Nhóm sinh viên mang ứng dụng kết nối người khiếm thính đi thi quốc tế
Ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính của nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng được chọn tham dự vòng thi quốc tế Global Competition.

Nhóm sinh viên và thầy giáo cùng triển khai dự án LHU Adley - ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính. Ảnh: NTCC
Vượt qua các dự án xuất sắc khác, LHU Adley - ứng dụng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính, đã xuất sắc được lựa chọn là đại diện duy nhất của sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng tham dự vòng thi quốc tế Global Competition do Liên minh Cintana tổ chức.
Ứng dụng giúp kết nối người khiếm thính
Mới đây, nhóm sinh viên gồm Hoàng Gia Huy, Phạm Bảo Minh Thế, Vũ Thị Kim Hương, Vĩ Hoài Thương - Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Lạc Hồng đã phát triển thành công Adley - ứng dụng sử dụng công nghệ nhận diện ngôn ngữ ký hiệu qua camera, giúp chuyển đổi cử chỉ thành văn bản hoặc giọng nói, hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp dễ dàng với cộng đồng.
Sau hơn ba tháng triển khai, Adley đã giành giải nhì tại vòng chung kết Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) mùa thứ 7 do Đại học Arizona (Mỹ) và Dow Việt Nam tổ chức.

Thầy và trò LHU tìm hiểu triển khai ý tưởng cho dự án "Ứng dụng kết nối người khiếm thính". Ảnh: NVCC
Đặc biệt, đội LHU Adley đã xuất sắc trở thành đại diện duy nhất của LHU vinh dự đặt chân đến Hoa Kỳ thông qua thư mời của Đại học Bang Arizona (ASU), tham dự vòng chung kết cuộc thi Cintana Global Competition 2025 – Innovative Solutions for Sustainable Development tại Hoa Kỳ.
“Trong một lần trải nghiệm thực tế khi giao tiếp với một tài xế khiếm thính, chúng em thấy được những khó khăn của họ trong vấn đề hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, chúng em nảy ra ý tưởng muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng người khiếm thính”, Hoàng Gia Huy, trưởng nhóm nghiên cứu thông tin.
“Adley là một giải pháp công nghệ mang tính nhân văn, góp phần kết nối và tạo cơ hội hòa nhập tốt hơn cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam”, đại diện ban giám khảo EPICS, đánh giá.
Để phát triển app, nhóm Adley ứng dụng công nghệ học máy, huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên dữ liệu từ từ điển ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam. Người dùng có thể nhập văn bản, ghi âm hoặc quay video để hệ thống dịch sang ngôn ngữ kí hiệu qua những hình ảnh minh họa sinh động, giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng và thân thiện hơn đối với người khiếm thính.
“Đến hiện tại dù tốc độ ứng dụng xử lý thông tin vẫn còn hơi chậm nhưng độ chính xác gần như là hoàn toàn”, trưởng nhóm Gia Huy khẳng định.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phiên dịch, Adley còn tích hợp thư viện khóa học ngôn ngữ ký hiệu miễn phí và có tùy chọn học chuyên sâu có trả phí.
Đặc biệt, ứng dụng còn mở rộng thêm tính năng hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho cộng đồng khiếm thính. Thông qua đó, cộng đồng khiếm thính sẽ tìm kiếm được công việc phù hợp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thuyết phục hội đồng khoa học để được "cấp phép" đến Mỹ
Dự án Adley của nhóm sinh viên được triển khai dưới sự hướng dẫn chuyên môn của giảng viên Bùi Xuân Cảnh.
Nhóm đã xây dựng quy trình phát triển chặt chẽ qua các giai đoạn: Hình thành ý tưởng, nghiên cứu và lập kế hoạch, triển khai sản phẩm, hoàn thiện và chuẩn bị thuyết trình. Đặc biệt, nhóm đã chủ động khảo sát và lắng nghe phản hồi từ chính cộng đồng người khiếm thính để hoàn thiện sản phẩm gần gũi, phù hợp thực tế hơn.
“Chính những cuộc trò chuyện ấy đã giúp nhóm hiểu hơn về nhu cầu thực sự và tiếp thêm động lực để phát triển dự án một cách ý nghĩa và gần gũi hơn với cộng đồng”, thành viên Hoài Thương chia sẻ.
Đại diện ban giám khảo EPICS đánh giá dự án Adley đã thể hiện rõ nét tinh thần nhân văn khi công nghệ được đặt trong vai trò kết nối và phục vụ cộng đồng.
“Không chỉ là một sản phẩm công nghệ hỗ trợ giao tiếp, Adley còn theo kèm những thông điệp sẻ chia và đồng hành cùng những người yếu thế. Nhóm sinh viên đã chứng minh được kỹ thuật khi đi cùng thấu cảm sẽ tạo nên giá trị lan tỏa mạnh mẽ”, đại diện EPICS đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, sau khi đạt giải nhì của cuộc thi Epics, nhóm sinh viên đã không ngừng nâng cấp sản phẩm, tối ưu thuật toán nhận diện, tích hợp thêm thư viện học ngôn ngữ ký hiệu và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, sẵn sàng mở rộng ứng dụng ra thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, nhóm sinh viên đã có bài thuyết trình ấn tượng để thuyết phục hội đồng khoa học nhà trường để được tài trợ sang Hoa Kỳ tham dự vòng thi quốc tế Global Competition.
“Việc dự án Adley được lựa chọn tham dự Global Competition là bước tiến quan trọng, khẳng định năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ vì cộng đồng của sinh viên Lạc Hồng trên sân chơi quốc tế. Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng nhóm dự án, mà còn là cơ hội để lan tỏa tinh thần nhân văn, đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu của ĐH Lạc Hồng”, ông Quỳnh nói.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, việc sinh viên LHU góp mặt tại đấu trường quốc tế là minh chứng cho chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn và hệ sinh thái học tập toàn diện.
“Kết quả này không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn và bản lĩnh hội nhập của sinh viên, mà còn khẳng định tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội mà nhà trường luôn chú trọng”, ông Quỳnh nói thêm.