Nhóm sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ý tưởng di sản văn hóa ra thế giới

Mới đây, nhóm sinh viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã vinh dự giành giải Ba trong cuộc thi 'Bệ phóng khởi nghiệp – Startup Launchpad 2024', một sân chơi khởi nghiệp dành cho sinh viên. Ý tưởng khởi nghiệp của nhóm không chỉ đặc biệt mà còn mang đậm giá trị văn hóa, với mục tiêu bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua công nghệ.

Từ niềm đam mê di sản đến ý tưởng khởi nghiệp

Ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên đến từ niềm đam mê với lịch sử và di sản văn hóa Việt Nam. Được thành lập bởi các sinh viên Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm đã xây dựng dự án về giáo dục di sản văn hóa dưới hình thức Bộ thẻ Heritageflash XR, một sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và công nghệ số.

Nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham dự cuộc thi 'Bệ phóng khởi nghiệp' năm 2024.

Nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham dự cuộc thi 'Bệ phóng khởi nghiệp' năm 2024.

Theo nhóm, di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, các bạn đã sáng tạo ra bộ thẻ này, với mục tiêu cung cấp một công cụ giáo dục vừa hiện đại, vừa giàu giá trị văn hóa, nhằm giúp người học hiểu sâu về di sản, từ đó nâng cao nhận thức và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.

Bộ thẻ Heritageflash XR được thiết kế đặc biệt để phục vụ giáo dục di sản văn hóa Việt Nam, gồm những hình ảnh và câu chuyện lịch sử đặc sắc. Các thẻ không chỉ là công cụ học tập mà còn mang đến những trải nghiệm sống động nhờ sự kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo (XR), tạo nên một không gian học tập thú vị và đầy cảm hứng.

Khó khăn và thử thách trong hành trình khởi nghiệp

Dù ý tưởng của nhóm rất sáng tạo, nhưng quá trình xây dựng và phát triển dự án không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất mà nhóm phải đối mặt chính là vấn đề về thời gian và nguồn vốn. Với một dự án mang tính nghiên cứu và phát triển, nhóm cần rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu về di sản văn hóa tại các địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án song song với chương trình học tại trường là một thử thách không nhỏ.

“Bọn mình đã phải lựa chọn những ngày nghỉ và cuối tuần để đi thực tế tại các di sản. Về kinh phí, nhóm đã thực hiện kêu gọi vốn từ các cuộc thi khởi nghiệp để hỗ trợ triển khai dự án”, Nguyễn Phan Minh Hiển (đại diện nhóm) chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm kết hợp công nghệ thực tế ảo cũng đòi hỏi sự đầu tư lớn về kỹ thuật. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhóm đã vượt qua những khó khăn và tiến gần hơn tới mục tiêu của mình.

Khoảnh khắc đáng nhớ tại cuộc thi

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của nhóm là khi hoàn thiện bài thi tại Vòng Chung kết cuộc thi. Những giờ phút làm việc căng thẳng, trao đổi ý tưởng sáng tạo và hoàn thiện các phương án, đã giúp nhóm cảm nhận rõ hơn về tinh thần đồng đội và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển để có thể ra mắt các phiên bản quốc tế của bộ thẻ, từ đó giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Đại diện nhóm chia sẻ

Các giám khảo của cuộc thi đã đánh giá cao sự sáng tạo của nhóm, nhưng cũng đưa ra những góp ý quý giá về mặt kỹ thuật, giúp nhóm hoàn thiện sản phẩm. “Các giám khảo đã đưa ra những nhận xét rất hữu ích, giúp chúng mình cải thiện sản phẩm để có thể đưa ra thị trường vào năm 2025”, Minh Hiển chia sẻ.

Với giải Ba từ cuộc thi, nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội được ghi nhận về sự sáng tạo và có thêm động lực để tiếp tục phát triển dự án. Nhóm dự định sẽ mở rộng quy mô sản phẩm và phát triển thành một doanh nghiệp thực tế, nhằm cung cấp các công cụ giáo dục di sản văn hóa cho các trường học và tổ chức giáo dục.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhom-sinh-vien-dh-su-pham-ha-noi-dua-y-tuong-di-san-van-hoa-ra-the-gioi-post1705154.tpo