Nhộn nhịp mua bán nợ xấu

Thị trường mua bán nợ xấu trong nước đã sôi động hơn rất nhiều từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Lũy kế số mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đến tháng 8 của VAMC đạt 329.007 tỷ đồng.

Cùng với việc thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, hoạt động bán nguyên cả khoản nợ cũng được các ngân hàng đẩy mạnh gần đây. Hàng loạt khoản nợ với dư nợ gốc và lãi lên tới vài trăm tỷ đồng nhưng được ngân hàng rao bán thanh lý với giá thấp hơn nhiều. Đặc biệt, các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo đi kèm với giá trị tương đương.

Trong tháng 9, BIDV liên tục mang nhiều khoản nợ giá trị lớn ra đấu giá, một số trong đó đã được rao bán đến lần thứ 9.

Ngân hàng ồ ạt bán nợ

Cụ thể, nhà băng này đang rao bán khoản nợ của CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn với dư nợ gốc và lãi phát sinh đến nay là 246 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản bảo đảm gồm 2 nhà đất tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng toàn bộ vốn góp và quyền lợi phát sinh của Nam Sơn tại CTCP Đầu tư và kinh doanh thép Hưng Yên.

Quyền phát triển và kinh doanh Dự án khu dân cư đô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do Nam Sơn làm chủ đầu tư cũng được dùng làm tài sản thế chấp. Ngoài ra còn có 2 căn chung cư tại khu nhà ở Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội và 2 nhà đất số 194, 311 đường Phúc Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Giá khởi điểm cho khoản nợ này là 161 tỷ đồng, tương đương 65% dư nợ gốc và lãi.

Chi nhánh Bắc An Giang của BIDV mới đây cũng lần thứ 9 rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý với số dư nợ gốc và lãi đến hết ngày 28/11/2019 là 1.153 tỷ đồng.

Khoản nợ có tài sản bảo đảm gồm gần 95.000 m2 đất tại Khu đô thị mới Thành phố lễ hội thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Giá khởi điểm của khoản nợ này là hơn 616 tỷ đồng, tương đương 53% dư nợ gốc và lãi.

 Trung tâm tiệc cưới Crystal Palace là tài sản bảo đảm trong khoản nợ đang được BIDV rao bán. Ảnh: K.H.

Trung tâm tiệc cưới Crystal Palace là tài sản bảo đảm trong khoản nợ đang được BIDV rao bán. Ảnh: K.H.

Ngoài ra, BIDV cũng đang bán khoản nợ 439 tỷ đồng của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam vay tại Chi nhánh Hàm Nghi. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng 8.146 m2 đất tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, giá khởi điểm cũng thấp hơn 16% so với dư nợ gốc và lãi, ở mức 369 tỷ đồng.

Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Tiên Sơn mới thông báo có nhu cầu xử lý toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Thành Thịnh với tổng dư nợ đến 28/9 là gần 42 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ có tài sản bảo đảm là các bất động sản và dây chuyền máy móc thiết bị đi kèm tại xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Trong khi đó, cả Vietcombank, Sacombank, SHB, SCB… đều đang có nhiều khoản nợ rao bán với giá trị từ vài chục tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng.

Lý do thị trường mua bán nợ sôi động

Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam đã sôi động hơn nhiều kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017).

"Nghị quyết này giải quyết được bài toán khó, là khẳng định quyền chủ nợ của VAMC cũng như các ngân hàng trong hoạt động thu hồi nợ". Theo ông Nam, đây là yếu tố giúp nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng, khuyến khích ngân hàng mua bán nợ và tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

 Ông Đỗ Giang Nam (giữa), Phó giám đốc VAMC. Ảnh: Kỳ Anh.

Ông Đỗ Giang Nam (giữa), Phó giám đốc VAMC. Ảnh: Kỳ Anh.

Riêng tại VAMC, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tại đây từ năm 2013 đến tháng 8 năm nay đã đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ tại VAMC sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực cũng cải thiện đáng kể với số thu hồi từ 15/8/2017 đến 31/8/2020 đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước (từ 2013 đến 14/8/2017). Đặc biệt, đơn vị này đã thu giữ thành công một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Ông Nam nói thêm, không riêng hoạt động của VAMC mà doanh số của các công ty mua bán nợ khác trên thị tường cũng sôi nổi hơn nhiều trong những năm gần đây.

Vị lãnh đạo Công ty quản lý tài sản các TCTD cũng cho biết để phát triển thị trường mua bán nợ, VAMC dự kiến xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC để quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm giữa các công ty, nhà đầu tư trên thị trường.

Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết ngân hàng này cũng đang tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu bao gồm đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm…

Tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, VietinBank đã xử lý thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng dư nợ được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng cho rằng quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản bảo đảm nói riêng hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý. Đặc biệt, tiến độ xử lý, thu hồi nợ qua cơ quan Tòa án và Thi hành án còn rất chậm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch thu hồi cũng như xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhon-nhip-mua-ban-no-xau-post1136745.html