Như Thanh tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, huyện Như Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng cây ăn quả ở xã Hải Long cho thu nhập cao.

Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, từ năm 2019 đến nay, người dân trên địa bàn xã Hải Long đã tích tụ, tập trung đất đai được trên 100ha đất nông nghiệp. Ông Vi Trung Thân, Chủ tịch UBND xã Hải Long, cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện qua 3 hình thức chủ yếu là thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, định hướng, hỗ trợ cho người dân sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát huy được lợi thế điều kiện tự nhiên, lao động của xã. Quá trình tích tụ, tập trung đất đai được xã định hướng gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất giữa người dân với HTX và doanh nghiệp". Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, xã Hải Long đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tiêu biểu như mô hình trồng cau kết hợp với trồng cây vú sữa, bưởi da xanh, bưởi Diễn; mô hình trồng cây ăn quả và rau trong nhà lưới...

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, huyện cũng có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát huy vai trò, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao; gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chuyển đổi số và phát triển thị trường tiêu thụ... Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được gần 2.100ha đất nông nghiệp. Trong đó có 198ha đất trồng trọt, 93,89ha sản xuất chăn nuôi và trên 1.776ha đất sản xuất lâm nghiệp. Đa phần các mô hình tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao như: mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc và rau má tại xã Xuân Du với diện tích 1,8ha, doanh thu trung bình đạt 500 - 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ 300 - 350 triệu đồng/năm; mô hình trồng dưa các loại tại xã Phú Nhuận với diện tích 2ha, doanh thu trung bình đạt 200 - 240 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng/năm; mô hình trồng quýt ngọt tại xã Yên Lạc của hộ gia đình ông Đặng Quang Du với diện tích 2,5ha, doanh thu trung bình đạt 1 - 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà tại xã Xuân Du, của Công ty Nông sản sạch Anh Phát với diện tích 3,5ha, doanh thu trung bình đạt 8 - 9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm...

Tuy đạt được những kết quả bước đầu, song quá trình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Như Thanh cũng bộc lộ một số hạn chế, như: chủ thể thực hiện tích tụ, tập trung đất đai chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình quy mô còn nhỏ, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Hoạt động tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chưa nhiều. Bên cạnh đó việc tích tụ, tập trung đất đai chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt nên chưa phát huy hết hiệu quả. Cùng với đó vai trò định hướng, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền các đơn vị chưa thực sự rõ nét, quyết tâm trong tìm kiếm các giải pháp, tổ chức thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp...

Cũng theo ông Hàn Văn Huyên, thời gian tới, huyện Như Thanh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư có trọng điểm vào các vùng chuyên canh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các cụm trọng điểm nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, HTX, trang trại và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vai trò hạt nhân liên kết...

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhu-thanh-tich-tu-dat-dai-de-phat-trien-nong-nghiep-quy-mo-lon-213952.htm