Nhộn nhịp mùa hồng D'Ran
Từ trung tâm Đà Lạt theo Quốc lộ 27, chúng tôi xuôi về hướng Trại Mát để đến với Thị trấn D'Ran, nơi được mệnh danh thủ phủ hồng của huyện Đơn Dương. Những ngày này, nông dân nơi đây bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính của cây hồng vuông đồng.
Trên những vườn hồng lúc nào cũng rộn tiếng nói cười của nông dân khi giá hồng vuông đồng ở mức cao. Với mỗi hecta chuyên canh hồng vuông, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/vụ.
Anh Lê Trần Phúc Cương, người làm vườn tại Thị trấn D’Ran cho biết, giá hồng vuông đồng được thương lái thu mua hiện ở mức 20.000-25.000 đồng/kg. Càng về cuối vụ, giá có thể cao hơn. Đây là loại cây dễ trồng, năng suất và lợi nhuận cao.
Theo anh Cương, tuy diện tích cây hồng trên địa bàn có xu hướng giảm nhưng diện tích canh tác hồng vuông vẫn được nông dân duy trì ổn định. Bởi đây là loại cho hiệu quả kinh tế rất cao. Riêng trong vườn của anh, cây hồng nào cũng sai trái, mỗi cây cho thu từ 100-150kg trái/vụ. Có nhiều canh bị gãy cành do sức nặng của quả. Việc trồng và chăm sóc cây hồng vuông đồng không tốn nhiều công sức. Sau khi thu hết trái, người dân tập trung vào cắt tỉa cành, tưới nước, bón phân... sau đó chờ cây sinh trưởng và cho trái ở vụ tiếp theo.
Cũng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân Thị trấn D’Ran cho biết, gia đình ông đang chuyên canh 3 sào hồng vuông đồng. Mùa vụ năm 2018 thu hoạch hơn 10 tấn trái. “Hồng sau khi được thu hái sẽ có thương lái vào tận vườn thu mua. Nhà nào không có nhân công thu hái thì có thể khoán luôn cả vườn cho thương lái. Năm nay gia đình tôi thu về khoảng 11 tấn, trừ chi phí cũng lãi được gần 100 triệu đồng" - ông Thanh cho hay.
Theo ông Thanh, cây hồng D’Ran có nhiều loại, từ hồng vuông, hồng trứng, hồng lửa,… trong đó chia ra các nhóm nhỏ, thường được đặt tên theo người đem giống về ghép. Đầu mùa vào trước trung thu có hồng Chín Nên, tiếp sau đó có Quế Hương, trứng lửa, Tư Khiết, trứng đá (hồng giòn). Muộn nhất và cũng có giá cao nhất là hồng vuông đồng, loại dùng sấy hoặc ăn chín và thường dùng giữ cho mùa Tết.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, địa phương có khoảng 1.000 ha cây hồng các loại, gồm cả trồng xen và chuyên canh. Thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm từ hồng nhưng không phát triển thêm diện tích.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/nhon-nhip-mua-hong-dran-2973709/