Nhộn nhịp công trường cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đang bước vào cao điểm thi công, nhưng rất nhiều đoạn tại Quảng Trị, Quảng Bình bị vướng mặt bằng.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 20/4, ngay bên đoạn Km1075 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông vào, công trường dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ rộn vang tiếng máy.
Tại đây, những móng trụ đầu tiên thuộc công trình nút giao tuyến cao tốc với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đã hình thành. Cách đó một đoạn, trạm trộn bê tông tại bãi đúc dầm cùng đội ngũ nhân công đang tất bật làm việc.
Nhộn nhịp thi công, lo mặt bằng cản tiến độ
Trên tuyến cao tốc từ khu vực cuối Gio Linh - đầu Cam Lộ này vào phía Nam hơn cây số, hàng chục đầu thiết bị đang tất bật múc, vận chuyển đất đắp trên đoạn tuyến.
Tại đây, cùng với xe múc xúc san gạt, hơn 10 xe lu đang “dàn trận” làm việc. Cạnh đó, hơn chục cán bộ, công nhân mướt mồ hôi bên chiếc xe phun bê tông đang vươn cần lên cao, tiếp nhận những mẻ bê tông từ xe bồn chở vào thi công cống hộp lớn.
Đáng chú ý, từ đoạn đầu huyện Cam Lộ đang thi công trên vào phía Nam, nhiều đoạn chưa được địa phương bàn giao mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ”.
Từ đoạn đang thi công trên đi ra phía Bắc, tuyến cao tốc đoạn cuối huyện Gio Linh cũng đang vướng mặt bằng đoạn qua khu vực nhà dân. Tiếp đó, đoạn qua diện tích trồng cây cao su mới được cưa hạ cây, nhà thầu đang bóc phong hóa và đào đắp, lu lèn nền đường.
Theo đại diện nhà thầu thi công (Công ty CP Giao thông Xây dựng số 1), ngay phía Nam đoạn tuyến đang thi công đầu huyện Cam Lộ trên, mặt bằng còn vướng một số ngôi mộ cùng diện tích cây tràm và cao su xen kẽ của người dân.
“Hiện tại, với mặt bằng được bàn giao, đơn vị đã bố trí 3 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cống hộp và hầm chui dân sinh”- đại diện nhà thầu thi công nói và cho biết, trên chiều dài 10,3km đơn vị này thi công hiện nay mới được bàn giao mặt bằng khoảng 6,5km.
“Số mặt bằng còn lại vướng nhất đoạn qua xã Cam Thủy và Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, trong đó ngoài đoạn tuyến qua đất nông nghiệp cần khối lượng đắp lớn, đoạn còn lại liên quan đến các hộ tái định cư (TĐC). Chúng tôi lập tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết theo kế hoạch đến tháng 6/2023 được bàn giao xong mặt bằng sạch, còn nếu chưa có sẽ ảnh hưởng tiến độ của đơn vị cũng như dự án”, nhà thầu cho hay.
Đây cũng đang là tình trạng chung của nhiều nhà thầu thi công dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ hiện nay. Đơn cử, cũng tại huyện Gio Linh, ngay bên tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông lên xã Hải Thái, phía Nam tuyến đường này không khí công trường dự án cao tốc sôi động, còn ở phía Nam đang “nghẽn” mặt bằng liên quan các nhà dân diện TĐC.
Từ đoạn này ở Gio Linh ra đến đầu gói thầu XL02 dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh) cũng còn rất nhiều đoạn chưa được bàn giao mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ”.
Gói thầu XL02 (Km 708+350- Km 740+884) do liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 thi công.
Ông Thái Anh Giang, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02, thuộc nhà thầu Trường Thịnh cho biết, hiện nay đơn vị này đã huy động nhân lực, máy móc thiết bị tổ chức nhiều mũi thi công đảm bảo theo tiến độ của chủ đầu tư. Đại diện nhà thầu này cũng lo lắng nếu những khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, mỏ vật liệu không được tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới tiến độ.
Công tác GPMB, TĐC còn chậm
Đáng chú ý, không chỉ gói thầu XL02 tại Quảng Trị, tại gói thầu XL01 (Km 675+400 - Km 708+350) dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tại Quảng Bình cũng còn rất nhiều đoạn vướng mặt bằng, nhất là đoạn từ cuối gói thầu XL01 ra đến phía Bắc hồ thủy lợi An Mã (huyện Lệ Thủy)...
Tại đây, tiếp giáp đoạn dài gần 1km nhà thầu đang thi công vào phía Nam vẫn còn là diện tích trồng tràm bạt ngàn. Đoạn phía Nam hồ thủy lợi An Mã đang bị người dân cản trở không cho thi công và rào lại.
Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 -2025. Dự án có tổng chiều dài 65,5km, trong đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài khoảng 32,95km (huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy), đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 32,53km (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ).
Theo đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đối với đoạn qua tỉnh Quảng Trị, hiện nay địa phương đã bàn giao mặt bằng 23,64/32,5km, đạt 72,7% (trong đó mặt bằng sạch 18,53/32,5km), hiện các nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 17,3/32,5km.
Đoạn qua tỉnh Quảng Bình đã bàn giao 21,4/32,95km (đạt 64,9%), tuy nhiên các vị trí được bàn giao không liên tục và vẫn bị vướng “xôi đỗ” (trên 19 đoạn, trong đó 5 vị trí chưa có đường tiếp cận thi công)...
Đối với phần còn lại chưa bàn giao mặt bằng, đoạn qua tỉnh Quảng Trị (8,86km) và đoạn qua tỉnh Quảng Bình (11,55km), chủ yếu liên quan đến các hộ dân TĐC, công trình hạ tầng kỹ thuật.
Liên quan công tác GPMB cũng như công tác triển khai phê duyệt các khu TĐC, lập hồ sơ thiết kế di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, Ban đã đề nghị UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao số mặt bằng còn lại, ưu tiên GPMB các đoạn tuyến, các cầu mà Ban đã cùng địa phương đi kiểm tra hiện trường...
Bên cạnh đó, đối với 8,75km qua huyện Lệ Thủy, địa phương đã bàn giao mặt bằng năm 2022, nhưng qua tìm hiểu, hiện người dân vẫn chưa nhận tiền; một số vị trí tại Quảng Trị (mố M2 cầu Bến Cát, mố M2 cầu Bến Quan...) địa phương cũng đã bàn giao, nhưng người dân chưa nhận tiền.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng GPMB các huyện Lệ Thủy, Vĩnh Linh, Gio Linh khẩn trương vận động, tháo gỡ các vướng mắc (nếu có) để người dân sớm đồng thuận bàn giao mặt bằng sạch.
Đối với khoảng 9,51km là đất rừng, đất sản xuất không liên quan đến tiến độ TĐC (khoảng 7,15km thuộc các xã Kim Thủy, Phú Thủy, Trường Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) và khoảng 2,36km thuộc các xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Gio An, Linh Trường, Hải Thái (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh), Ban QLDA đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Hội đồng GPMB các huyện khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng trong tháng 4/2023.
“Hiện nay, nút thắt của công tác GPMB phụ thuộc rất nhiều về công tác xây dựng các khu tái định cư. Thời gian thực hiện bàn giao mặt bằng toàn bộ theo Nghị quyết 18 còn khoảng hơn 2 tháng, trong khi các công việc còn lại rất nhiều, có nguy cơ không đảm bảo tiến độ”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.
>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: