Như bài ca không thể nào quên
Mỗi dịp tháng Tư về, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lại nhớ về những tháng ngày trong quân ngũ, trong đó có mảnh đất Quảng Ngãi ân tình.
Người lính đặc công ở thung lũng Trà Niêu
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nay đã 71 tuổi đời, 53 tuổi Đảng. Biết chúng tôi làm báo ở Quảng Ngãi - mảnh đất đã gắn bó với ông một thời tuổi trẻ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vui vẻ đón tiếp. Trong ngôi nhà trên phố Nguyễn Trác (TP.Đà Nẵng), ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thời chiến, đặc biệt là những tháng ngày cùng đơn vị ở trong rừng già, bên bờ sông Kem thuộc miền Tây Trà Bồng. Giọng trầm ấm, truyền cảm, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể, năm 1967, khi tôi 13 tuổi, đang học lớp 7 thì ba mẹ hy sinh. Tôi nghỉ học giữa chừng và được các cô chú ở Tiểu ban Thương nghiệp Quảng Đà động viên vào làm kế toán một cửa hàng thương nghiệp. Thế nhưng, lòng căm thù giặc đã thôi thúc tôi phải vào bộ đội. Năm 14 tuổi, tôi đã trở thành chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn, đóng quân ở đặc khu Quảng Đà.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn trong một buổi nói chuyện với học sinh TP.Đà Nẵng về đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh: T.DUNG
Sau một thời gian cùng đơn vị chiến đấu, chiến trường ngày càng ác liệt, thủ trưởng đơn vị biết ông là con liệt sĩ, cả gia đình có 7 người thân đã hy sinh, muốn tạo điều kiện đưa ông ra Bắc để học tập. Chuẩn bị quân tư trang cho vào ba lô, để sáng hôm sau lên đường, nhưng phút cuối cùng ông quyết định ở lại chiến trường, xin về đơn vị cầm súng chiến đấu. Thủ trưởng đơn vị khi ấy tôn trọng quyết định của ông, nhưng khuyên ông muốn đánh trận giỏi thì phải đi học tới nơi tới chốn. Vậy là chiếc ba lô hôm trước với ý định hành quân ra Bắc, hôm sau lại theo ông vào Trường Đặc công Quân khu 5 đóng ở Trà Niêu, huyện Trà Bồng để học tập. “Trước khi tôi lên đường vào Trường Đặc công Quân khu 5, Tư lệnh Mặt trận gọi điện cho các trạm giao liên thông báo. Thế rồi, tôi một mình đi bộ từ Mặt trận 4 Quảng Đà, qua các trạm, vào đến địa phận Sông Tranh (Quảng Nam) thì tôi được chú Châu Khải Địch, người Quảng Ngãi khi ấy là Tham mưu phó Quân khu 5, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5, đón và đưa vào trường. Được sắp xếp vào học tại khoa biệt động, tôi học 9 tháng thì tốt nghiệp, sau đó được giữ ở lại trường làm giáo viên giảng dạy. Năm 1972, Trường Đặc công Quân khu 5 chuyển vào huyện An Lão, tỉnh Bình Định”, Trung tướng Tuấn nhớ lại.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (bên phải) thời trẻ cùng đồng đội. Ảnh: NVCC
Dẫu thời gian đóng quân ở Quảng Ngãi không nhiều so với 47 năm trong quân ngũ, nhưng Trung tướng Tuấn ghi nhớ mãi. “Ở Trường Đặc công Quân khu 5, tôi được học tập, phấn đấu, trưởng thành và thấm nhuần lý tưởng cách mạng, hiểu rõ tình yêu đất nước, yêu đồng bào nơi trái tim mình. Đặc biệt là được tôi rèn tính kiên trì, gan dạ, thông minh, quyết đoán của người lính biệt động thời chiến; được sống trong tình yêu thương bao la của đồng chí, đồng đội, đồng bào", vị tướng xúc động nói. Ông kể rằng, Trường Đặc công Quân khu 5 ngày ấy đóng bên dòng sông Kem, bốn mùa nước lạnh buốt như que kem vậy. Vắt núi, muỗi rừng nhiều vô kể. Ngày anh em học lý thuyết, đêm về thực hành nghiệp vụ đặc công. Đói, rét nhưng không ai nao núng, quyết tâm học tập thật tốt, nắm bắt lý thuyết vững vàng, để thực hành kỹ thuật nhuần nhuyễn, hiệu quả khi tham gia trận mạc.
