBankS nhấn mạnh.