Nhóm G77 và Trung Quốc đoàn kết đối mặt khủng hoảng khí hậu

Từ ngày 4-7/7, các quan chức cấp cao và Bộ trưởng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Nhóm G77 và Trung Quốc họp tại La Habana, Cuba, nhằm thông qua tuyên bố cuối cùng để hành động chống lại biến đối khí hậu, suy thoái đất và ô nhiễm, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học.

Đáy sông Po khô nứt nẻ do nắng nóng kéo dài tại vùng Veneto, Italy ngày 5/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đáy sông Po khô nứt nẻ do nắng nóng kéo dài tại vùng Veneto, Italy ngày 5/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Diễn đàn Bộ trưởng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Nhóm G77 và Trung Quốc cũng xuất thúc đẩy sự thống nhất, đoàn kết và hợp tác quốc tế để hiện thực hóa các dự án từ phía Nam, hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của các hệ sinh thái đúng theo nhu cầu và đặc thù.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Công ước XIV về Môi trường và Phát triển dự kiến sẽ ra tuyên bố thúc đẩy hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba (CITMA) Elba Rosa Pérez kêu gọi Nhóm G77 và Trung Quốc đoàn kết và hợp tác bền vững ở cấp độ toàn cầu để đối mặt với khủng hoảng khí hậu bởi các thách thức về môi trường là không biên giới. Bà Pérez nêu bật những tác động của biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan có hại cho con người, thành phố, mùa màng, hệ thống sản xuất và phát điện, đồng thời cảnh báo không còn nhiều thời gian để đưa ra các quyết định và hành động cần thiết nhằm đảo ngược biến đổi khí hậu.

Quan chức Cuba nhấn mạnh biến đổi khí hậu và tình trạng mất đa dạng sinh học là thách thức phức tạp đối với các nước đang phát triển, buộc phải sử dụng các nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ hạn chế của mình để đối phó với cuộc khủng hoảng đa chiều đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19. Người đứng đầu CITMA kêu gọi chung tay thực hiện Chiến lược toàn cầu về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho đến năm 2030 vì một viễn cảnh tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau.

Trong chương trình nghị sự của Công ước về Môi trường và Phát triển còn có Hội nghị Giám đốc Cơ quan Khí tượng của Ibero-Mỹ lần thứ XVIII, với sự hiện diện của nhiều chuyên gia tên tuổi trong ngành và đại diện của các tổ chức quốc tế; các đại hội về Giáo dục Môi trường vì sự Phát triển Bền vững, Khu bảo tồn, Quản lý Môi trường, Quản lý Hệ sinh thái và Đa dạng Sinh học, Biến đổi Khí hậu, Chính trị, Tư pháp và Luật Môi trường, Khoa học Không gian Địa lý và Rủi ro Thiên tai, cùng một hội thảo chuyên đề về Giao thông vận tải và Môi trường.

Từ ngày 12/1, Cuba đã tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc, vốn ủng hộ lợi ích của các quốc gia đang phát triển tại Liên hợp quốc. Nhóm hiện có 134 quốc gia thành viên nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi ban đầu.

Mai Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhom-g77-va-trung-quoc-doan-ket-doi-mat-khung-hoang-khi-hau-20230705060806838.htm