Nhu cầu hầm chứa vàng của thế giới tăng mạnh

Một hầm vàng với chiều cao 32 mét mới đi vào hoạt động ở sân bay Changi của Singapore, trở thành 'tuyên ngôn' về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sở hữu vàng...

Vàng cất giữ tại hầm vàng The Reserve ở Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Vàng cất giữ tại hầm vàng The Reserve ở Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Do nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư trên toàn cầu tăng mạnh, nhu cầu thuê hầm chứa vàng cũng tăng mạnh theo - hãng tin Bloomberg cho hay.

Một hầm vàng với chiều cao 32 mét mới đi vào hoạt động ở sân bay Changi của Singapore, trở thành “tuyên ngôn” về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sở hữu vàng. Mang tên The Reserve, hầm vàng này khai trương vào tháng 7 nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng siêu giàu muốn cất giữ vàng trong môi trường an ninh cao.

Hầm vàng The Reserve là một kho chứa 6 tầng, được thiết kế để chứa 10.000 tấn bạc - tương đương hơn 1/3 nguồn cung bạc toàn cầu hàng năm và 500 tấn vàng - tương đương khoảng một nửa số vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong năm ngoái.

Chủ đầu tư của hầm vàng có tổng diện tích 16.700 mét vuông này là công ty Silver Bullion Pte Ltd.. Công ty cho biết đây là một trong những hầm vàng lớn nhất thế giới và được xây sau khi hầm vàng trước của công ty hết chỗ. Dù mới đi vào hoạt động, hầm vàng mới đã nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng.

“Phản hồi mà chúng tôi có được từ các cuộc trò chuyện là về cơ bản, chúng tôi cần phải có thêm hầm vàng”, nhà sáng lập Gregor Gregersen của Silver Bullion nói.

Giá vàng và giá bạc đều đã tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay, với giá vàng mới thiết lập kỷ lục mọi thời đại trên 2.500 USD/oz trong tuần này. Cùng với đó, nhu cầu mua tiền xu vàng và vàng thỏi của các văn phòng quản lý gia sản tại châu Á tăng mạnh.

Số lượng vàng mua trên thị trường OTC - nơi người mua giữ được sự riêng tư và bí mật, được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư cá nhân siêu giàu, các quỹ đầu tư quốc gia và quỹ phòng hộ - đã đạt 450 tấn trong năm ngoái và được dự báo tiếp tục tăng trong năm nay, theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Động lực cho nhu cầu nắm giữ vàng là rủi ro địa chính trị, triển vọng lãi suất giảm ở Mỹ và trên toàn cầu, bấp bênh kinh tế và chính trị, và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.

Việc nắm giữ vàng vật chất có những điểm bất lợi như không mang lại lợi tức và phải trả chi phí cất giữ. Nhưng đổi lại, đây là một tài sản an toàn, giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị trong môi trường kinh tế và chính trị biến động.

“Các nhà đầu tư, bao gồm các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, đang tìm cách giảm bớt rủi ro cho khối tài sản của họ. Vàng là một số ít tài sản giúp họ lưu trữ giá trị mà không đi kèm với rủi ro đến từ phía đối tác”, nhà quản lý quỹ Jeff Christian của công ty CPM Group phát biểu.

Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, kể từ sau đại dịch Covid-19, tính riêng tư và việc nhà đầu tư có thể nhìn thấy trực diện tài sản của họ đã trở thành những cân nhắc quan trọng đối với các nhà đầu tư giàu có. Vì lý do này, nhà đầu tư giảm ham thích đối với việc nắm giữ chứng chỉ vàng của các quỹ ETF - vốn là một trong những cách dễ nhất để đầu tư vàng nhưng lại thiếu đi tính riêng tư và ẩn danh. Do vậy, lượng nắm giữ của các quỹ ETF vàng đã giảm gần 900 tấn kể từ mức đỉnh vào năm 2020, trong khi lượng nắm giữ của các quỹ ETF bạc giảm khoảng 9.500 tấn kể từ năm 2021.

Một góc trong hầm vàng The Reserve ở Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Một góc trong hầm vàng The Reserve ở Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Khi vàng chảy khỏi hầm vàng của các quỹ ETF và nhà đầu tư chuyển sang trực tiếp nắm giữ vàng, nhu cầu tìm kiếm những địa chỉ cất giữ vàng có mức độ an ninh cao cũng tăng mạnh. Các nhà đầu tư muốn giữ kim loại quý của họ tại những nơi riêng biệt, không liên quan gì tới các định chế tài chính, để có được sự yên tâm. Nguyên nhân là các ngân hàng có trụ sở ở phương Tây là đối tượng của luật nước ngoài có thể không mấy thân thiện với các nhà đầu tư từ các quốc gia khác gửi vàng vào các nhà băng này.

Hai hầm vàng lớn nhất thế giới hiện nay là của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Cả hai ngân hàng trung ương này đều giữ hộ vàng cho một số ngân hàng trung ương khác. Fed New York đang nắm 6.331 tấn vàng, trong khi hầm vàng của BOE ở London chứa 5.266 tấn vàng ở thời điểm cuối tháng 7.

Ngoài ra, các ngân hàng và công ty logistics như JPMorgan Chase, HSBC, Brink’s Co. và Malca-Amit cũng có những cơ sở cất giữ vàng lớn để phục vụ cho các thị trường phái sinh ở London và New York, cũng như giữ vàng cho các quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới. Chẳng hạn, JPMogan Chase đã mở một hầm bạc mới ở London vào năm 2021, và hiện hầm này đang giữ hơn 10.000 tấn bạc cho quỹ ETF bạc lớn nhất thế giới là iShares Silver Trust.

Đang có nhiều hầm vàng không phải của ngân hàng được xây dựng trên thé giới, nhất là ở Singapore. Với nền chính trị ổn định và trung lập, đảo quốc sư tử đã trở thành một trung tâm quản lý tài sản toàn cầu. Vị thế này của Singapore gia tăng sau khi uy tín của Thụy Sỹ với tư cách một “vịnh tránh bão” suy giảm vì vụ nước này tiếp quản khẩn cấp ngân hàng Credit Suisse vào năm ngoái.

Nhưng không chỉ các công ty hầm vàng ở Singapore hưởng lợi. Hầm vàng New Zealand Vault ở thủ đô Wellington của New Zealand đã chứng kiến lượng vàng cất giữ ở đây tăng lên, chủ yếu là vàng của các văn phòng quản lý gia sản ở Hồng Kông và Mỹ.

“Một trong những lợi thế của New Zealand là chúng tôi không có thiên địch. Chúng tôi cũng cách xa các điểm nóng trên thế giới. Mọi người xem chúng tôi như một nơi trú ẩn an toàn”, ông John Mulvey, Giám đốc điều hành và chủ sở hữu của hầm vàng trên, phát biểu.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhu-cau-ham-chua-vang-cua-the-gioi-tang-manh.htm