'Như chưa hề có cuộc chia ly', VN-Index bật tăng vượt mốc 1.200 điểm
Sức cầu gia tăng đã giúp chỉ số VN-Index đảo chiều tăng hơn 22 điểm, vượt mốc 1.200 điểm trong phiên hôm nay (6/8).
Sau phiên hoảng loạn và bán tháo hôm qua, nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại và mua vào ngay khi mở cửa thị trường. Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, hết giờ giao dịch sáng, VN-Index tăng 10,22 điểm, lên mức 1.198,29 điểm. Sang phiên chiều, lực mua mạnh giúp chỉ số VN-Index tăng nhanh.
Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.210,28 điểm sau khi tăng 22,21 điểm (1,87%); VN30-Index tăng 20,7 điểm (1,68%), lên mức 1.252,81 điểm.
Trong phiên giao dịch hôm nay (6/8), sắc xanh bao trùm bảng giao dịch điện tử khi thị trường ghi nhận tới 383 mã tăng giá, chỉ 58 mã giảm giá. Tại nhóm VN30, 28 mã đi lên, còn lại đứng giá.
Hầu hết các ngành tăng điểm, trong đó bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm; dịch vụ tài chính; thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; chăm sóc sức khỏe; nguyên vật liệu; xe và linh kiện là những ngành tăng hơn 2%.
Đáng chú ý, tại nhóm dịch vụ tài chính, nhóm giảm rất mạnh trong phiên hôm qua thì hôm nay tăng rất tốt. Trong đó, BSI tăng kịch trần, SSI tăng 3,38%; VCI (5,39%), HCM (5,56%), FPT (6,74%)…
Tác động mạnh nhất đến sự đi lên của thị trường là VNM khi đóng góp hơn 1,7 điểm vào chỉ số VN-Index; tiếp đến là GVR với hơn 1,2 điểm, MSN (gần 1 điểm), BCM (0,9 điểm), BID (gần 0,9 điểm)…
Thanh khoản đạt hơn 16.300 tỷ đồng so với mức gần 24.000 tỷ đồng phiên hôm trước. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mạnh trong phiên này và họ bán ròng. Khối này mua gần 2.099 tỷ đồng và bán trên 2.830 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chốt phiên, HNX-Index tăng 3,75 điểm (1,68%), lên mức 226,46 điểm; HNX30-Index dừng ở mức 486,26 điểm, tăng 12,06 điểm (2,54%). Tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.
Tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư đã quay trở lại sau phiên lao dốc không phanh hôm qua. Thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh vào sáng nay đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán toàn cầu mới đây đã chứng kiến sự hoảng loạn lớn trước nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái và các trader nhanh chóng thoát khỏi các vị thế vốn chiếm ưu thế trong năm nay.
Nhật Bản là “tâm điểm” của diễn biến này, khi Topix giảm hơn 12% ở phiên 5/8. Áp lực bán sau đó lan rộng sang thị trường Mỹ và châu Âu, khiến S&P 500 giảm hơn 2%.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cho đến gần đây vẫn khởi sắc, nhờ kỳ vọng về kịch bản kinh tế Goldilocks (khi lạm phát được kiểm soát mà không gây suy thoái) và làn sóng đổ tiền vào cổ phiếu công nghệ Mỹ. S&P 500 đã tăng gần 20% kể từ đầu năm, lên mức cao kỷ lục vào ngày 16/7. Hiện tại, tốc độ sụt giảm diễn ra rất nhanh, khi S&P 500 giảm gần 8% kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 7.