Nhu cầu bức thiết về đầu tư cho năng lực dự báo, ứng phó thiên tai
Ưu tiên tài chính cho việc đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai đạt trình độ các nước tiên tiến sẽ giúp việc phòng chống thiên tai hiệu quả hơn.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,” công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian rất ngắn, phạm vi hẹp (như mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thời gian tới cần phải ưu tiên tài chính cho việc đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai đạt trình độ các nước tiên tiến của khu vực châu Á; cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phòng chống thiên tai hiệu quả hơn.
Thiên tai ngày càng gia tăng
Tại Hội thảo chuyên đề về ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, diễn ra sáng 11/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh mặc dù công tác dự báo đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên thực tiễn cho thấy ngành khí tượng thủy vẫn đang gặp nhiều thách thức, tác động khách quan và chủ quan.
Theo ông Cường, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo. Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, các khu vực, vùng miền.
Đặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan (điển hình như bão, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, sạt lở đất…) ngày càng gia tăng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với công tác khí tượng thủy văn.
Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia nhìn chung vẫn còn thưa, đặc biệt trên biển, công nghệ quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác.
Nhiều địa phương vẫn còn chủ quan trong ứng phó với thiên tai. Trong khi, công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian rất ngắn, phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế.
“Đây cũng là khó khăn chung của các cơ quan dự báo trên thế giới và cần được đầu tư nghiên cứu để cải tiến trong những năm tới,” ông Cường nói.
Ngoài ra, việc di dời, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thường xuyên bị thiên tai cũng như việc chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc còn chưa đạt yêu cầu.
Có chung quan điểm, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Tăng Thế Cường nhận định hiện nay, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thiếu. Việc triển khai các quy định ứng phó với biến đổi khí hậu còn chưa được triển khai mạnh mẽ ở địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính, con người, trang thiết bị cho ứng phó với biến đổi khí hậu, còn thiếu và yếu; ứng dụng khoa học và công nghệ chưa mạnh mẽ; chuyển đổi số của ngành mới được triển khai, kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu.
Theo tính toán, nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Ước tính Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi vốn từ ngân sách nhà nước để phục vụ cho công tác này dự kiến chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.
Ưu tiên đầu tư cho dự báo, cảnh báo
Đưa ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Vì thế, ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải được đặt vào trung tâm của các quyết định phát triển.
Theo đó, ông Cường đề xuất thời gian tới cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số giải pháp cần được ưu tiên là tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng Đồng bằng song Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.
Phó Tổng cực trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - ông Hoàng Đức Cường cùng đề xuất thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Cùng với đó, thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thiên tai về lũ quét, sạt lở đất, đá.
Ngoài ra, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ xây dựng Đề án “Tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển bền vững vùng.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, lãnh đạo một số sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã đề xuất thời gian tới cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan.
Theo đó, ngành khí tượng thủy văn cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư, tự động hóa và hiện đại hóa các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu../.