Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ bùng nổ ở Trung Quốc
Thị trường phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc dự kiến có sự phát triển mạnh, tăng trưởng 46 tỷ USD vào năm 2022.
Theo SCMP, truyền thông của Trung Quốc cho biết việc điều chỉnh các quảng cáo về phẫu thuật, phương pháp điều trị thẩm mỹ là điều bắt buộc và khẩn cấp. Bởi, nhiều công ty đã đưa ra các tuyên bố và quảng cáo sai sự thật.
"Những tấm poster được dán trên xe buýt, tàu điện ngầm đến lời giới thiệu trên các website và nền tảng mạng xã hội, cũng như nội dung quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ đưa vào nhiều bộ phim, chương trình truyền hình đã có sự lan tỏa mạnh đến người xem về sức mạnh thay đổi sắc đẹp", tờ People’s Daily viết.
Nhiều công ty lợi dụng sức ảnh hưởng của công nghệ thẩm mỹ để quảng cáo những nội dung sai sự thật như thay đổi vận mệnh con người hay bóp méo nhận thức về phẫu thuật thẩm mỹ của đa số người dân.
Sự chỉ trích của truyền thông được đưa ra khi các nhà chức trách Trung Quốc tiến hành rà soát trên diện rộng về những quảng cáo chưa xác thực của ngành phẫu thuật thẩm mỹ để kiểm soát sự tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây.
Vào tháng 8, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc soạn thảo các hướng dẫn để điều chỉnh hoạt động quảng cáo của ngành y tế vì câu chuyện thẩm mỹ đang khiến xã hội càng thêm lo lắng về ngoại hình của mọi người.
Nhu cầu điều trị thẩm mỹ đã bùng nổ ở thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây với các thủ thuật làm đôi mắt một mí to, mũi cao hơn theo kiểu phương Tây. Ngành nghề này cũng bị người dân chỉ trích vì không cảnh báo trước về những rủi ro.
Vào tháng 7, một người 33 tuổi có ảnh hưởng trên mạng xã hội chết vì biến chứng sau khi thực hiện ca phẫu thuật hút mỡ để có vẻ đẹp hoàn hảo.
Theo dự đoán của các nhà kinh tế, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc dự kiến phát triển mạnh, tăng trưởng 46 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo hệ lụy vì nhiều người sẽ tin tưởng vào các quảng cáo sai sự thật của công nghệ thẩm mỹ giúp thay đổi vận mệnh con người, khiến các nhà chức trách lo ngại vấn đề an toàn sức khỏe của người dân.
Trước đó, khảo sát của SCMP chỉ ra rằng nhiều người trẻ hiện không hài lòng với vẻ ngoài của bản thân sau khi nhìn thấy các ứng dụng chỉnh sửa trên điện thoại. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Alexander Hilpert gọi đây là xu hướng nguy hiểm và đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.
Những người tự chụp nhiều ảnh thường muốn mình trông đẹp hơn. Hàng ngày, Hilpert cũng gặp nhiều khách hàng phàn nàn, không hài lòng với ngoại hình của họ. Anh từng thẳng thắn từ chối những người có biểu hiện muốn phẫu thuật để trông giống hình mẫu trong ảnh.
Tuy nhiên, bác sĩ lo ngại những khách hàng này có thể tìm đến các cơ sở không uy tín, bất chấp rủi ro để có vẻ ngoài hoàn hảo.
Hilpert nói: "Một số người thậm chí nhận sửa mũi dù chưa từng thực hiện ca nào trước đó. Bất cứ ai muốn phẫu thuật thẩm mỹ hãy chắc chắn rằng người đó có phải là bác sĩ hay không".
Riêng, Maurizio Viel - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Dubai, UAE - cũng nhận định rằng nhiều người ở Trung Đông có nhu cầu lớn về botox và chất làm đầy. Xu hướng tạo đường viền hàm vẫn còn phổ biến và bùng nổ trong thời gian tới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhu-cau-phau-thuat-tham-my-bung-no-o-trung-quoc-post1263092.html