Nhóm sinh viên và dự án NIION giúp biến vỏ tỏi thành sản phẩm hữu ích
Vỏ tỏi không thể chôn lấp vì có chất kháng sinh tự nhiên, khi gặp kim loại nặng dưới đất sẽ không tốt cho môi trường, nhóm sinh viên đã nghiên cứu xử lý, biến vỏ tỏi thành chất đốt xua đuổi côn trùng.

Viên nén sinh khối được làm từ vỏ tỏi. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Với mong muốn tận dụng và biến vỏ tỏi bị bỏ đi sau khi sơ chế nông sản thành sản phẩm hữu ích, nhóm sinh viên đến từ nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau thực hiện dự án NIION - Viên nén sinh khối từ vỏ tỏi.
Dự án sẽ tranh tài ở Vòng chung kết cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 4 tới đây.
Chia sẻ về xuất phát của ý tưởng này, em Đinh Văn Nam, sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (Trưởng nhóm) cho biết xưởng sơ chế nông sản của gia đình em mỗi ngày thải ra khoảng một tấn vỏ tỏi nhưng không thể chôn lấp do có chất kháng sinh tự nhiên (khi gặp các kim loại nặng dưới đất sẽ không tốt cho môi trường).
Để xử lý lượng phế phẩm này, mỗi tháng gia đình Nam tốn khoảng 30 triệu đồng. Giảm chi phí cho việc xử lý, đồng thời tận dụng nguồn phế phẩm này là mối băn khoăn của Nam suốt nhiều năm.
Thời điểm sau bão số 3 (Yagi) vào nước ta, dịch sốt xuất huyết ở một số địa phương tăng mạnh khiến Nam nghĩ đến việc sử dụng vỏ tỏi như một giải pháp đuổi muỗi hiệu quả.
Cụ thể, hợp chất allicin có trong vỏ tỏi có khả năng đuổi các loại côn trùng lại không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Từ ý tưởng này, Nam nghiên cứu thêm và thấy rằng cấu tạo của vỏ tỏi giống giấy nhưng thô hơn, khi đốt lại không tạo ra nhiều khí CO2. Nếu làm vỏ tỏi thành chất đốt có thể sẽ giải quyết được nhiều bài toán như xử lý và tận dụng được phế phẩm từ sơ chế nông sản, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời có được những sản phẩm hữu ích, mang lại giá trị kinh tế.
Vốn là sinh viên ngành Công nghệ tài chính không chuyên sâu về lĩnh vực hóa học, Nam tìm kiếm thêm đồng đội ở cùng trường và các khác có chuyên môn về hóa, kỹ thuật để cùng hiện thực hóa ý tưởng đó thành sản phẩm cụ thể.
Quá trình thực hiện dự án này, nhóm sinh viên có sự hỗ trợ về chuyên môn, phòng thí nghiệm từ Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Về quy trình thực hiện sản phẩm viên nén sinh khối, Nam cho biết, vỏ tỏi sau khi được làm sạch, phơi khô sẽ được nén lại và kết dính với nhau bằng sáp đậu nành và thêm tinh dầu để tạo mùi hương, tùy theo dòng sản phẩm.

Nhóm sinh viên trao đổi để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)