Như Xuân: Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Có lợi thế về giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh, những năm gần đây huyện Như Xuân đã có nhiều giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN), qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Kiểm tra chất lượng gạch trước khi xuất bán tại Nhà máy sản xuất gạch không nung và tuynel độ rỗng cao Yên Cát.
Năm 2018, được UBND tỉnh chấp thuận cùng sự quan tâm tạo điều kiện của UBND huyện Như Xuân về mặt bằng, thủ tục hành chính, Công ty Vinh Chung đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung và tuynel độ rỗng cao Yên Cát trên diện 7,5 ha ở thị trấn Yên Cát. Để tối ưu hóa sản xuất, công ty đã đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, mỗi năm sản xuất được 5 triệu viên theo tiêu chuẩn. Để mở rộng quy mô sản xuất, công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, phấn đấu đến hết quý 1-2024 sẽ đi vào sản xuất. Khi đi vào vận hành, mỗi năm nhà máy sản xuất 20 triệu viên gạch nung và gạch không nung, tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương.
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Như Xuân Nguyễn Quang Dự cho biết: Để CN, TTCN phát triển, thời gian qua huyện đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến công nghiệp. Đặc biệt, huyện đã có hướng dẫn xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào huyện. Vì vậy, thời gian qua CN, TTCN ở Như Xuân phát triển mạnh theo hướng đa dạng ngành nghề, chú ý khôi phục và phát triển các nghề truyền thống. Do có nhiều giải pháp, đến nay trên địa bàn huyện đã thu hút được 36 doanh nghiệp, 18 HTX đang hoạt động sản xuất CN,TTCN, với ngành nghề chủ yếu là chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, sản xuất đá ốp lát, khai khoáng... tạo việc làm cho 2.165 lao động với mức thu nhập ổn định. Điển hình như cụm công nghiệp Bãi Trành có tổng diện tích 33,6 ha, hiện đã thu hút được 2 doanh nghiệp sản xuất CN, TTCN vào hoạt động, đó là: Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thành Nam sản xuất gỗ MDF và ván ghép thanh; Công ty TNHH Chế biến lâm sản và xuất khẩu Xuân Sơn sản xuất gỗ ván sàn và gỗ thanh. Hiện nay huyện Như Xuân đang triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thượng Ninh 20 ha, cụm công nghiệp Xuân Hòa 30 ha, cụm công nghiệp Yên Cát 12,5 ha. Tất cả các cụm công nghiệp này đều nằm trên trục đường Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất vào huyện. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 giá trị CN, TTCN trên địa bàn huyện Như Xuân ước đạt 4.700 tỷ đồng.
Để phát triển CN, TTCN, hiện nay huyện Như Xuân đang tập trung thực hiện giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, giao thương hàng hóa; thực hiện quy hoạch các vùng nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến; tập trung đào tạo nguồn lao động. Cùng với đó, huyện tiếp tục ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư CN, TTCN vào huyện.