Nhu cầu vàng toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2024
Báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 5/2 cho thấy nhu cầu vàng toàn cầu trong năm 2024 đã đạt mức kỷ lục 4.974 tấn.
Động lực chính cho sự gia tăng này đến từ việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng với khối lượng lớn cùng với sự quan tâm ngày càng cao từ các nhà đầu tư.
Sự bùng nổ này, kết hợp với giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại, đã khiến tổng giá trị nhu cầu vàng vọt lên con số kỷ lục 382 tỷ USD.
Các ngân hàng trung ương vẫn là nhân tố chủ chốt trên thị trường khi đã mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm thứ ba liên tiếp. Riêng năm 2024, tổng lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đạt 1.045 tấn, trong đó chỉ riêng quý IV đã chiếm 333 tấn.
Nhu cầu đầu tư cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, tăng 25% so với năm trước lên 1.180 tấn – mức cao nhất trong bốn năm qua, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng.
Trong khi đó, nhu cầu đối với vàng thỏi và tiền xu duy trì ổn định ở mức 1.186 tấn, phản ánh sự quan tâm bền vững từ các nhà đầu tư cá nhân.
Trái ngược với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư, nhu cầu vàng trong ngành trang sức lại sụt giảm do giá vàng quá cao khiến người tiêu dùng dè dặt hơn. Tổng nhu cầu vàng trang sức trong năm 2024 giảm 11% xuống còn 1.877 tấn.
Đặc biệt, nhu cầu tại Trung Quốc giảm tới 24% do giá vàng tăng mạnh, trong khi thị trường Ấn Độ tỏ ra kiên cường hơn với mức giảm chỉ 2%.
Lĩnh vực công nghệ là điểm sáng hiếm hoi khi nhu cầu vàng tăng 7% so với năm trước, đạt 326 tấn. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ vào việc ứng dụng vàng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị điện tử.
Tổng nguồn cung vàng trong năm 2024 cũng tăng 1% so với năm 2023, đạt mức kỷ lục 4.794 tấn, nhờ sản lượng khai thác mỏ và hoạt động tái chế tăng lên.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới, nhận định rằng 2024 là một năm mang tính bước ngoặt đối với thị trường vàng, với giá cả lập đỉnh và nhu cầu biến động mạnh.
Bà Street dự báo rằng trong năm 2025, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường vàng, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng nhu cầu vàng trang sức có thể tiếp tục suy yếu do giá vàng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
"Những bất ổn địa chính trị và kinh tế vĩ mô sẽ vẫn là những chủ đề chính trong năm nay, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vàng như một tài sản lưu trữ giá trị và công cụ phòng ngừa rủi ro", bà Street nhấn mạnh.