'Nhu cầu AI tạo sinh bùng nổ làm tăng gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương vào 2028'

Theo các nhà phân tích, công suất trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới, do việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây ngày càng nhiều.

Các nhà phân tích nói thêm rằng sự phát triển nhanh chóng của một số trung tâm dữ liệu cùng nhu cầu điện và nước tăng cao có thể khiến châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với rủi ro chuyển đổi carbon.

Rủi ro chuyển đổi carbon là những nguy cơ tiềm ẩn mà các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và các quốc gia có thể phải đối mặt khi chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon hơn. Nói một cách đơn giản, đây là những khó khăn, thách thức và những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững.

Công suất các trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hàng năm khoảng 20% đến 2028, đạt khoảng 24.800 megawatt (MW), hơn 2 lần công suất hiện tại là 10.500MW, theo báo cáo của Moody’s Ratings. Theo Moody’s Ratings, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% công suất trung tâm dữ liệu mở rộng toàn cầu trong 5 năm tới, với hơn 564 tỉ USD đầu tư.

Moody's Ratings là một trong những công ty xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Công ty này đánh giá và phân loại tín nhiệm của các tổ chức, chính phủ cùng những khoản đầu tư.

Theo S&P Global, các khoản đầu tư bùng nổ vào việc phát triển phần mềm AI tạo sinh tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trung tâm dữ liệu trong khu vực này.

S&P Global là một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, nổi tiếng với các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, chỉ số thị trường và dữ liệu kinh tế. Tương tự Moody's Ratings, S&P Global đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và đánh giá về tình hình tài chính của các doanh nghiệp, chính phủ và thị trường tài chính toàn cầu.

Melissa Incera, nhà phân tích nghiên cứu về dữ liệu, AI và phân tích tại S&P Global Market Intelligence, nói trong một hội thảo trực tuyến tuần trước: "Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất khi nói đến AI tạo sinh, thúc đẩy khoảng 63% doanh thu toàn cầu".

S&P Global Market Intelligence là bộ phận của tập đoàn S&P Global, chuyên cung cấp các dịch vụ thông tin, phân tích và dữ liệu thị trường toàn diện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức tài chính trên toàn thế giới.

Do khoản đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu địa phương ngày càng tăng, S&P Global dự kiến doanh thu từ Bắc Mỹ sẽ giảm và tăng ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương, bà Melissa Incera nói thêm.

S&P Global ước tính châu Á - Thái Bình Dương sẽ có mức tăng thị phần đáng kể nhất trong lĩnh vực phần mềm AI tạo sinh vào năm 2028, với thị phần doanh thu toàn cầu tăng từ 14% hiện tại lên 20% trong 5 năm, trong khi thị phần của Bắc Mỹ sẽ giảm từ 63% xuống 55%.

Theo Moody's Ratings, có danh sách các dự án với hơn 4.400MW công suất trung tâm dữ liệu đang được xây dựng tại các thị trường trọng điểm của châu Á - Thái Bình Dương, trong đó khoảng 75% là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Hầu hết công suất mới sẽ được hoàn thành trước năm 2025.

Tuy nhiên, việc mở rộng trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương có thể gây ra rủi ro lớn hơn với quá trình chuyển đổi carbon và quản lý nước cho các nhà khai thác cũng như nhà đầu tư, theo Nidhi Dhruv - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao tại Moody's Ratings.

"Các trung tâm dữ liệu đang chủ yếu được cung cấp bởi các nguồn điện không bền vững và nhu cầu tăng nhanh có khả năng vượt xa sự phát triển của năng lượng ít carbon. Điều này có thể khiến một số hãng công nghệ lớn thuê ngoài và các nhà phát triển trung tâm dữ liệu khó tuân thủ mục tiêu trung hòa carbon trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng", Nidhi Dhruv cho biết trong một báo cáo tuần trước.

Năng lượng ít carbon là loại năng lượng được sản xuất và tiêu thụ với lượng khí thải carbon dioxide (CO2) thấp. CO2 là một trong những khí nhà kính chính gây ra hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên và gây ra biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu và việc áp dụng AI tạo sinh ngày càng tăng, chẳng hạn chatbot ChatGPT của OpenAI, dự kiến sẽ làm mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu toàn cầu tăng gấp đôi từ năm 2022 đến 2026, vì cần một lượng điện lớn để duy trì hoạt động của máy chủ và làm mát chúng.

Tuy nhiên, hầu hết quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện. Trung Quốc, thị trường trung tâm dữ liệu lớn nhất ở châu Á – Thái Bình Dương với công suất 3.956MW, phụ thuộc rất nhiều vào điện than. Quốc gia này đã tạo ra gần 2/3 lượng điện từ than vào năm ngoái.

Một nhân viên hãng viên thông China Mobile đang kiểm tra thiết bị tại trung tâm dữ liệu của công ty ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Một nhân viên hãng viên thông China Mobile đang kiểm tra thiết bị tại trung tâm dữ liệu của công ty ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Căng thẳng về nước gia tăng ở một số thị trường châu Á cũng có thể dẫn đến gián đoạn dịch vụ, vì nước vẫn cần thiết để làm mát và duy trì độ ẩm trong các trung tâm dữ liệu.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, tổ chức phi lợi nhuận China Water Risk (có trụ sở tại Hồng Kông) cho biết các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1,3 tỉ mét khối nước mỗi năm, đủ cho 26 triệu người. Khi ngày càng có nhiều trung tâm dữ liệu được xây dựng tại Trung Quốc, con số đó có thể lên hơn 3 tỉ mét khối vào năm 2030, nhiều hơn nhu cầu về nước ở Hàn Quốc.

