Như những ngọn lửa
Đọc những bài thơ trong tập 'Thơ Nguyễn Hồng Vinh - Tuyển chọn' (do NXB Văn học ấn hành quý I - 2020), tôi nhận thấy một điều rất ấn tượng. Ðó là trong tất cả những bài thơ của ông, cho dù viết về bất cứ điều gì, trong hoàn cảnh nào, ở không gian nào đều thắp lên một ngọn lửa. Ðó là ngọn lửa của tình yêu thương con người, tình yêu thiên nhiên và lửa của hy vọng.
Mỗi tác phẩm văn học nói chung và thơ ca nói riêng giống như một ngôi nhà của đời sống, và nhà văn, nhà thơ là người bước vào ngôi nhà đó để thắp lên, nhóm lên một ngọn lửa. Ðấy là sứ mệnh đầu tiên và mãi mãi của một nghệ sĩ. Những người nông dân làm thơ ở làng Chùa của tôi nói: “Một chữ có Ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có Oán thì sinh sâu bọ”. Họ lại nói: “Người làng Chùa làm thơ vì vui, vì buồn, vì tuyệt vọng và làm thơ vì cái chết, nhưng không bao giờ làm thơ vì lòng hận thù”. Họ không phải những nhà thơ, không phải những nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, mà chỉ là những người nông dân sống hết mình và ý thức nhất về cuộc sống. Những gì họ nói bắt nguồn từ đời sống hàng ngàn năm nay được đúc kết. Họ chính là những người làm ra văn hóa. Tôi dẫn những câu nói của họ để nói về Ân nghĩa và sự Nhân ái là những điều cốt lõi của đạo sống, đồng thời cũng là những điều cốt lõi của đạo cầm bút. Những phẩm chất đó làm nên ngọn lửa trong tác phẩm của nghệ sĩ. Và trong mỗi bài thơ, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã thắp lên, đã nuôi dưỡng ngọn lửa ấy.
Cuộc đời của bất cứ con người nào cũng phải đi qua những thăng trầm, buồn vui, được mất... Có không ít người đã rơi vào tuyệt vọng và gục ngã. Trong thơ Nguyễn Hồng Vinh, cho dù dùng phép ẩn dụ hay bằng một cách tinh tế, vẫn nói đủ những thăng trầm ấy. Chỉ có điều, trong đầy vơi tình người, đầy vơi thời thế, là sự bồi đắp lặng thầm của “phù sa” làm nên hương thơm cuộc sống:
Ðầy vơi những dòng sông
Giống tình đời - thời thế
Phù sa ơi - dâu bể
Vẫn lặng thầm xây hương
Cái chết không phải là kết thúc sự sống khi cái chết ấy là sự dâng hiến cho con người, mang lại những giá trị và ý nghĩa lớn lao cho chính sự sống. Bài thơ với những câu thơ dưới đây viết về các cô gái hy sinh ở ngã ba Ðồng Lộc, mà nhiều bài thơ viết về sự kiện này tôi đọc trước đó, chỉ đề cập tới hai điều: Sự hy sinh anh dũng của những người con gái cho Tổ quốc và lòng thương tiếc của những người còn sống. Nhưng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã tìm thấy một giá trị khác, một giá trị mang triết lý sâu sắc: Cái chết có ý nghĩa, sẽ sinh ra muôn vàn sự sống. Và chỉ có lòng biết ơn của những người đang sống, mới làm cho cái chết của những người hy sinh vì Tổ quốc trở nên bất diệt. Những câu thơ của Nguyễn Hồng Vinh lúc nào cũng giản dị như vậy, nhưng luôn chứa đựng những điều đẹp đẽ, nhân sinh mà ông đã chiêm nghiệm bằng chính cuộc đời mình:
Tháng Ba mưa xuân lất phất
Tiếng chuông ơn nghĩa vang ngân
Các em nhân mầm sự sống
Triệu triệu tấm lòng tri ân
Niềm hy vọng luôn thắp sáng từ những cái chết, từ những gì đã kết thúc, đó là đức tin vào cuộc đời này. Ngọn lửa trong mỗi bài thơ của nhà thơ Hồng Vinh, chính là ân nghĩa, là niềm hy vọng, là sự thiêng liêng trên mảnh đất mà con người đã sống, đã làm nên huyền tích.
