Nhu cầu tất yếu của một lục địa đang chuyển mình

Trong bối cảnh thế giới rơi vào vòng xoáy bất ổn kéo dài, khi trật tự quốc tế đang dịch chuyển và các liên minh truyền thống không còn phát huy đầy đủ vai trò vốn có, châu Âu đang đứng trước một câu hỏi sống còn: làm thế nào để tự bảo vệ chính mình?

Không còn là những thảo luận mang tính học thuật, câu hỏi ấy ngày càng trở nên thực tế và cấp thiết trong từng quyết sách đối ngoại, từng động thái chiến lược của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Và trong tâm thế của một lục địa vừa bất an vừa đầy mâu thuẫn nội tại, khái niệm “Hội đồng Bảo an châu Âu”, từng bị xem là không tưởng, nay đang trở thành một đề xuất nghiêm túc, được nhắc đến ngày một nhiều trong các diễn đàn chính trị, học thuật và an ninh khu vực.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ năm 2022 đã kéo châu Âu ra khỏi vùng an toàn ảo tưởng suốt hơn ba thập niên hậu Chiến tranh Lạnh. Nó khiến toàn bộ cấu trúc an ninh hậu Xô viết bị rung chuyển, phơi bày sự mong manh của hệ thống phòng thủ phụ thuộc quá nhiều vào NATO và sự bảo trợ của Mỹ. Đó không chỉ là một cuộc xung đột vũ trang mang tính khu vực mà là một cuộc khủng hoảng địa chính trị toàn diện với hệ lụy sâu rộng lên an ninh, kinh tế, năng lượng và niềm tin vào các thể chế hiện có. Khi bom đạn vang lên trên đất Ukraine thì từ Vilnius tới Madrid, từ Tallinn tới Rome, các nhà hoạch định chiến lược buộc phải đối mặt với sự thật: châu Âu không có đủ cơ chế độc lập để tự bảo vệ. Song điều đáng lo ngại hơn là chiến tranh chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh bất ổn lớn hơn nhiều.

Trong kỷ nguyên mà chiến tranh thông tin, gián điệp mạng, tấn công hạ tầng số và cạnh tranh chuỗi cung ứng trở thành công cụ của quyền lực, châu Âu ngày càng bị kéo căng bởi những đòn tấn công phi đối xứng, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các vụ tấn công mạng nhằm vào bệnh viện, hệ thống vận tải, cơ sở hạ tầng năng lượng; các chiến dịch tung tin giả nhắm vào quy trình bầu cử; hay sự gia tăng các dòng người di cư ồ ạt bất hợp pháp do các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Phi... tất cả đang làm xói mòn năng lực phản ứng và khả năng kiểm soát an ninh nội khối. Trong bối cảnh ấy, nhu cầu thiết lập một thiết chế an ninh độc lập, mang tính hành động và có quyền ra quyết định cấp chiến lược đang trở thành vấn đề không thể né tránh.

Thực tế cho thấy, hai trụ cột an ninh truyền thống của châu Âu, gồm NATO và Liên minh châu Âu (EU), đang cùng lúc bộc lộ những giới hạn nghiêm trọng. Về mặt quân sự, NATO vẫn là liên minh mạnh nhất thế giới, nhưng cấu trúc quyền lực trong tổ chức này vẫn đặt châu Âu ở thế phụ thuộc vào Mỹ. Sự biến động trong chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt dưới các chính quyền có xu hướng biệt lập như Tổng thống Donald Trump, khiến không ít quốc gia châu Âu nhận ra rằng cam kết phòng thủ tập thể theo Điều 5 của NATO không còn là điều bất biến. Khả năng Mỹ rút lui một phần khỏi vai trò “người bảo hộ toàn cầu” đã, đang và sẽ buộc châu Âu phải suy nghĩ lại về năng lực tự thân của mình.

Trong khi đó, EU, dù có những bước tiến về quốc phòng như Cơ chế Hợp tác Cấu trúc Thường trực (PESCO), Quỹ Quốc phòng châu Âu hay Chiến lược Laeken, nhưng vẫn thiếu một thiết chế thực sự có quyền ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả về an ninh. Mọi sáng kiến chung đều phải qua quá trình đồng thuận phức tạp giữa 27 thành viên - một cấu trúc hành chính vốn hiệu quả trong thời bình, nhưng tỏ ra chậm chạp và rườm rà khi khủng hoảng bất ngờ nổ ra.

Chính trong sự giằng co đó, ý tưởng thành lập một Hội đồng Bảo an châu Âu ngày càng được nhiều học giả, chuyên gia an ninh và một số chính khách xem là bước đi chiến lược nhằm bảo đảm năng lực tự vệ tập thể mà không bị chi phối bởi các yếu tố ngoài lục địa. Không giống NATO - vốn có tính toàn cầu và sự điều khiển chính trị từ bên ngoài châu Âu - hay EU - vốn đặt nặng nguyên tắc pháp lý và tiến trình đồng thuận, Hội đồng Bảo an châu Âu nếu được hình thành, có thể trở thành thiết chế vừa đủ nhỏ để hiệu quả, vừa đủ lớn để đại diện cho lợi ích an ninh tổng thể của lục địa.

