Nhộn nhịp mua bán đề thi, sáng kiến kinh nghiệm
Nếu như trước đây, giáo viên phải đầu tư công sức, thời gian để có sáng kiến kinh nghiệm hoặc một bộ đề thi cho học sinh thì nay những việc đó hoàn toàn có thể mua bán.
Nhiều giáo viên, nhất là khối tiểu học, đang loan truyền hiện nay việc thiết kế một bộ đề thi kiểm tra học kỳ theo ma trận với đa dạng câu hỏi hoặc viết một sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) không còn vất vả như xưa, chỉ cần muốn là có thể mua được.
Tấp nập mua bán
"Nhóm mình ai có SKKN lớp 4 trao đổi hoặc bán lại không?", "Ai có bộ đề ôn tập, kiểm tra cuối kỳ I và II hai môn toán, tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới ở tất cả các bộ sách, cho em xin với ạ, nếu không thì bán cho em cũng được", "Bên mình có biện pháp thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm và phương pháp trình chiếu, có tính phí, ai cần thì nhắn nhé"… Đó là một vài trong số rất nhiều lời rao bán, chào mời của giáo viên trên một diễn đàn với hơn 200.000 thành viên, chủ yếu là giáo viên tiểu học trên khắp cả nước.
Trên một diễn đàn về giáo dục, trong vai một giáo viên đang dạy tiểu học, chúng tôi đặt vấn đề muốn mua một bộ đề ôn kiểm tra học kỳ I và cuối năm lớp 2 của 2 môn toán và tiếng Việt lớp 3.
Chúng tôi lập tức nhận được nhiều phản hồi của những giáo viên khác trong nhóm, trong đó đa số cho biết có bộ đề đáp ứng như yêu cầu với các mức giá khác nhau. Một người dùng có tên T.H cho biết mình có kinh nghiệm nhiều năm thiết kế bộ đề kiểm tra ở tất cả khối lớp, nên giá rẻ nhất là 300.000 đồng/bộ đề. Người này cũng cam kết các câu hỏi kiểm tra phong phú, bảo đảm theo yêu cầu của chương trình.
Những lời mua bán đề thi, sáng kiến kinh nghiệm công khai trên các hội, nhóm của giáo viên
Trên diễn đàn "Chúng tôi là giáo viên...", một diễn đàn lớn của cộng đồng giáo viên, việc mua bán, trao đổi càng tấp nập hơn, nhất là trước mỗi dịp kiểm tra học kỳ.
Những lời chào mời như "bộ đề cuối kỳ lớp 1 theo 5 bộ SGK mới chuẩn Thông tư 27 kèm ma trận toán, tiếng Việt các lớp 2, 3, 4, 5 file word đã hoàn thiện, ai cần thì nhắn"… lập tức được nhiều thành viên khác tấp nập nhắn mua. Thậm chí có giáo viên còn so sánh giá của người này với người kia là đắt hay rẻ.
Trao đổi với một giáo viên tên Ng.Th., đang giảng dạy tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, giáo viên này cho biết hiện nay để thiết kế một bộ đề ôn tập, kiểm tra dù không khó nhưng tốn nhiều thời gian. Lý do, theo giáo viên này, vì phần lớn giáo viên chưa quen với ma trận đề thi, vốn được thiết kế theo các yêu cầu căn bản như từ mức độ nhận biết, hiểu biết, vận dụng… Giáo viên dựa vào đó để thiết kế nhưng theo nguyên tắc mỗi người phải làm nhiều bộ đề để gửi về tổ trưởng chuyên môn, vì vậy rất mất thời gian. "Chính vì thế, nhiều người chọn cách mua cho nhanh. Những bộ đề mua thường không bị trùng lặp, nguồn câu hỏi đa dạng, phong phú" - giáo viên này cho biết.
Cần chế tài với những giáo viên lười sáng tạo
Ông Trần Trọng Khiêm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, TP.HCM, phụ trách giáo dục tiểu học - cho biết hiện nay theo nguyên tắc, mỗi GV sẽ ra một bộ đề kiểm tra, sau đó gửi cho ban giám hiệu, ban giám hiệu mỗi trường sẽ chịu trách nhiệm chọn ra một đề hợp lý nhất để kiểm tra chung cho toàn khối và một đề dự phòng.
Nguyên tắc của ra đề là làm sao đánh giá được khả năng, trình độ của học sinh chứ không phải là đề thi hay hoặc dở. Giáo viên cũng có ngân hàng đề thi để tham khảo trước khi làm đề. Nói về tình trạng mua bán đề thi, SKKN tràn lan trên mạng, ông Khiêm cho rằng những thông tin trên mạng giáo viên cần phải tỉnh táo. Cũng theo ông Khiêm, có thể hiện nay, một số người chưa quen với ma trận ra đề thi theo các yêu cầu nên lúng túng.
Trong khi đó, theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, tình trạng mua bán, trao đổi đề thi của giáo viên là thể hiện tình trạng đối phó, những đề thi như vậy thường không có tác dụng gì cho học sinh, cũng không mang tính thời sự, sáng tạo.
Ở một góc độ khác, đó là tình trạng giáo viên không có năng lực, chuyên môn, kỹ năng ra đề còn kém. Là admin của 3 diễn đàn về giáo dục lớn nhất cả nước, bà Quyên cho rằng có một bộ phận giáo viên rất lười suy nghĩ và không có tư duy phản biện.
Chính vì vậy, khi những thành viên nào đăng bài dạng trao đổi, mua bán các ý tưởng, phương pháp giảng dạy hoặc xin, cho vấn đề gì… thì sẽ không duyệt đăng, mục đích là để giáo viên phải có thói quen tự tìm tòi, sáng tạo. Nếu sáng tạo đó chưa hoàn thiện thì cũng là công sức của bản thân giáo viên đó.
"Nhà trường cần có chế tài nếu phát hiện giáo viên nào mua bán đề thi, SKKN mà bản thân không tự nỗ lực" - bà Quyên nói.
Đặng Trinh / Người Lao Động
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhon-nhip-mua-ban-de-thi-sang-kien-kinh-nghiem-post1166635.html