Nhu cầu của Trung Quốc vẫn ảnh hưởng tới thị trường dầu thế giới

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cho rằng nhu cầu dầu thế giới cần tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng tới.

Giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thế giới khởi đầu tuần này với diễn biến ảm đạm khi liên tiếp chứng kiến đà giảm mạnh, nhưng kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp hạ lãi suất đã khiến giá “vàng đen” phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần.

Tuy nhiên, mức tăng này không đủ để giúp thị trường dầu thoát khỏi một tuần tiêu cực, nhất là khi nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc vẫn gây sức ép lên thị trường. Tính chung cả tuần này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,4%, còn giá dầu Brent biển Bắc giảm 0,83%.

Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/8, giữa bối cảnh triển vọng đàm phán hòa bình ở khu vực Trung Đông có tiến triển làm giảm rủi ro về nguồn cung năng lượng, trong khi các dấu hiệu thiếu lạc quan về kinh tế Trung Quốc tác động tới nhu cầu tiêu thụ "vàng đen".

Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong hai phiên giao dịch liền sau đó, đẩy giá dầu chạm mức thấp nhất 2 tuần, sau khi Mỹ điều chỉnh giảm mạnh số liệu việc làm so với báo cáo ban đầu - thông tin khiến Fed thêm lo ngại về "thể trạng" của thị trường lao động trong nước.

Báo cáo của IEA nhận định sự kết thúc của đợt phục hồi kinh tế mạnh mẽ giai đoạn hậu COVID-19 ở Trung Quốc đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tiêu thụ tới 30% lượng xăng dầu trên toàn cầu, đã bù đắp cho sự sụt giảm này.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA nêu rõ trong năm nay, dự báo mức tăng sản lượng dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình 730.000 thùng/ngày, nâng tổng cung dầu lên mức kỷ lục 102,9 triệu thùng/ngày. Đối với nhu cầu dầu thế giới trong năm 2024, IEA giữ nguyên dự báo mức tăng 970.000 thùng/ngày. Ngoài ra, IEA dự đoán tổng nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức 103,06 triệu thùng/ngày.

Thị phần của Trung Quốc trong mức tăng trưởng nhu cầu nêu trên dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 1/3 vào năm 2024, so với hơn 2/3 vào năm 2023.

Theo IEA, sự sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc thể hiện rõ rệt nhất ở dầu diesel và naphta (hỗn hợp gồm khí tự nhiên ngưng tụ, sản phẩm chưng cất dầu mỏ, và chưng cất nhựa than đá và than bùn), phản ánh ít hoạt động xây dựng và chế tạo hơn. Điều này cũng có thể là dấu hiệu đà tăng trưởng của ngành hóa dầu Trung Quốc đang chậm lại.

IEA cho hay mức tiêu thụ dầu trung bình toàn cầu dự báo sẽ tăng gần 1 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024 và 2025.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup cho rằng giá dầu Brent Biển Bắc có thể tăng lên mức từ 80-85 USD/thùng, như những gì đang diễn ra, do rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi. Citi cho rằng đợt bán tháo đầu tháng Tám có thể đã quá đà và cho rằng hoạt động bán khống có thể xảy ra nếu giá dầu phục hồi.

Báo cáo lưu ý rằng tháng Tám thường là “tháng ghi nhận nhu cầu dầu cao nhất”, với mức tiêu thụ có thể cao hơn mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019 khoảng 1 triệu thùng/ngày. Citigroup dự đoán nhu cầu dầu sẽ vượt nguồn cung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng này.

Báo cáo cũng đề cập đến sự sụt giảm 300.000 thùng/ngày trong sản lượng từ mỏ dầu El Sharara ở Libya trong thời gian gần đây, và cho biết tình hình bất ổn tiếp diễn ở nước này có thể khiến tình trạng gián đoạn kéo dài hơn.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhu-cau-cua-trung-quoc-van-anh-huong-toi-thi-truong-dau-the-gioi/344664.html