Nhóm sinh viên trường ĐH An ninh giành giải Nhất Euréka 2024, với nghiên cứu về nhận diện quan điểm sai trái trên TikTok

Dự án 'Nghiên cứu nhận thức của sinh viên ĐHQG TP. HCM trong nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội TikTok' của nhóm sinh viên trường ĐH An ninh nhân dân đã mang đến góc nhìn mới mẻ về cách giới trẻ tiếp cận thông tin và tầm quan trọng của an ninh tư tưởng trên không gian mạng. Dự án đoạt giải Nhất tại cuộc thi Euréka 2024, lĩnh vực Khoa học Xã hội.

Khởi nguồn từ sự gần gũi với đời sống sinh viên

Nhóm sinh viên thực hiện dự án gồm: Huỳnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thanh Liêm, Lâm Thùy Dung, Nguyễn Quốc Ý và Quách Cao Lộc.

Ý tưởng thực hiện đề tài bắt nguồn từ chính trải nghiệm của nhóm – những sinh viên đang học tập trong môi trường đại học, thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội.

Tuấn Khanh, chia sẻ: “Với việc chưa có cơ chế quản lý, kiểm duyệt các thông tin đăng tải, TikTok đã trở thành môi trường thuận lợi cho việc lan truyền các quan điểm sai trái, thù địch, qua nhiều hình thức. Các video mang nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; lan truyền tin giả, tin sai sự thật… đều là những nội dung có thể dễ dàng tìm thấy trên TikTok".

Các thành viên nhóm nghiên cứu.

Các thành viên nhóm nghiên cứu.

Nhóm quyết định nghiên cứu trên nền tảng TikTok thay vì các nền tảng khác như Facebook hay Instagram, bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của TikTok trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Với hình thức video ngắn, nội dung cuốn hút, TikTok thu hút lượng lớn người dùng trẻ, nhưng cũng trở thành môi trường dễ dàng lan truyền thông tin sai trái, thù địch.

Thực trạng quan điểm sai trái trên TikTok

Thông qua khảo sát 1.896 sinh viên thuộc ĐHQG TP. HCM, nhóm ghi nhận rằng, 87,5% sinh viên sử dụng TikTok thường xuyên, trong đó không ít người từng tiếp xúc với các nội dung sai trái. Đáng mừng là phần lớn sinh viên đã có khả năng nhận diện và phân loại thông tin độc hại, nhưng vẫn có những trường hợp do thiếu cảnh giác mà bị ảnh hưởng.

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm áp dụng quy trình bài bản, gồm các bước nghiên cứu sự đặc trưng của mạng xã hội TikTok, nghiên cứu sự phổ biến của mạng xã hội này, đánh giá mức độ được sử dụng của TikTok thông qua các bạn sinh viên, lập biểu mẫu câu hỏi để khảo sát.

Dự án của nhóm đoạt giải Nhất tại cuộc thi Euréka 2024, lĩnh vực Khoa học Xã hội.

Dự án của nhóm đoạt giải Nhất tại cuộc thi Euréka 2024, lĩnh vực Khoa học Xã hội.

“Việc thực hiện các phiếu khảo sát của các bạn là hoàn toàn khách quan, nhóm tác giả tôn trọng ý kiến của các bạn và phản ánh đúng các thông tin từ khảo sát thu được để đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên”, Quốc Ý (thành viên nhóm) cho biết về độ chính xác của việc lấy ý kiến, phản ánh thực trạng.

Kết quả nghiên cứu không chỉ cung cấp cái nhìn toàn diện về thói quen sử dụng mạng xã hội của sinh viên, mà còn làm sáng tỏ mức độ ảnh hưởng của các nội dung sai trái trên TikTok đối với tư duy, hành động của giới trẻ.

Thách thức và bài học từ hành trình nghiên cứu

Nhóm cho biết, quá trình nghiên cứu không hề suôn sẻ. Khó khăn lớn nhất của nhóm là đảm bảo số lượng và chất lượng phiếu khảo sát, đặc biệt khi các thành viên đang thực tập tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết và nỗ lực vượt khó, nhóm đã hoàn thành khảo sát trong 5 tháng, thu thập dữ liệu đủ để đưa ra những kết luận khách quan.

“Các thành viên trong nhóm đều ở xa nhau, do có 3 thành viên trong nhóm đang thực tập tại các tỉnh. Đây là khó khăn đối với nhóm nhưng cũng là kỷ niệm đáng nhớ vì nhóm đã cố gắng vượt qua được khó khăn về khoảng cách địa lý để có thể hoàn thành tốt nhất đề tài”, Thùy Dung (thành viên của nhóm) cho biết thêm.

Việc nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên là một trong những điều mà nhóm tác giả mong muốn hướng tới. Ngoài việc phản ánh thực trạng, nhóm cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ trên TikTok.

Nhóm dự định mở rộng nghiên cứu sang các nền tảng mạng xã hội khác, hoặc đối tượng ngoài sinh viên, đồng thời hoàn thiện đề tài dựa trên góp ý từ ban giám khảo và giảng viên hướng dẫn cuộc thi Euréka 2024.

“Qua thực hiện nghiên cứu, chúng mình không thể phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại, nhưng đây cũng là môi trường với rất nhiều thông tin thật giả, đúng sai lẫn lộn. Cũng không ít trường hợp vì không phân biệt được thông tin thật giả mà để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo và sáng suốt để có thể sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh” Thanh Liêm (thành viên nhóm) nói.

Đối với nhóm, giải thưởng Euréka 2024 không chỉ là một cuộc thi, mà đây còn là điểm khởi đầu cho những hành trình mới, với mục tiêu không ngừng lan tỏa giá trị khoa học và đóng góp tích cực cho xã hội.

Ngọc Ánh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhom-sinh-vien-truong-dh-an-ninh-gianh-giai-nhat-eureka-2024-voi-nghien-cuu-ve-nhan-dien-quan-diem-sai-trai-tren-tiktok-post1709638.tpo