Quảng Ngãi ân tình
Trong quãng thời gian hơn 3 năm ở Trường Đặc công Quân khu 5, anh lính trẻ Nguyễn Thanh Tuấn phấn đấu trưởng thành, được tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thanh niên Phân khoa Biệt động Trường Đặc công Quân khu 5 khi mới tròn 16 tuổi. Hai năm sau đó, năm 1972, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Kể từ ngày làm thủ lĩnh của đoàn, trở thành đảng viên, ông luôn ý thức phải sống, làm việc gương mẫu, đi đầu.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn với ấn phẩm Báo Quảng Ngãi. Ảnh: TN
“Tôi được giao phụ trách trung đội học viên nhà trường, làm việc gì cũng phải làm gương. Ngay cả chuyện hành quân xuống núi, về Sơn Tịnh cõng gạo lên trường cũng thế. Từ Trà Niêu, chúng tôi hành quân về Sơn Tịnh chỉ mất 3 ngày nhưng khi nhận gạo rồi, cõng ngược về trường phải mất gần 7 ngày. Con dốc Bình Minh đi cả ngày mới vượt từ chân núi bên này sang bên kia. Mỗi gùi gạo 25kg, khi cõng về đến trường chỉ còn 20kg vì 7 ngày đi đường phải lấy chính gạo trong gùi nấu ăn, nên vơi đi 5kg”, Trung tướng Tuấn kể.
Kinh qua nhiều trận mạc, được tín nhiệm giao đảm nhận nhiều trọng trách trong quân đội, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn bảo không bao giờ quên được những tháng ngày trên đất Quảng Ngãi. Ngày ấy, tuy còn trẻ nhưng ai cũng suy nghĩ chín chắn, học tập hết mình, cống hiến hết sức để sớm giải phóng quê hương. Với vai trò là thầy giáo Trường Đặc công Quân khu 5, ông đã góp sức đào tạo nhiều thế hệ học trò ưu tú, sau này trở thành cán bộ của quân đội và cán bộ chủ chốt của địa phương.
Kể về những học viên của mình, Trung tướng Tuấn ít nhắc đến những học trò thành công mà ông nhắc nhiều về những học trò đã hy sinh. “Tôi nhớ anh Mân, là học trò nhưng anh lớn hơn tôi 1 tuổi, quê ở Bình Sơn. Anh Mân vui tính, hát bài chòi rất hay. Bài anh Mân hay hát là “Bình Sơn nổi tiếng đánh Tây/ Có gan đánh Mỹ bao vây mấy lần/ Giặc đốt nhà lớn thì ta cất nhà tranh/ Giặc đốt thuyền mành thì ta sắm thúng đi câu”. Anh Mân đã hy sinh trong một trận chiến cận kề ngày giải phóng quê nhà. Tôi cũng nhớ chị Tuyết, đồng hương với anh Mân, là cán bộ rất gan dạ. Trong một lần chiến đấu, chị Tuyết đã hy sinh. Trước khi hy sinh, chị còn để lại cho anh em chúng tôi một chiếc bạt võng dù hoa, dày và rất ấm, đủ chống chọi với đêm đông giá lạnh giữa rừng già”, giọng Trung tướng chùng xuống.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn bảo rằng, tôi vẫn nhớ rõ từng khuôn mặt người Cor ở Trà Bồng mà mình đã gặp lúc cùng đồng đội cõng muối vào làng đổi củ mì làm lương thực. Và nhớ những người mẹ ở xã Phổ Cường (Đức Phổ), khi Trường Đặc công Quân khu 5 dời vào An Lão (Bình Định), nhưng các mẹ vẫn để dành gạo cho bộ đội đặc công... “Tôi luôn biết ơn tổ chức, đồng đội, đồng bào yêu nước. Lòng biết ơn ấy như bài ca không thể nào quên mà tôi sẽ mang theo bên mình suốt cuộc đời này”, Trung tướng Tuấn rưng rưng chia sẻ điều sâu thẳm từ trái tim mình.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/quan-su/202504/nhu-bai-ca-khong-the-nao-quen-c620add/