Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Hậu quả không dừng lại ở pháp lý
Sự phổ biến của người nổi tiếng và KOL trong quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều này đi kèm với nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, gây hại cho người tiêu dùng.
Phải được kiểm chứng
Theo TS. Bùi Quốc Liêm - Giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Trường Đại học RMIT Việt Nam, ngành tiếp thị bằng người nổi tiếng và người ảnh hưởng (KOL) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao và niềm tin của người tiêu dùng vào những nhân vật trực tuyến.
Nghiên cứu Influencer Advertising - Asia của Statista Market Insights cho thấy, tính đến năm 2024, tại Việt Nam đã có 1.132 người ảnh hưởng trên mạng xã hội khi sở hữu trên 1 triệu người theo dõi. Ngoài ra, có hơn 32.000 người ảnh hưởng có dưới 100.000 người theo dõi, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong nước.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" khi quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Dù chưa có số liệu cụ thể về tổng số người nổi tiếng tham gia quảng cáo, nhưng theo báo cáo Influencer Marketing Việt Nam 2024 được thực hiện bởi REVU, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng sử dụng người ảnh hưởng trong marketing là một hình thức marketing hiệu quả, cao hơn mức trung bình toàn cầu (84,8%). Điều này phản ánh mức độ phổ biến và tầm quan trọng của người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng cáo hiện nay.
Sự xuất hiện của người nổi tiếng và KOL trong quảng cáo tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận và thu hút sự chú ý từ thị trường. Tuy nhiên, sự tin tưởng này cũng đặt ra một nguy cơ lớn, đó là người tiêu dùng có thể dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thông tin quảng cáo không chính xác hoặc sai lệch.
Tại Việt Nam, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quảng cáo bao gồm nhiều văn bản quan trọng. Luật Quảng cáo 2012 là nền tảng chính, quy định về tính trung thực và chính xác của thông tin quảng cáo, đồng thời nghiêm cấm các hành vi quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và 2023 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông tin sai lệch và cho phép họ yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai sự thật.
Ngoài ra, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về các hình phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, bao gồm cả quảng cáo sai sự thật, với các mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
“Trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo là phải đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp là chính xác, không gây hiểu lầm và đã được kiểm chứng. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm, nơi mà thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm này càng được nhấn mạnh. Các hình phạt có thể bao gồm phạt hành chính, yêu cầu gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai sự thật, và thậm chí là phải đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng nếu có”, ông Liêm nói.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến biểu quyết thông qua ngày 11/6, trong đó có nội dung đề xuất tăng trách nhiệm của người nổi tiếng và người ảnh hưởng trong quảng cáo.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người nổi tiếng và KOL bị xử phạt vì quảng cáo sai quy định. Mới đây, việc hai biên tập viên, MC Việt Nam quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của một sản phẩm sữa, bị phạt hơn 100 triệu đồng cũng thu hút sự chú ý. Nổi bật nhất gần đây là vụ kẹo rau củ Kera từ một nghi vấn quảng cáo sai sự thật đã trở thành vụ án hình sự với nhiều người nổi tiếng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trách nhiệm đạo đức
Tuy nhiên, TS. Bùi Quốc Liêm cho rằng, hậu quả không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý. Về mặt xã hội và hình ảnh cá nhân, người nổi tiếng có thể mất đi niềm tin từ công chúng, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và sự nghiệp. Việc mất niềm tin công chúng có thể dẫn đến việc mất các hợp đồng quảng cáo và các cơ hội hợp tác khác.

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo bị phạt hơn 100 triệu đồng vi phạm về quảng cáo.
Hơn nữa, hành vi vi phạm của một người nổi tiếng có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành nghề liên quan. Ví dụ, nếu một người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, điều này có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào tất cả các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, kể cả những sản phẩm chất lượng và uy tín.
Ông Liêm cho rằng, công chúng thường có xu hướng “mặc định tin tưởng” vào những lời giới thiệu của người nổi tiếng. Khi một người nổi tiếng giới thiệu một sản phẩm, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe hoặc sắc đẹp, người tiêu dùng thường coi đó là một lời khuyên đáng tin cậy. Điều này đặt ra một yêu cầu đạo đức rất cao đối với người nổi tiếng, họ không được vì lợi nhuận cá nhân mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra cho người tiêu dùng.
Không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng xứng đáng được quảng cáo, người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận lời quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó. Các tiêu chí cân nhắc có thể bao gồm, sản phẩm có an toàn cho người sử dụng không, đã được kiểm định chất lượng đầy đủ chưa, nguồn gốc xuất xứ có minh bạch và rõ ràng không?
“Để đảm bảo trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp, người nổi tiếng cần tuân thủ nguyên tắc “biết - kiểm chứng - chịu trách nhiệm”. Họ cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, kiểm chứng các tuyên bố quảng cáo trước khi phát ngôn và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những lời nói công khai của mình”, ông Liêm nói.