Nhóm 'Cư sĩ có gì đâu'
Từ một lần gặp gỡ, trò chuyện tại đạo tràng tu học chùa Bửu Liên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), các cư sĩ Minh Hòa, Minh Giác, Thiện Ngộ thấy tâm ý giống nhau trong việc lặng lẽ chia sẻ pháp đến người hữu duyên. 'Muốn nhân rộng góp ích cho xã hội thì cần có nhiều bàn tay vỗ mới kêu', thế là nhóm Cư sĩ có gì đâu ra đời...
Hòa vào đời bằng những lời nhẹ nhàng
Cư sĩ Thiện Ngộ, thành viên nhóm Cư sĩ có gì đâu cho biết, từ lúc thành lập nhóm năm 2017 đến nay - nhằm kết nối, phụng sự, chia sẻ pháp đến nhiều người - thông qua những nhân duyên, được biết về hoàn cảnh của người nhận, nhóm sẽ có nhiều hình thức gieo duyên khác nhau. Từ tặng quà, tặng máy giảng pháp, thẻ nhớ, tặng kinh sách, đến thu gom tặng quần áo cũ, học bổng…
Anh kể, có anh bên Cát Lái (Q.2) khi tặng máy nghe pháp, nghe xong anh nói “ngủ ngon”. Có người bị tai biến nghe xong nửa năm đi lại được, có chú không biết chữ nghe xong hiểu như thế nào là Tam bảo rồi tham gia đạo tràng tu học ở chùa Giác Ngộ (Q.10). Họ nghe pháp xong tự chuyển hóa nên các bài chia sẻ, nhóm chọn dựa trên tiêu chí: làm sao người nghe đang đau khổ về tâm, về thân, đang bức bách chuyện gia đình, nghe rồi thì họ được nhẹ nhàng hơn.
Đối với những miền quê, vùng nghèo, xa phương tiện internet như các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, bà con chưa biết đạo, nhóm gửi máy nghe pháp đến tặng. Có những người chưa biết thờ Phật, cúng dường Đức Phật như thế nào, nhóm cũng y theo lời dạy của quý thầy, chia sẻ lại với bà con.
Đi và đến gần với những người lớn tuổi hơn mình, mà họ muốn tìm hiểu Phật pháp, cả nhóm đều hoan hỷ. Kể về một kỷ niệm đáng nhớ, cư sĩ Thiện Ngộ chia sẻ: “Có một bác trung niên thích thờ Bồ-tát Quán Thế Âm đã hỏi, sao tôi cầu mà không có linh? Nhóm bèn thưa bác rằng, thay vì cầu ngài thì quay lại với chính mình, nghe những đau khổ của tự thân, rồi lắng nghe tiếng nói đau khổ của người thương trong gia đình, đồng nghiệp, cho tới người ghét mình, những người sống gần mình. Mình phải biết hoán chuyển, thay đổi thái độ của mình - tự nhiên những điều dễ thương đến liền. Bác nghe xong rất hoan hỷ”.
Thành viên nhóm tặng máy nghe pháp đến người hữu duyên - Ảnh: CGD
Chia sẻ với người trẻ
Nhóm đặc biệt chú trọng đến giáo dục, nên đặt trọng yếu tặng quà cho học sinh, làm sao các em nhận rồi thì biết đây là những phần quà do các cô chú nhịn ăn nhín mặc dành riêng cho mình và mong món quà này sẽ giúp các em có điều kiện học hành trọn vẹn, biết tự giác học, làm việc tử tế cho mình cho gia đình, cho đời.
Bên cạnh đó, nhóm cũng đưa các bài dạy về ngữ văn cấp trung học cơ sở, những mẩu chuyện Phật giáo lên website riêng, nhằm mở rộng kỹ năng sống, hướng người học, người hữu duyên mở rộng tâm đại bi của mình.
Hàng ngày, nhóm Cư sĩ có gì đâu vẫn âm thầm nhận quần áo cũ, có nhiều quần áo cho các em ở lứa tuổi nhỏ, rồi gửi về cho những tiệm quần áo 0 đồng ở Sóc Trăng, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bảo Lộc… tùy chỗ và thông qua đó mọi người ở đây sẽ phát tặng.
Cùng nhau tu học mỗi ngày
Ngoài chia sẻ với mọi người, các thành viên cũng chăm chỉ tu sửa bản thân. Trong năm, ngoài việc thực hiện các chuyến từ thiện, nhóm cũng dành thời gian tổ chức cho mọi người muốn tu về gần núi rừng để tu học, nạp năng lượng. Thường sẽ lên Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng), có thầy ở đây hướng dẫn.
“Mình muốn làm điều gì chăng nữa thì trước hết tự bản thân phải chuyển hóa, mình nói người ta tham sân si mà mình tham sân si tùm lum thì không ai nghe. Mình phải lấy bản thân ra, có ứng dụng thật sự trong đời sống thì người ta thấy đó thật sự. Mình nói mà không thực hành được điều đó thì hoàn toàn sai”, cư sĩ Thiện Ngộ nhấn mạnh tầm quan trọng sự tu tập của nhóm.
Do vậy, trong lúc thuận duyên và chưa thuận duyên, lúc thành viên nhóm gặp những khó khổ trong cuộc đời thì tự nhắc nhở nhau - mỗi người niệm Phật, tụng kinh, sám hối để tăng trưởng tâm Bồ-đề lên rồi sau đó thì tiếp tục hạnh nguyện. “Tu phải đúng theo Chánh pháp, phải biết lắng nghe nhau, gần gũi thiện tri thức, gặp thầy, gặp bạn để nghe rồi sau đó về tu chứ không phải hý luận”, đó là điều cả nhóm khắc cốt ghi tâm.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaotuoitre/2019/12/31/375492/