Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Tại Lễ khai mạc Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh nhận định, nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền tại các trạm y tế và trung tâm y tế rất lớn.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Tân Khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ là trung tâm đấu thầu thuốc, dược liệu cho các trạm y tế và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Thực tế, qua công tác đấu thầu, bệnh viện nhận thấy nhu cầu về thuốc y học cổ truyền, đặc biệt là thuốc có chất lượng, đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice) cho các trạm y tế, trung tâm y tế là rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng thuốc chỉ đáp ứng được một phẩn rất nhỏ so với nhu cầu này.
Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh sản xuất thuốc y học cổ truyền đạt tiêu chuẩn GMP nhưng sản lượng thuốc chỉ mới đủ cho nhu cầu khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bệnh viện cũng có kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất thuốc thông qua hợp tác với các đơn vị khác; tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay chính là mô hình sản xuất và kinh doanh dược liệu.
“Hiện chúng tôi đã xây dựng đề án và trình lên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh xin một cơ chế đột phá. Trong đó, xây dựng mô hình thí điểm về phân phối thuốc của các bệnh viện sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP; gắn kết chương trình của bệnh viện với tuyến y tế cơ sở để xây dựng mô hình phòng khám chuyên khoa hoặc đa khoa y học cổ truyền tại trạm y tế”, bác sĩ Khoa cho biết thêm.
Bác sĩ Đỗ Tân Khoa cũng cho rằng, tại trạm y tế có bác sĩ giỏi, có phương pháp điều trị không dùng thuốc, có thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn, chi phí điều trị thấp thì mô hình y học cổ truyền gắn với trạm y tế chắc chắn sẽ thành công và thu hút người dân đến trạm y tế nhiều hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, phát triển dược liệu, thuốc dược liệu cổ truyền và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và phát triển ngành dược liệu, qua đó thúc đẩy các đơn vị nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp và chuyên canh.
Nhằm triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng.
"Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc không chỉ hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu mà còn khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu chất lượng cao”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai được tổ chức bởi Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21 - 23/11. Theo ban tổ chức, hội chợ năm nay quy tụ 425 gian hàng, với sự tham gia của hơn 300 đơn vị, gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước từ Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Bên cạnh các gian hàng triển lãm, hội chợ còn tổ chức các hoạt động thăm khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân tham quan. Ngoài ra, hội chợ cũng mở rộng thêm các chuyên đề về y dược thông minh, chăm sóc sức khỏe, thiết bị thí nghiệm và phân tích công nghiệp sản xuất dược, chuyển đổi số trong y dược và chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp công nghệ 4.0 cho bệnh viện số và ứng dụng AI trong y tế số cũng sẽ được giới thiệu và thảo luận tại sự kiện này.