Trung tâm dữ liệu tiêu thụ nước trực tiếp để tránh tình trạng thiết bị công nghệ thông tin quá nóng. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu cũng tiêu thụ nước gián tiếp từ việc sản xuất điện bằng than.

Nhóm nghiên cứu thuộc China Water Risk dự đoán đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có hơn 11 triệu giá đỡ trung tâm dữ liệu, nơi chứa các máy chủ, dây cáp và các thiết bị khác. Con số này gần gấp 3 con số mà Trung Quốc có vào năm 2020 là khoảng 4 triệu.

Sự bùng nổ công nghệ AI tạo sinh sẽ làm tăng thêm nhu cầu về nước trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

“Cùng với sức mạnh tính toán khổng lồ, các chatbot AI cũng cần một lượng nước đáng kinh ngạc để làm mát”, theo báo cáo của China Water Risk.

China Water Risk đề cập đến một nghiên cứu (vẫn chưa được bình duyệt) từ năm ngoái của các nhà nghiên cứu ở Mỹ cho thấy mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3 tiêu thụ 500ml nước trong mỗi 10 đến 50 phản hồi mà nó tạo ra. Con số này gấp 20 lần lượng nước cần thiết để tạo ra 50 lượt tìm kiếm trên Google.

China Water Risk lưu ý rằng chatbot AI có lượng người dùng ngày càng tăng và các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu, Tencent, Alibaba đã ra mắt dịch vụ AI riêng vào năm ngoái, làm tăng thêm tác động tiềm tàng đến việc tiêu thụ nước.

Nếu 100 triệu người dùng trò chuyện với ChatGPT, chatbot AI đình đám của OpenAI “sẽ tiêu thụ 50.000 mét khối nước, tương đương 20 bể bơi chuẩn Olympic". Trong khi lượng tìm kiếm tương đương trên Google chỉ tiêu thụ hết nước trong một bể bơi.

Theo CT Low, đồng tác giả của báo cáo và trưởng nhóm rủi ro không gian địa lý tại China Water Risk, sự phát triển AI nhanh chóng sẽ gây thêm áp lực cho tài nguyên nước vốn đã căng thẳng của Trung Quốc

Ông nói: “Gần một nửa số giá đỡ trung tâm dữ liệu của Trung Quốc nằm ở những khu vực khan hiếm nước, khô hạn như Trung Đông”.

Debra Tan, tác giả chính của báo cáo và là người đứng đầu China Water Risk, nói rằng việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và nước bằng công nghệ hiện có là những giải pháp đơn giản để giải quyết các rủi ro về nước.

Debra Tan phát biểu: “Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp và khu vực tài chính đánh giá các rủi ro về nước và khí hậu vốn đang diễn biến nhanh chóng, đồng thời xây dựng chiến lược khí hậu gắn kết để tồn tại trước chúng. Với lĩnh vực ICT, đã đến lúc phải giải quyết các rủi ro về nước. Chúng ta phải kiểm soát những vấn đề này trước khi AI bùng nổ”.

Bà nói những gã khổng lồ công nghệ thông tin của Trung Quốc được khuyến khích trở thành công ty “trung hòa về nước” hoặc “tích cực về nước”. Đó là những mục tiêu mà các công ty cùng ngành ở Thung lũng Silicon (Mỹ) như Meta Platforms và Google đang theo đuổi.

Theo báo cáo, một công ty “trung hòa về nước” là bù đắp được lượng nước của mình. Trong khi một công ty “tích cực về nước” sẽ bổ sung nhiều hơn lượng nước của mình, lý tưởng nhất là sau khi giảm thiểu sử dụng nước càng nhiều càng tốt.

Các chiến lược nhằm giảm thiểu và bù đắp việc sử dụng nước gồm phục hồi lưu vực sông, nâng cao hiệu quả dùng nước tại các cơ sở hiện có, tái sử dụng nước thải và thu gom nước mưa. Phục hồi lưu vực sông là một tập hợp các hoạt động nhằm khôi phục chức năng sinh thái và chức năng dịch vụ ở lưu vực sông đã bị suy thoái do các hoạt động của con người.

Debra Tan nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các bước để quản lý sông ngòi một cách toàn diện, “từ nguồn đến biển”, và dự kiến sẽ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cũng như các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng nước cho lĩnh vực ICT.

Theo báo cáo, hơn 3/4 giá đỡ trung tâm dữ liệu của Trung Quốc nằm ở lưu vực của ba con sông: Hoàng Hà, Dương Tử và Châu Giang.

Muốn đáp ứng các cam kết về khí hậu, các chính phủ ở châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu điều chỉnh tác động môi trường của các trung tâm dữ liệu. Tuần trước, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động về phát triển bền vững các trung tâm dữ liệu, đặt ra mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nhà phát triển và bên thuê trung tâm dữ liệu, đặc biệt là ở những thị trường có mục tiêu net-zero, được khuyến khích ký thỏa thuận mua điện dài hạn để cung cấp điện tái tạo và hạn chế rủi ro chuyển đổi carbon, Moody's Ratings cho biết.

Net-zero (phát thải ròng bằng không) là mục tiêu môi trường toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất. Nói cách khác, mục tiêu net-zero là đạt đến trạng thái mà tổng lượng khí thải ròng được giảm xuống bằng 0.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhu-cau-ai-tao-sinh-bung-no-lam-tang-gap-doi-cong-suat-trung-tam-du-lieu-chau-a-thai-binh-duong-vao-2028-222077.html