NHTW Úc và New Zealand có thể thực thi chính sách cực đoan
Các NHTW của Úc và New Zealand đang cân nhắc triển khai các chính sách tiền tệ cực đoan được sản sinh ra ở nhiều nền kinh tế lớn khác từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008: Các chương trình mua trái phiếu hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE) và lãi suất âm.
Trước đây, cả hai nền kinh tế này đều xem việc triển khai các chính sách cực đoan này là rất rủi ro. Tuy nhiên đã có sự thay đổi hoàn toàn trong năm nay.
Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) và Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) vẫn báo hiệu động thái lãi suất tiếp theo của họ sẽ là tăng. Thế nhưng kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh mà nguyên nhân một phần cũng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong khi triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu đã khiến Úc và New Zealand có thể cần các giải pháp kích thích mạnh hơn.
Theo đó RBA và RBNZ đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, lần lượt là 0,75% và 1%, tương đương với mức lãi suất của NHTW Mỹ và NHTW Anh vào thời điểm mà các NHTW này triển khai chương trình QE để hỗ trợ nền kinh tế của họ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Đồng thời cả RBA và RBNZ đều để ngỏ khả năng có thể cắt giảm thêm. Tuy nhiên điều đó có thể khiến dư địa chính sách càng thêm hạn hẹp để ứng phó với cú sốc bên ngoài. Vì lẽ đó, rất có thể RBA và RBNZ sẽ phải triển khai các chính sách bất thường nếu cần.
Theo đó, Philip Lowe đã vạch ra một lộ trình trong một bài phát biểu vào ngày 26/11, trong khi vẫn duy trì quan điểm là các chính sách cực đoan này là “không có khả năng” trong ngắn hạn. Bất kỳ chương trình QE nào cũng sẽ liên quan đến việc mua trái phiếu chính phủ, ông nói, và nó sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính. Ông cũng lưu ý giới hạn thấp của RBA về lãi suất là 0,25%, có nghĩa vẫn còn có thể cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa.
Thống đốc Lowe cũng nhắc lại trong bài phát biểu của mình rằng, lãi suất âm là cực kỳ khó xảy ra ở Úc và RBA không có hứng thú với việc mua hoàn toàn tài sản của khu vực tư nhân trong chương trình QE. Họ sẽ mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp.
Còn nhớ trong bài phát biểu được công bố vào tháng 9, RBA cho biết các biện pháp được sử dụng ở nơi khác bao gồm 6 loại chính: lãi suất chính sách rất thấp và thậm chí là tiêu cực; Hướng dẫn chuyển tiếp rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài; Mua trái phiếu chính phủ để giảm lãi suất dài hạn; Cung cấp nguồn vốn dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng để khuyến khích cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay; Hỗ trợ các điều kiện tài chính bằng cách mua các tài sản của khu vực tư nhân, chẳng hạn như chứng khoán được thế chấp, trái phiếu doanh nghiệp…; và can thiệp ngoại hối để giảm giá đồng nội tệ.
Trong khi đó Thống đốc RBNZ Adrian Orr có vẻ hăng hái hơn với các chính sách cực đoan, đặc biệt là sau khi gây sốc cho thị trường với việc cắt giảm lãi suất một nửa điểm phần trăm vào tháng 8. Nhưng phát biểu sau khi RBNZ bất ngờ giữ nguyên lãi suất vào ngày 13/11, Orr nói rằng ông không thấy vấn đề này (chính sách cực đoan) là khẩn cấp và RBNZ sẽ phác thảo các biện pháp vào đầu năm tới. “Chúng tôi có một menu gồm các công cụ bổ sung có thể cũng như thứ tự sắp xếp về cách thức và thời điểm chúng có thể được sử dụng”, ông nói. “Chúng tôi đang cố gắng làm điều này trong môi trường an toàn và không xem đó là nhu cầu cấp bách”.
Tuy nhiên Orr đã tập trung rất nhiều vào lãi suất âm, cho thấy chính sách này có thể là một lựa chọn của ông. Với lãi suất dưới 0 đã có ở Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Đan Mạch, Bộ Tài chính New Zealand ước tính lãi suất tại nước này có thể giảm xuống mức -0,35%.
Vậy khi nào tất cả điều này có thể bắt đầu? RBNZ cho biết họ sẽ chỉ triển khai các chính sách cực đoan khi cạn kiệt các chính sách tiêu chuẩn và lạm phát vẫn còn thấp hơn 2%. Trong khi đối với Úc, việc Chính phủ vẫn làm ngơ với những lời kêu gọi cắt giảm thuế và tăng chi tiêu để thúc đẩy kinh tế, thời điểm mà RBA phải sử dụng các chính sách cực đoan có thể đến sớm hơn. Hiện các nhà kinh tế và thị trường tiền tệ đang kỳ vọng RBA sẽ cắt giảm một lần nữa trong nửa đầu năm tới.
Tuy nhiên, Thống đốc Lowe đã nhấn mạnh rằng, chỉ khi xảy ra một cú sốc bên ngoài hoặc khi nền kinh tế trượt xa khỏi các mục tiêu việc làm và lạm phát của RBA trong trung hạn thì cơ quan này mới nghĩ tới việc triển khai các chính sách cực đoan. Trong khi hiện tăng trưởng được dự báo sẽ tăng lên 3% vào năm 2021, giúp đẩy các yếu tố đó theo hướng mà RBA muốn.
Bài phát biểu của Lowe vào ngày 26/11 đã khiến Citigroup Inc. rút lại lời kêu gọi RBA triển khai QE vào năm 2020. Nhưng Bill Evans - Nhà kinh tế trưởng của Westpac vẫn hy vọng RBA sẽ giảm lãi suất xuống còn 0,25% vào tháng 6/2020 và bắt đầu QE vào nửa cuối năm. JPMorgan Chase & Co. cũng dự đoán RBA sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn 0,25% và công bố QE trong quý IV/2020.
Trên thực tế, các chính sách tiền tệ bất thường cũng cho thấy có hiệu quả khá tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi các nền kinh tế và thị trường đang phải đối mặt với những cú sốc nghiêm trọng. Theo đó, chi phí đi vay đã được hạ xuống và điều kiện tài chính giảm bớt trong các nền kinh tế triển khai các công cụ này, mặc dù tác động giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên các chính sách này cũng có khá nhiều nhược điểm như làm méo mó thị trường trái phiếu, có thể hình thành bong bóng giá tài sản, dư địa chính sách hạn hẹp để đối phó với các cú sốc trong tương lai… Đó chính là lý do khá nhiều NHTW cân nhắc việc triển khai các chính sách này.