Người dân bất ngờ vì ngân hàng trừ phí BSMS tới vài trăm nghìn đồng
Ngày 20/11, nhiều tài khoản trên các trang MXH của người dân ở Sơn La đã đồng loạt đăng tải sự ngỡ ngàng, bức xúc về việc họ bị Ngân hàng BIDV trừ phí dịch vụ tin nhắn biến động số dư (BSMS) tới vài trăm nghìn đồng, có người tới cả triệu đồng.
Đơn cử như tài khoản “N.P.T” nêu “Phí báo tn 1 tháng BIDV, nhức nhức cái đầu”; “H.M.H”, sinh viên năm 3 một trường ĐH ở Hà Nội thì ngơ ngác: “Ơ, BIDV trừ phí gì mà cao thế này?” Nhiều bình luận trong các tài khoản đã đăng cho thấy họ rất bất ngờ trước việc này: “Trước giờ không bị mà tháng này lại bị”, “chuyển bank thôi”.
Trao đổi với các chủ tài khoản, được biết, thực hiện chủ trương về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và từ khi dịch vụ Banking tại các ngân hàng được mở rộng, hầu hết các giao dịch đều được họ chuyển khoản trực tuyến thay vì dùng tiền mặt như trước kia, từ mua sắm lớn cho đến việc đi chợ mua bó rau, cân thịt, hay nắm xôi… Trong ngày 20/11, khi nhận tin nhắn thông báo trừ phí BSMS, không ít người “ngã ngửa”, nháo nhác tìm nguyên nhân; nhiều người đăng tải sự bức xúc trên MXH…
Trao đổi về nội dung này, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Phó trưởng phòng Khách hàng cá nhân, ngân hàng BIDV Sơn La cho biết: BIDV chỉ là đơn vị trung gian, mặc dù trực tiếp thu phí này, nhưng sau đó số tiền này sẽ được nộp cho các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, Mobiphone… Trước đây, hầu hết người dân có thói quen dùng tiền mặt, phí BSMS rất thấp, nên nhiều người không để ý. Thời điểm đó, phí này được quy định mức thu 9.000 đồng/tháng/1 tài khoản. Nhưng sau này, khi thực hiện chuyển đổi số, việc thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy thì giao dịch chuyển khoản diễn ra phổ biến; có những khách hàng kinh doanh thực hiện mấy nghìn giao dịch mỗi tháng. Chính vì vậy, hệ thống Ngân hàng đã có chủ trương thu phí BSMS là 700 đồng/1 lần giao dịch của 1 tài khoản, thời gian tính bắt đầu từ tháng 11/2024.
Để giảm chi phí cho các khách hàng thường xuyên thực hiện nhiều giao dịch, nhân viên Ngân hàng đã thông tin để khách hàng dịch chuyển sang dùng dịch vụ OTT – là tin nhắn trên hệ thống SMARTBANKING của ngân hàng BIDV. Tin nhắn này cũng thông báo đầy đủ các biến động số dư của từng tài khoản, nhưng miễn phí hoàn toàn. Cùng với đó là truyền thông rộng rãi về công tác thu phí BSMS tới toàn bộ các khách hàng đang sử dụng các dịch vụ và tài khoản của ngân hàng BIDV thông qua truyền thông trực tiếp, gửi tin nhắn, gọi điện thông báo qua số điện thoại cá nhân...
“Với mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thời gian qua, phía BIDV đã nỗ lực bằng nhiều cách để giảm thiểu chi phí cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ do mình cung cấp, ví dụ như thông báo biến động số dư ngay tại app BIDV SMARTBANKING, chia sẻ tối đa đối với 2 số điện thoại; hai là vẫn tiếp tục tích cực hỗ trợ trên các nền tảng xã hội, cũng như các trang Wep truyền thông chính thống ở địa phương để khách hàng biết, nắm rõ biểu phí của BIDV hiện tại, cách sử dụng các ứng dụng trên áp BIDV SMARTBANKING. Cùng với đó là làm việc với các nhà mạng, tính toán số phí hợp lý, trung hòa với tất cả các nhà mạng để có mức phí đảm bảo, tránh các rủi ro cho khách hàng liên quan đến biến động số dư của mỗi người”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc BIDV Sơn La cho biết, ngày 20/11 mới là đợt đầu đơn vị tổ chức thu phí BSMS, bởi việc thu được chia thành các đợt khác nhau. Từ thực tế nhiều người cho biết họ không biết về quy định thu phí do chưa tiếp cận, hoặc không để ý các tin nhắn của ngân hàng, trước mắt, bằng nhiều kênh, đơn vị sẽ cử các cán bộ quản lý khách hàng liên hệ trực tiếp để thông tin rõ hơn tới các khách hàng về quy định mức thu phí BSMS để khách hàng hiểu, chia sẻ với ngân hàng.
“Những ngày tới, BIDV Sơn La sẽ tham vấn ý kiến, cũng như chờ ý kiến chỉ đạo của BIDV Hội sở chính tại Hà Nội về việc truyền thông tới các khách hàng chưa thu phí như thế nào để giải thích, tránh việc khách hàng hiểu nhầm và có suy nghĩ là bị thu mà không được thông báo… giúp mỗi người hiểu rõ các quy định và chia sẻ với đơn vị cung cấp dịch vụ là BIDV”, ông Hải nói.
Đề cập việc nhiều khách hàng trong ngày 20/11 có những phản ứng khác nhau liên quan đến số thu phí BSMS mà họ phải trả, mà đa phần là bày tỏ sự bất ngờ vì chưa biết quy định này, ông Hải cho biết đơn vị rất tiếc vì các kênh thông tin mà đơn vị triển khai thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thêm các kênh thông tin để làm sao có thể phủ thông tin được đến khách hàng một cách rộng lớn nhất. Ngoài các kênh mạng xã hội, chúng tôi sẽ truyền thông rộng rãi qua các cơ quan báo chí chính thống của trung ương, địa phương; đồng thời tăng cường tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách thức đa dạng hơn nữa, như gọi điện, nhắn tin, trực tiếp đến tận nhà để thông tin tư vấn…Qua đó, hy vọng rằng công tác truyền thông của chúng tôi sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải cũng thông tin, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký sinh trắc học nếu muốn rút tiền hoặc chuyển tiền online. Quy định này nhằm xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, cũng như tăng mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, việc đăng ký sinh trắc học với mọi tài khoản không có nghĩa là tất cả mọi giao dịch đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Các giao dịch bắt buộc phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền vẫn được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 2345 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.