Nhộn nhịp dòng vốn nước ngoài: Đẩy mạnh 'chọn vốn', hấp thụ công nghệ

Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam nâng tầm giá trị đầu tư, chủ động chọn lọc nhà đầu tư chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng dài hạn.

Nhiều tỷ USD đầu tư vào Việt Nam

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã thu hút hơn 21,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2024. Vốn giải ngân cũng đạt mức 10,3 tỷ USD, cho thấy các dự án không dừng lại ở lời hứa mà đang nhanh chóng hiện thực hóa. Lĩnh vực sản xuất chế biến chiếm ưu thế, khẳng định sức hút của Việt Nam trong khu vực.

 Công nhân làm việc tại Nhà máy Datalogic Việt Nam - doanh nghiệp FDI, chuyên sản xuất máy quét mã vạch và thiết bị cảm biến trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công nhân làm việc tại Nhà máy Datalogic Việt Nam - doanh nghiệp FDI, chuyên sản xuất máy quét mã vạch và thiết bị cảm biến trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Điểm lại danh sách có thể thấy nhiều “ông lớn” đã chọn Việt Nam làm cứ điểm chiến lược. Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola đưa vào hoạt động nhà máy hiện đại tại Tây Ninh trị giá 136 triệu USD, nổi bật với công nghệ xanh đạt chuẩn LEED Gold và công suất 1 tỷ lít/năm. Tập đoàn Unilever mạnh tay bổ sung 109 triệu USD mở rộng nhà máy tại TPHCM để tự chủ nguyên liệu và tối ưu chuỗi cung ứng.

Tập đoàn LEGO khánh thành tổ hợp sản xuất trị giá 1,3 tỷ USD ở Bình Dương (nay là TPHCM), dự án đồ chơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trước đó, trong cuộc đua mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam còn có một nhà đầu tư lớn khác là Tập đoàn Nestlé. Tập đoàn này đã đầu tư thêm 75 triệu USD vào nhà máy Tri An, nâng tổng vốn tại Việt Nam lên hơn 900 triệu USD…

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 09/2023 là một cú hích quan trọng để nhà đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất, đặc biệt với các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào chạm được nguồn vốn này vì các cơ quan chức năng chưa hoàn tất các thủ tục để triển khai gói hỗ trợ.

Nhận định về vấn đề này, ông Park Hee Sung, đại diện Kumho Tire Việt Nam, nói: “TPHCM đã tạo ra không gian phát triển công nghiệp và logistics tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, môi trường hành chính thân thiện, hỗ trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp mới là yếu tố thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI”. Đây cũng là tiếng nói chung của cộng đồng FDI, đánh giá cao những cải thiện về thủ tục hành chính, nhưng vẫn kỳ vọng chính quyền tiếp tục tinh gọn hơn nữa để đuổi kịp chuẩn mực quốc tế. Những con số ấn tượng và phản hồi tích cực từ nhà đầu tư càng củng cố nhận định Việt Nam đang đứng trước giai đoạn “vàng” để khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hỗ trợ kịp thời, nâng cao giá trị dòng vốn

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh sự gia tăng vốn FDI ồ ạt thì cần đi kèm chiến lược chọn lọc “khôn ngoan”. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khuyến nghị: “Đây là giai đoạn bản lề để tái cấu trúc công nghiệp theo hướng xanh - thông minh. Việt Nam không chỉ cần vốn mà cần cả công nghệ, quản trị tiên tiến, để tránh rơi vào vòng xoáy gia công giá rẻ”.

 Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cát Thái gia công chi tiết phụ trợ tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cát Thái gia công chi tiết phụ trợ tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Tiếp mạch tư duy này, ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương, chia sẻ: “Nếu chỉ trông vào FDI mà doanh nghiệp Việt không tham gia được vào chuỗi cung ứng thì giá trị gia tăng hạn chế. TPHCM cần khẩn trương thành lập quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ và các khu công nghiệp chuyên ngành để giúp doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị”. Đồng thời, để tạo sức bật cho các dự án, Việt Nam cần đẩy mạnh các chính sách tín dụng xanh và hỗ trợ lãi suất.

Nhìn ở góc độ khác, dòng vốn FDI đã góp phần tạo ra hàng triệu việc làm, nhưng Việt Nam cần một hệ sinh thái, chính sách đủ mạnh để “hấp thụ” công nghệ và biến FDI thành chất xúc tác nâng tầm doanh nghiệp nội. TS Nguyễn Thanh Trọng, Đại học Quốc tế Miền Đông, đề xuất: “TPHCM mới có cơ hội tái định hình không gian công nghiệp. Việc di dời các khu công nghiệp cũ và phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, xanh và thông minh sẽ giúp thành phố trở thành trung tâm sản xuất bền vững và giảm tải áp lực hạ tầng đô thị”.

Song song với đó, bài toán nguồn nhân lực cũng cần được đặt lên hàng đầu. Trong kỷ nguyên sản xuất thông minh, Việt Nam cần tập trung đào tạo lao động kỹ thuật cao để vận hành máy móc tự động hóa, xử lý dữ liệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình đào tạo “3 bên” - doanh nghiệp đặt hàng, trường nghề triển khai, chính quyền đồng tài trợ, được kỳ vọng rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo ra đội ngũ lao động chất lượng, sẵn sàng cho các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước làn sóng FDI lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Để biến cơ hội thành lợi thế cạnh tranh dài hạn, chúng ta cần chuyển từ “đón vốn” sang “chọn vốn”, ưu tiên những dự án gắn với đổi mới công nghệ, phát triển bền vững, đặc biệt là tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng nội địa phát triển mạnh. Cùng với đó là việc cải cách thủ tục hành chính sâu rộng, nâng cấp hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi những yếu tố này được hình thành đồng bộ, Việt Nam mới thực sự tận dụng được “thời cơ vàng” để bứt phá phát triển công nghiệp, công nghệ.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhon-nhip-dong-von-nuoc-ngoai-day-manh-chon-von-hap-thu-cong-nghe-post805149.html