Nhóm 'Ngũ cường' tập hợp lực lượng, chuẩn bị phô diễn sức mạnh ở Biển Đông
Ngày 5/10, các nước thành viên nhóm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) gồm Singapore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh đã bắt đầu cuộc tập trận hàng hải ở vùng biển trung lập, phía Nam Biển Đông.
Theo Straits Times, Bộ Quốc phòng Singapore thông báo, cuộc tập trận thường niên có tên Bersama Gold 2021 ở cả trên bộ, trên biển và trên không sẽ kéo dài đến ngày 18/10.
Cuộc tập trận năm nay đánh dấu 50 năm thành lập FPDA kể từ năm 1971 và 40 năm bắt đầu các cuộc diễn tập chung thường niên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cuộc tập trận hàng hải sẽ diễn ra theo hình thức "không tiếp xúc". Trong khi đó, lực lượng không quân của FPDA sẽ tham gia các cuộc tập trận phòng không và hỗ trợ lực lượng hàng hải trong các cuộc tập trận chống tàu ngầm.
Đối với các cuộc tập trận trên bộ, FPDA sẽ tổ chức một hội thảo nhằm chia sẻ các học thuyết chiến đấu trong rừng và thảo luận về phương thức hợp tác tốt hơn giữa các thành viên.
Cuộc tập trận Bersama Gold 2021 có sự tham gia của khoảng 2.600 binh sĩ, 10 tàu chiến, một tàu ngầm, 6 trực thăng hàng hải, 3 máy bay tuần tra và 25 máy bay chiến đấu.
Theo Đại tá Ng Xun Xi của Lực lượng vũ trang Singapore, Phó giám đốc cuộc tập trận Bersama Gold 2021, cuộc tập trận là cơ hội để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên FPDA.
Trước đó, ngày 4/10, Taiwan News đưa tin, nhóm tàu tấn công số 21 của Anh (CSG21) do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đã vượt qua eo biển Luzon từ Biển Philippines trên đường tới Singapore tham gia cuộc tập trận trên.
Cũng theo trang tin trên, nhóm tàu sân bay đến từ Mỹ và Anh cùng tàu sân bay trực thăng đến từ Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở phía Tây Nam Nhật Bản vào các ngày 2-3/10.
Theo đó, các tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), USS Carl Vinson (CVN-70), HMS Queen Elizabeth (R08) và tàu sân bay trực thăng JS Ise (DDH-182) đã tham gia các cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Okinawa.
Cùng tham gia diễn tập còn có các tàu chiến đến từ Hà Lan, Canada và New Zealand, với tổng cộng 17 tàu nổi của 6 quốc gia.
Theo Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản, mục đích tập trận là "cải thiện kỹ năng tác chiến của Lực lượng Phòng vệ trên biển và tăng cường hợp tác với hải quân các nước tham gia tập trận".