Cờ EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Cờ EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Quan điểm này không đơn độc. Nhiều học giả tại Pháp, Đức, Bỉ và Thụy Điển đã đề xuất mô hình Hội đồng Bảo an châu Âu với sự tham gia của khoảng 8-10 quốc gia chủ chốt, bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển và một đại diện từ khu vực Đông Nam Âu hoặc Baltic. Cơ chế này có thể vận hành theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số tăng cường, cho phép hành động ngay khi có sự đồng thuận của phần lớn các thành viên chủ chốt, thay vì chờ sự đồng thuận tuyệt đối.

Nếu châu Âu không tiến hành thành lập Hội đồng Bảo an riêng, hệ quả dài hạn sẽ rất đáng lo ngại. Lục địa này sẽ tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào ô bảo trợ của Mỹ - một Mỹ vốn đang phân tâm vào Thái Bình Dương và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Đồng thời, các cuộc khủng hoảng an ninh sẽ ngày càng xuất hiện dưới những hình thức phi truyền thống mà cả NATO lẫn EU đều không đủ nhanh nhạy để ứng phó. Châu Âu cũng có nguy cơ trở thành sân chơi cho các thế lực bên ngoài thao túng, từ can thiệp bầu cử, thao túng thông tin đến chiến tranh mạng và khủng hoảng năng lượng.

Sự xuất hiện của một Hội đồng Bảo an châu Âu chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện quyền lực nội bộ. Pháp và Đức, với vị thế lịch sử và tiềm lực quân sự, ngoại giao vượt trội gần như chắc chắn nắm vai trò lãnh đạo. Anh, dù đã rời EU, vẫn có thể giữ vị trí quan sát hoặc đối tác liên kết, nhờ thế mạnh truyền thống về an ninh và tình báo. Ba Lan và các nước Baltic, nhờ vị trí địa chiến lược sát cạnh Nga, có thể củng cố vai trò an ninh tiền tuyến, phản ánh lợi ích của các quốc gia tuyến đầu trước áp lực từ Moscow.

Trong khi đó, các quốc gia Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay các nước trung lập như Austria, Ireland, Thụy Sĩ sẽ phải điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối ngoại và quốc phòng, nếu muốn duy trì vị thế trong cấu trúc quyền lực mới. Đáng chú ý, sự hình thành Hội đồng này cũng sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng tới các đối thủ chiến lược như Nga và Trung Quốc, rằng châu Âu đã trưởng thành về mặt chiến lược, sẵn sàng tự chủ và không còn là “sân sau” của bất kỳ ai.

Khi so sánh với các mô hình an ninh khác trên thế giới, Hội đồng Bảo an châu Âu mang lại một nét đặc thù riêng. Khác với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - nơi các quyền phủ quyết dễ dàng làm tê liệt mọi quyết sách quan trọng - Hội đồng này sẽ được xây dựng dựa trên đồng thuận linh hoạt, tối ưu hóa khả năng hành động. So với ASEAN hay Liên minh châu Phi, sự gắn kết nội khối của châu Âu mạnh hơn, dựa trên nền tảng giá trị, thể chế và lợi ích chung đã được tích lũy hàng thập niên. Về mặt tầm nhìn dài hạn, một Hội đồng Bảo an châu Âu không chỉ đơn thuần là công cụ phòng thủ. Đó sẽ là biểu tượng của một châu Âu trưởng thành, tự chủ và có trách nhiệm toàn cầu.

Một châu Âu không chỉ đi sau các siêu cường mà có khả năng tự thiết kế vai trò chiến lược, định hình các chuẩn mực quốc tế về an ninh mạng, biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí và quản trị toàn cầu. Trong một thế giới đa cực, quyền lực không còn nằm trọn vẹn ở súng đạn hay GDP, mà nằm ở năng lực tập hợp đồng minh, khả năng ứng phó linh hoạt và uy tín chính trị. Một châu Âu có Hội đồng Bảo an riêng chính là lời tuyên ngôn mạnh mẽ nhất về việc lục địa này không còn chỉ là một khối thị trường mà đã trở thành một chủ thể chiến lược độc lập.

Kết lại, Hội đồng Bảo an châu Âu không còn là một lựa chọn xa xỉ về mặt học thuật. Nó là một đòi hỏi cấp bách của lịch sử, của thời đại và của chính châu lục này. Đã đến lúc châu Âu phải thôi chần chừ, thôi trông chờ vào ô bảo trợ bên ngoài, và dám đứng lên tự nắm lấy vận mệnh của mình. Tương lai an ninh của lục địa này đang được định đoạt không phải trong các hội nghị bàn tròn mà trong chính quyết tâm kiến tạo cơ chế tự chủ chiến lược ngay hôm nay.

Đặng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhu-cau-tat-yeu-cua-mot-luc-dia-dang-chuyen-minh-i767198/