Như thế nào là biết nấu ăn?
Ai cũng phải ăn, và nấu nướng là một kỹ năng thiết yếu cần có. Biết nấu ăn khác với biết nấu nhiều thứ.
Biết nấu ăn khác với biết nấu nhiều thứ. Một người có thể biết cách nấu món này món kia. Ít nhiều gì, người nào cũng sẽ có cho mình những “món tủ”. Nhưng nếu để nói biết nấu ăn, tôi nghĩ không có nhiều người làm được, kể cả một số vị tự gọi mình là đầu bếp.
Nấu ăn là một phạm trù rộng lớn, nó bao gồm những hiểu biết đầu tiên về nguyên liệu: mùa nào có thức gì, tính chất của từng loại thực phẩm, khả năng kết hợp của chúng; tiếp đến là những công việc khi vô bếp: sơ chế, bảo quản, nấu, phục vụ, lưu trữ... Biết nấu món A là khi mình nắm rõ toàn bộ quy trình làm ra món ấy, gồm các khâu đã liệt kê bên trên; nhưng biết nấu ăn là khi mình nắm đầy đủ kiến thức nền tảng có thể sử dụng để nấu không những món A mà còn cả B, C, D nữa.
Đó cũng là mục tiêu mình hướng tới khi học làm đầu bếp. Mình phải hiểu và xử lý được đủ loại nguyên liệu và kiểu nấu chứ không phải là có nhiều công thức rồi quen tay nấu được đôi ba chục món.
Để làm được điều này, mình cần có những kiến thức cơ bản làm nền. Trước khi nhảy vô làm món rau xào, mình phải biết loại rau ấy thế nào và nên xử lý ra sao, xào nghĩa là gì, dùng loại gia vị nào với kiểu món này... chứ không phải xem nguyên liệu gồm những gì rồi đi mua về, đọc và làm theo từng bước hướng dẫn.
Nếu chỉ chăm chăm bắt chước công thức thì khả năng thành phẩm nấu ra không như ý muốn sẽ cao, chưa kể làm xong mình cũng chẳng vỡ vạc được điều gì, qua món xào khác mình sẽ không biết làm. Ngược lại, khi có cơ bản, nếu hứng thú với một món ăn, mình sẽ không cần hỏi xin công thức (nhiều khi còn chẳng cần xin danh sách nguyên liệu), mà vẫn có thể nấu, thậm chí còn ra thành phẩm ngon hơn phiên bản đã khiến mình phải lòng.
Việc học hỏi này là một hành trình dài mà trên đó sẽ luôn có những thứ mới, những ngoại lệ, những món mà mình chưa bao giờ biết. Thậm chí chính những cái mình đã biết rồi cũng có thể ẩn chứa nhiều bất ngờ mà bấy lâu nay bản thân không nhận ra.
Chỉ những đầu bếp khờ dại mới dám vỗ ngực tự xưng gì cũng biết, món nào cũng làm được, kiểu gì cũng nấu được. Bởi dù có biết nấu ăn đi nữa, mình cũng không thể nấu được mọi thứ trên đời.
Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách thứ hai của tôi. Nó vẫn kể về nghề bếp, nhưng sẽ không phải là sân chơi mang tính đặc thù với cánh đầu bếp như Ăn tối cùng Chef - Và nói chuyện bếp. Tôi nghĩ những gì được viết trong cuốn sách này sẽ hữu dụng cho mọi người.
Ai cũng phải ăn, và nấu nướng là một kỹ năng thiết yếu mà mình cần có. Đã qua rồi cái thời đàn ông chỉ đi làm còn chuyện nội trợ là việc của phụ nữ. Bây giờ, đàn ông cần biết nấu ăn - không chỉ cho riêng bản thân mà còn để chăm sóc người bạn đời của mình nữa.
Ngoài kia có vô vàn sách nấu ăn, nhưng đại đa số chúng chỉ là những công thức khô khan mà nhiều khi một đầu bếp như tôi đọc cũng chẳng làm theo nổi. Trong cuốn sách này, tôi sẽ chia sẻ về những điều mình đã học được sau một thời gian đi làm bếp cũng như tự tìm hiểu của mình: kiến thức về bếp, thái độ kính nghiệp, bài học về quản trị trong ngành F&B nói riêng và dịch vụ nói chung. Tôi sẽ mang đến một cách tiếp cận khác dễ hiểu hơn, phù hợp với đại chúng hơn về các vấn đề này.
Giờ thì để tôi dắt bạn theo một ngày làm bếp của mình nhé!
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhu-the-nao-la-biet-nau-an-post1457489.html