Ðêm xuân, Tháp Rùa lung linh
Hồ Gươm khi đầy khi cạn
Lòng người ăm ắp khí thiêng
Ðây là những câu thơ về Hồ Gươm, không hề giống ý, hay bất cứ những câu thơ nào viết về địa danh văn hóa, lịch sử mà tôi được đọc từ trước đến nay. “Hồ Gươm khi đầy khi cạn” chính là những thăng trầm của các thời đại, của lịch sử, nhưng ý chí và sức sống ngàn đời của mảnh đất này không bao giờ mất! Chỉ mấy câu thơ giản dị đó thôi, nhưng bao hàm toàn bộ văn hóa và đạo sống của người Việt Nam, làm ta thấy bền vững, thấy mạnh mẽ và tràn ngập đức tin về sự trường tồn của dân tộc. Lịch sử có thể thay đổi, trời đất có thể thay đổi, nhưng lòng người vẫn thủy chung, tiếp nối khí phách ông, cha. Ðó là một “bí mật” về sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Ơn cơn mưa mùa hạ
Cây tỉnh giấc chuyển mình
Bao nỗi niềm u tịch
Òa reo vui bình minh
Khi đọc những câu thơ này, tôi đã được cuốn vào không gian rộng lớn ấy. Một vẻ đẹp huy hoàng của thiên nhiên hiện ra và lan tỏa trong đời sống. Vẫn là cách tư duy của nhà thơ: Từ đau khổ, từ mất mát, từ bóng tối để đi tới ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu rọi, thì mọi u tịch của đời sống này tiêu tan nhường chỗ cho sự vang reo của hy vọng.
Tôi đã nói và nay vẫn muốn nói lại một đặc điểm trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Ðó là việc ông dùng thiên nhiên để nói về con người; dùng những vẻ đẹp bình dị của trời đất để nói về vẻ đẹp lớn lao của tâm hồn con người. Ông luôn cân bằng giữa trời đất và con người. Ðó là sự cân bằng bền vững nhất, nguồn cội tạo ra những gì đẹp đẽ trên thế gian này. Xin hãy đọc những câu thơ:
Tháng Ba mưa bay
Hạt gieo trồi đất
Con tim nén dồn
Bật lên tiếng hát!
Một cái hạt nhỏ bé, nhưng có thể dồn nén và chứa đựng những mùa màng kỳ vĩ. Trái tim con người nhỏ bé chứa đựng những bài ca của sự sống vô tận và diệu kỳ. Tôi nghĩ, sự sống chính là ngọn lửa bất diệt không bao giờ tắt. Ở đâu đó, dù trong bóng tối, trong một nơi chật hẹp, trong những buồn đau, trong chiến tranh, trong chết chóc…, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh lúc nào cũng nhìn thấy sự sống và niềm hy vọng. Do vậy, thơ đã giúp ông gieo niềm tin để nhân lên sự sống ấy.
Xin bạn hãy đọc những câu thơ về vẻ đẹp của đức tin, của sức mạnh sự sống không gì có thể hủy diệt. Những câu thơ hiện ra với vẻ đẹp của mùa màng rực rỡ. Những câu thơ không hề cầu kỳ, nhưng lại ngân vang, ấm áp. Ðó cũng là một đặc điểm xuyên suốt của thơ Nguyễn Hồng Vinh:
Dẫu đâu đó còn gian nan bề bộn
Buồn - vui đầy - vơi như nước sông Hồng
Song tất cả những gì đang gặt hái
Thắm sắc vàng, sáng triền cúc ven sông
Có hai câu thơ trích từ một bài thơ của ông, mà tôi muốn để ở phần cuối bài viết này. Vì tôi muốn và cũng muốn bạn đọc, được chìm vào trong một tiếng vang rất xa, và có lẽ tiếng vang ấy không thể nào tắt được:
Có tiếng chim lật sách
Gieo hạt mầm đơm bông
Về thơ ca, tôi chưa bao giờ gặp một hình ảnh tương tự như vậy. “Tiếng chim lật sách”, quả là mới mẻ và gợi mở. Một vẻ đẹp tinh khiết và thánh thiện trong hình ảnh ấy. Câu thơ hay một cách đầy phi lý, mà lại chính xác đầy phi lý. Nó chính là một vẻ đẹp gợi mở một vẻ đẹp khác. Hành động lật một trang sách giống một nghi lễ nhỏ, một hành vi văn hóa, một thái độ sống nhân văn. Nếu không phải là một tiếng chim (hay những gì đó tương đồng bản chất với tiếng chim) thì không đi tới hành động, mang chất thơ đầy dư vị ấy.
Chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh bền bỉ thắp lên cái Ðẹp trong con người và cuộc sống trên đất Việt yêu dấu này, dù còn bề bộn gian lao, vẫn không hề cạn vơi Niềm tin và Hy vọng!
Hà Ðông, những ngày cuối tháng 3-2020
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/43793202-nhu-nhung-ngon-lua.html