Thống Nhất – một hành trình, hai miền hội ngộ
Giữa trưa ngày 30/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt mang số hiệu SE1 và SE4 đã gặp nhau tại ga Đà Nẵng – điểm hẹn mang đậm tính biểu tượng cho hành trình nối liền hai đầu đất nước.
Đúng 19h ngày 29/4, đoàn tàu SE4 rời ga Sài Gòn. Gần hai tiếng sau, tại phía đầu đất nước, đoàn tàu SE1 lăn bánh từ ga Hà Nội vào lúc 20h55. Một hành trình hướng Bắc, một hành trình về Nam – cả hai chuyến tàu mang chủ đề “Đường sắt Thống nhất – Non sông liền một dải”, được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước.
Trưa ngày 30/4, tại ga Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam long trọng tổ chức lễ đón, tiễn gần 900 hành khách trên “Đoàn tàu Thống Nhất” trong khoảnh khắc hội ngộ thiêng liêng này, 400 hành khách xuống tàu tại ga Đà Nẵng và gần 500 hành khách lên tàu tiếp tục hành trình đến ga Hà Nội và ga Sài Gòn.

Lãnh đạo thành phố, Lãnh đạo đường sắt tặng quà cho các hành khách trên 2 chuyến tàu.
Cuộc hội ngộ thực sự là điểm giao nhau không chỉ về địa lý, mà còn về ký ức dân tộc. Trong không khí linh thiêng và xúc động, hình ảnh hai đoàn tàu Thống Nhất “hội ngộ” tại sân ga Đà Nẵng trong tiếng nhạc, múa với sự hiện diện của các nghệ sĩ, sự có mặt các cựu chiến binh, người dân và những hành khách đặc biệt như một lời khẳng định lịch sử không nằm sau lưng, mà luôn hiện hữu trong hành trình hôm nay.
Không đơn thuần là một chuyến đi, “Đoàn tàu Thống Nhất” năm nay mang theo một chương trình nghệ thuật xuyên suốt – nơi âm nhạc cách mạng, những ca khúc đi cùng năm tháng được trình diễn trực tiếp bởi đội văn nghệ xung kích đường sắt. Từ ga Huế đến Đà Nẵng trên SE1 và từ Tam Kỳ đến Đà Nẵng với SE4, tiếng hát hòa cùng tiếng bánh sắt lăn trên đường ray tạo thành một bản giao hưởng đặc biệt, gợi nhắc về những ngày khói lửa nhưng đầy hào khí.

Hành khách trên 2 chuyến tàu đặc biệt nhận hoa, quà đầy ý nghĩa.
Ông Trần Văn Thịnh, một cựu chiến binh quê ở Quảng Trị, là hành khách trên đoàn tàu SE1 xúc động chia sẻ: “Tôi từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng, giờ ngồi trên đoàn tàu mang biểu tượng Thống Nhất, đi qua những vùng đất năm xưa đạn bom cày xới mà lòng nghẹn lại. Tôi thấy mình như đang được đi lại đoạn đường lịch sử của chính đời mình”.
Không khí lễ hội tại ga Đà Nẵng được thắp lên với những hoạt động tri ân ý nghĩa như: dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Chi bộ Đề pô xe lửa, tặng quà cho người có công với cách mạng, cựu cán bộ ngành Đường sắt từng đóng góp cho kháng chiến, thả chim bồ câu biểu trưng cho khát vọng hòa bình. Đặc biệt, đúng 11h30 trưa 30/4, hành khách cùng sống lại thời khắc lịch sử qua “Bản tin chiến thắng” – một nghi thức tái hiện tinh thần vỡ òa của ngày non sông liền một dải.
Nửa thế kỷ trước, cũng chính tại những nhà ga này, đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên đã được khôi phục sau ngày đất nước thống nhất. Khi ấy, hành trình xuyên Việt kéo dài gần 80 tiếng. Ngày nay, cùng hành trình ấy chỉ còn khoảng 32 tiếng – không chỉ là bước tiến về công nghệ, mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngơi nghỉ của ngành Đường sắt Việt Nam. Một ngành từng đóng vai trò huyết mạch trong chiến tranh, giờ đây tiếp tục giữ vị trí trung tâm trong nhịp sống hòa bình, đổi mới.

Thống Nhất – một hành trình, hai miền hội ngộ, người dân, du khách hào hứng với thời khắc đoàn tàu di chuyển vào ga.
Trong những toa tàu mang sắc đỏ sao vàng, nơi từng chiếc vé như một tấm giấy thông hành vào miền ký ức, hành khách không chỉ di chuyển, mà còn sống lại lịch sử qua từng câu chuyện, từng bài hát và từng ánh nhìn. Mỗi trạm dừng là một điểm chạm cảm xúc – khi người già nhắc lại quá khứ, khi người trẻ học về hiện tại, để từ đó cùng nhau nhìn về tương lai.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, hành khách trên chuyến SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn, lần đầu cùng con trai 8 tuổi đi tàu Thống Nhất nói trong xúc động: “Tôi kể cho con nghe chuyện ông ngoại từng là thanh niên xung phong, từng đưa hàng cho bộ đội qua những chuyến tàu năm xưa. Con tôi nghe ‘Bản tin chiến thắng’ rồi nắm chặt tay tôi, bảo: Mẹ ơi, con tự hào vì được đi trên chuyến tàu lịch sử”.

Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN nhấn mạnh, đối với người dân Việt Nam thì hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất nối hai miền Nam - Bắc đã trở thành biểu tượng của hòa bình, của khát vọng độc lập dân tộc và niềm vui toàn thắng, sum họp. Đoàn tàu được trang trí riêng theo chủ đề “Đường sắt Thống nhất – Non sông liền một dải” nhằm lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hành khách đi trên “Đoàn tàu Thống Nhất” không chỉ được tặng quà lưu niệm, mà những người là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh... còn nhận thêm món quà riêng – một vé mời đi tàu trên mạng lưới ĐSVN. Cùng với đó, chính sách giảm 40% giá vé từ ngày 24/4 đến 09/5/2025 cho các đối tượng chính sách đã được triển khai. Tính đến thời điểm hiện tại, 1.049 vé đã được bán cho người có công với cách mạng, minh chứng cho sự lan tỏa của chương trình.
Trong tiếng nhạc rộn ràng, trong ánh mắt rưng rưng của những cựu binh từng trải qua cuộc chiến, trong nụ cười hân hoan của các em nhỏ lần đầu được nghe “Bản tin chiến thắng” từ chính sân ga nơi đoàn tàu dừng lại – hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất ngày nay không chỉ là phương tiện di chuyển. Đó là biểu tượng sống động của một dân tộc không quên quá khứ, càng không ngừng tiến về phía trước.
Hành trình của “Đoàn tàu Thống Nhất” không chỉ kết nối hai đầu đất nước mà còn đánh thức một tình cảm thiêng liêng- tình yêu quê hương, lòng biết ơn lịch sử và niềm tin vào tương lai. Đó cũng là thông điệp lớn nhất mà ngành Đường sắt Việt Nam mong muốn gửi gắm hãy đi cùng lịch sử, sống cùng lịch sử, để mỗi hành khách hôm nay đều là một nhân chứng sống trong bản hòa ca thống nhất.
Một số hình ảnh tại Lễ đón hai đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt mang số hiệu SE1 và SE4 gặp nhau tại ga Đà Nẵng:












Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thong-nhat-mot-hanh-trinh-hai-mien-hoi-ngo-477217.html