Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại Mỹ và EU thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam

Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn, 9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, cùng kỳ giảm 8,2%; nhập khẩu tăng 17,3%, cùng kỳ giảm 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

9 tháng đầu năm, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước, đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

9 tháng đầu năm, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước, đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Trong 9 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.

Về xuất khẩu các nhóm hàng có sự tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản sơ bộ đạt 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 9 tháng ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.

"Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu rất tích cực, vì đây là thị trường lớn, có yêu cầu cao" - ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 7%; Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 4,7%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 105 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 41,46 tỷ USD, tăng 8,2%; ASEAN đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,3%; Nhật Bản đạt 16 tỷ USD, tăng 2,4%; EU đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,8%; Hoa Kỳ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 6,2%.

Nhận định về câu chuyện xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2024, đại diện Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.

Về thuận lợi, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn”; Tình hình tài khóa - tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu nới lỏng hơn khi các chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia trở nên hỗ trợ tăng trưởng hơn; Quý III/2024 đánh dấu sự phục hồi tích cực của thương mại toàn cầu từ các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi FED cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.

Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư… Đặc biệt, với những thành tựu vượt trội từ bức tranh xuất khẩu rau quả, sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc,... các chuyên gia tin tưởng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay sẽ cán mốc 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất nhập khẩu trong những tháng tới vẫn còn đó nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định, như: Diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông; Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại;

Đặc biệt, giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt; những tác động tiêu cực của siêu bão Yagi đối với hoạt động sản xuất trong nước sẽ là khó khăn, thách thức không hề nhỏ đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta trong thời gian tới...

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhu-cau-tieu-thu-cuoi-nam-tai-my-va-eu-thuc-day-xuat-khau-cua-viet-nam-1103202.html